Cần tiếp cận nhất quán, đa ngành và toàn khu vực
Hội nghị AIPA Caucus 11 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến các hoạt động kinh tế, thương mại và đời sống của nhân dân các nước ASEAN, đặc biệt là làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu mà các nước ASEAN đang tham gia. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây đưa ra dự báo, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á sẽ giảm từ 4,4% năm 2019 xuống còn 1% trong năm 2020, trước khi phục hồi lên mức 4,7% vào năm 2021.
Theo báo cáo khu vực của Ban Thư ký ASEAN, dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, lần đầu tiên trong 22 năm qua, nền kinh tế ASEAN bị sụt giảm. Các nước ASEAN đều dự báo sụt giảm tăng trưởng GDP trong năm 2020. Trong đó, ước tính toàn khu vực giảm 2,7%. Để ứng phó với những tác động tiêu cực của đại dịch toàn cầu, ASEAN đã có những phản ứng chính trị nhanh chóng và kịp thời như: Cam kết duy trì mở cửa thị trường và bảo đảm dòng chảy thương mại, đặc biệt là với các hàng hóa thiết yếu; phát triển dự trữ khu vực để bảo đảm nguồn cung cấp vật tư y tế; xây dựng Quy trình tiêu chuẩn của ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp; xây dựng Kế hoạch phục hồi của ASEAN hậu Covid-19… Bên cạnh đó, các nước trong khu vực cũng đưa ra nhiều biện pháp nhằm nâng cao sức chống chọi của nền kinh tế trước tác động của đại dịch như: Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính và củng cố thị trường; tạo thuận lợi thương mại và thúc đẩy kết nối giao thông - vận tải; ban hành Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nỗi chuối cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19…
Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách kinh tế Aladdin D Rillo cho rằng, đại dịch Covid-19 đặt ra thách thức đặc biệt với các nhà hoạch định chính sách song cũng có thể dễ dàng vượt qua nhờ vào nỗ lực hợp tác quốc tế phi thường với sự tham gia của nhiều ngành và nhiều bên liên quan.
Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hạ viện Philippines, Chủ tịch Hội nghị AIPA Caucus 11 Alan Peter S. Cayetano nhấn mạnh, cần có cách tiếp cận nhất quán, đa ngành và toàn ASEAN nhằm ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19. Theo ông, bối cảnh đặc biệt hiện nay tạo dư địa cho các nước thành viên ASEAN và các nghị viện thành viên AIPA làm sâu sắc hơn nữa hợp tác khu vực, thúc đẩy các cải cách chính sách, pháp luật. Trong bối cảnh hậu đại dịch, AIPA cũng cần đóng vai trò tích cực hơn trong thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực thông qua chức năng luật pháp và giám sát.
Với chủ đề “Hợp tác Nghị viện hướng tới giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng hồi phục kinh tế trong giai đoạn đại dịch”, AIPA Caucus 11 là nơi để đối thoại và tham vấn về những cải cách mà ASEAN có thể ban hành nhằm phục hồi kinh tế và củng cố liên kết hợp tác - kinh tế khu vực, giúp đối phó với những cú sốc tương tự trong tương lai. Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân cho rằng, đây cũng là dịp để các nghị viện thành viên trao đổi kinh nghiệm về nâng cao vai trò của cơ quan lập pháp trong ứng phó hiệu quả với các đại dịch, giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế. Chủ tịch Hạ viện Philippines tin tưởng, các định hướng chính sách được đưa ra tại hội nghị, dưới chủ đề chung sẽ phản ánh một ASEAN và AIPA phản ứng nhanh nhạy, đồng thời giúp các quốc gia thành viên vượt qua những thách thức từ các cuộc khủng hoảng hoặc đại dịch khác trong tương lai.
Hội nghị trực tuyến nhóm tư vấn AIPA lần thứ 11 do Hạ viện Philippines đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến |
Ảnh: N.Khánh
Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thúc đẩy thương mại
Tham dự Hội nghị AIPA Caucus 11, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò thành viên tích cực, chủ động và trách nhiệm. Đặc biệt hơn, năm nay Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch AIPA 41. Đoàn Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác nghị viện khu vực trên tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng” và được các đại biểu hoan nghênh, ủng hộ.
Hội nghị AIPA Caucus được chính thức thành lập tại Đại hội đồng AIPA 28 năm 2007 tại Malaysia với hai nhiệm vụ chính: Giúp Ban Chấp hành giám sát việc triển khai các Nghị quyết của AIPA ở các quốc gia thành viên; tạo cơ hội để các quốc gia thành viên AIPA thường xuyên trao đổi quan điểm với nhau về các vấn đề trong khu vực. Hội nghị AIPA Caucus 11 được tổ chức theo hình thức họp trực tuyến là phương án tối ưu, phù hợp với tình hình hiện tại, giúp rà soát, đánh giá và thúc đẩy việc thực hiện những cam kết thể hiện trong các nghị quyết đã thông qua tại Đại hội đồng, góp phần vào việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của AIPA.
Thay mặt Đoàn Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh đề nghị, các Nghị viện thành viên AIPA cần khẳng định quyết tâm nâng cao khả năng tự cường của ASEAN, ủng hộ việc triển khai các sáng kiến của ASEAN nhằm chủ động ứng phó, phối hợp khu vực để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe, tính mạng và ổn định cuộc sống của người dân, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội, đồng thời bảo đảm sự ổn định kinh tế, tài chính vĩ mô và từng bước khôi phục hoạt động kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, bảo đảm lưu thông hàng hóa và các chuỗi cung ứng trong khu vực không bị gián đoạn; xây dựng chính sách đầu tư thông thoáng, bền vững, có trách nhiệm; bảo đảm an ninh lương thực và chuỗi giá trị nông nghiệp; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; tiến tới xây dựng kinh tế tuần hoàn. Duy trì các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với đại dịch Covid-19, kịp thời ban hành những chính sách về giáo dục, thất nghiệp, cải thiện hệ thống y tế công trong đó nâng cao khả năng tiếp cận vaccine và các nhu yếu phẩm, trợ giúp cho các đối tượng dễ bị tổn thương và gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đồng thời, thực hiện các biện pháp chính sách phù hợp nhằm giảm tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 đến các ngành, nghề trong ASEAN, đặc biệt là du lịch, thông qua gói kích thích và cơ hội việc làm...
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng đề xuất, các Nghị viện thành viên AIPA cần cam kết thúc đẩy phê chuẩn các hiệp định, thỏa thuận thương mại trong khu vực; tăng cường năng lực, sự tham gia và đẩy mạnh giám sát nghị viện đối với việc thực hiện các cam kết về đầu tư và thương mại trong khuôn khổ khu vực và quốc tế, coi đây là công cụ chủ yếu nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng hơn trong Cộng đồng ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác khác…
Bên cạnh đó, Đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh, cần thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng số, kết nối số, an toàn dữ liệu số, kiến thức và kỹ năng số gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN; thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối khu vực, tăng cường kết nối giao thông; nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác tiểu vùng Mê Kông và các tiểu vùng khác của ASEAN, đặc biệt là về bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp thông minh và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên xuyên biên giới nhằm bảo đảm an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng tại các tiểu vùng trong và sau đại dịch Covid-19.
Với hai mục tiêu: Giành thắng lợi trong cuộc chiến chống Covid-19 và giảm thiểu tác động tiêu cực tới kinh tế khu vực thông qua tăng cường kết nối chuỗi cung ứng trong dài hạn, hội nghị AIPA Caucus 11 đã nhất trí thông qua cơ chế hài hòa hóa chính sách, pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa; hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), chia sẻ các phương pháp nhằm cung cấp sự cải thiện xã hội cho những người dễ bị tổn thương, kích thích kinh tế và chú trọng tới sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh, cần tập trung bảo đảm an ninh lương thực thông qua duy trì nguồn cung gạo ổn định; tăng cường hợp tác khoa học, thương mại để khu vực sớm có vaccine, thuốc, vật tư y tế với giá cả phải chăng.