Chúng ta cần phải đặt ra mục tiêu, phương châm chỉ đạo và các giải pháp gì để có thể giải quyết, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, xử lý được các vấn đề lâu dài do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt cho cả hiện tại và tương lai. Tôi đề nghị:
1. Chúng ta phải đặt ra mục tiêu đến năm 2045 (tức là 5 kế hoạch 5 năm) khi chúng ta trở thành một nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình thì: Phải chủ động được nguồn nước ngọt đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước; bảo đảm chủ động tưới tiêu khoa học, hiện đại cho 100% diện tích canh tác; đủ nước cho công nghiệp và dịch vụ; đáp ứng nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho 115 - 120 triệu dân trong tương lai, cả ở thành thị và nông thôn, nhất là ở nông thôn cũng phải được sử dụng nước tốt như thành thị. Hệ thống thủy lợi phải liên thông theo khu vực, vùng, tỉnh, huyện và điều hòa được từ nơi thừa nước đến nơi thiếu nước một cách khoa học; chủ động tiêu úng, chống lũ lụt hiệu quả; phải bảo đảm ngăn được xâm nhập mặn, sạt lở bờ biển và nước biển dâng lấn vào đất liền, giữ cho được hình thể của đất nước, không để biển lấn, mà phải lấn biển.
2. Với mục tiêu lớn đặt ra như vậy, thì cần có quan điểm và phương châm chỉ đạo là:
Thứ nhất, phải đổi mới tư duy trong hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát đối với an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, chống biến đổi khí hậu, coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ tổng hợp, cấp bách, lâu dài, liên tục, thống nhất và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tại sao nói an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập là nhiệm vụ tổng hợp vì nó phải kết hợp nhiều nhiệm vụ, từ bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, đến giao thông, thủy lợi, thủy điện, kinh tế, tài chính; vì sao phải lâu dài vì không thể có nguồn lực để làm ngay mà phải phân kỳ đầu tư. Quan điểm, nhận thức này cần được thể hiện trong Nghị quyết của cấp ủy Đảng các cấp để tạo điểm tựa về chính trị, đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm cơ sở pháp lý cho vấn đề an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập.
Thứ hai, phải coi nước là hàng hóa đặc biệt, phải thực hiện nguyên tắc thị trường, từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ nước sản xuất và sinh hoạt. Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đối tác công - tư; phân kỳ đầu tư, có trật tự ưu tiên, cấp bách làm trước, lâu dài làm từng bước, khó làm trước, phải có đột phá để xử lý vấn đề khó.
Thứ ba, để chủ động nguồn nước không bị phụ thuộc bên ngoài, cần thực hiện phương châm 4 tại chỗ: sinh thủy tại chỗ; giữ nước tại chỗ; bảo vệ tại chỗ; điều hành, vận hành, phân phối tại chỗ.
Thứ tư, phải áp dụng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ đáp ứng yêu cầu thực tế trên nền tảng của kỹ thuật số, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ bảo vệ môi trường, công nghệ thi công theo phương thức mới… để tổ chức thiết kế, thi công, quản lý và vận hành hệ thống công trình thủy lợi, quản lý nguồn nước, chất lượng nước.
Thứ năm, tăng cường quan hệ với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực, ký kết và tổ chức thực hiện các hiệp định để bảo vệ môi trường, bảo vệ các lưu vực sông, phối hợp, điều hòa nguồn nước hợp lý, hạn chế ở mức cao nhất sự tác động của con người vào tự nhiên, làm phá hoại môi trường tự nhiên, nhất là đối với lưu vực sông Mekong, sông Hồng… Cần phải khẳng định rằng, chỉ có tăng cường hợp tác quốc tế chúng ta mới có thể bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập.
3. Để thực hiện được các mục tiêu, phương châm chỉ đạo trên, chúng ta cần có các giải pháp gì?
Phải chăng là trên cơ sở các đường lối, Nghị quyết của Đảng, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ, toàn diện bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho quản lý tài nguyên nước, thủy lợi, thủy điện, đê điều, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai. Tiếp tục hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước, nhất là nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp; có quy định về hành lang thoát, xả lũ; vấn đề xây dựng các công trình, nhà cửa và cơ sở sản xuất ven sông, ven biển, nhất là những vùng dễ xảy ra lũ lụt và sạt lở đất.
Tập trung rà soát, bổ sung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch hệ thống thủy lợi quốc gia, hệ thống đê điều quốc gia, nhất là ở lưu vực sông Hồng, sông Cửu Long và khu vực miền Trung. Trên cơ sở đó xây dựng một chiến lược bảo đảm an ninh nguồn nước đến năm 2045 và tầm nhìn đến cuối thế kỷ XXI. Bố trí nguồn lực, phân kỳ đầu tư, huy động sức mạnh của quốc gia và sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để tổ chức thực hiện tốt các chiến lược này.
Nâng cao trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, tránh chồng chéo; rà soát lại việc phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương về quản lý nguồn nước và an toàn hồ đập (lưu ý một số địa phương giao cho cấp xã quản lý một số hồ, đập lớn là không phù hợp với khả năng quản lý của cấp xã). Hoàn chỉnh việc xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước, giám sát hoạt động khai thác, quy chế vận hành các hồ đập thủy lợi, thủy điện bảo đảm phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và tiêu thoát lũ.
Nghiên cứu, đề xuất các phương án thực hiện liên thông giữa các hồ, công trình thủy lợi ở từng địa phương, tiến tới khu vực, vùng miền và toàn quốc để có thể xây dựng mạng lưới thủy lợi quốc gia trong tương lai, để chủ động phân phối nước, đưa nước từ nơi thừa sang nơi thiếu, chủ động tiêu thoát nước, xả lũ, ngăn mặn, giữ ngọt. Nạo vét, khai thông, xây dựng các ao, hồ, đập, sông, suối, các kênh, rạch để có thể trữ nước ngọt, đồng thời có các cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư nhằm chống ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước. Nghiêm cấm việc san lấp ao hồ, sông suối trái quy hoạch, có chế tài xử lý, nghiêm cấm các hành vi gây ô nhiễm, cản trở dòng chảy, làm hư hại, lấn chiếm khu vực bảo vệ hồ đập, đê điều, phá hoại môi trường tự nhiên. Đi đôi với tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị đối với vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập.
Thực hiện một kế hoạch đầu tư dài hạn của ngân sách nhà nước đối với công tác bảo vệ nguồn nước, hệ thống đê điều, hệ thống thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sạch. Đồng thời, thực hiện cơ chế thị trường đối với giá dịch vụ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm, từng bước tính đủ theo quy định của Luật Thủy lợi về giá nước phục vụ sản xuất và đời sống, có lộ trình hỗ trợ hợp lý cho nông dân, hộ nghèo, hộ yếu thế theo xu thế giảm dần sự bao cấp của Nhà nước. Khuyến khích hạch toán kinh tế, sử dụng nước có hiệu quả. Vấn đề sử dụng nước có hiệu quả phải đặt ra một cách quyết liệt, cần nhớ rằng, hiệu quả sử dụng nước của chúng ta chỉ bằng 1/10 so với thế giới. Trước tình hình hiện nay, sử dụng nước có hiệu quả sẽ giảm áp lực tình trạng thiếu nước. Giải pháp sử dụng hiệu quả cần được tổ chức một cách tổng hợp bằng các biện pháp quản lý, biện pháp kinh tế, biện pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ, biện pháp tổ chức lại sản xuất.
Cần xây dựng một kịch bản ứng phó xâm nhập mặn, nước biển dâng với phương châm là chặn nước biển dâng, gắn với lấn biển không lùi, giữ cho được hình thể đất nước, các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, đặc quyền kinh tế, quyền tài phán của Việt Nam. Thực hiện phương châm sống chung với sự biến đổi của môi trường. Do đó, vấn đề quai đê lấn biển, chống sạt lở bờ biển, ngăn nước biển dâng cần được tính toán và tiến hành ngay từ bây giờ; cần thực hiện liên tục hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm.
Cần khẩn trương bố trí nguồn lực và kinh phí để sửa chữa ngay 200 hồ đập ở 33 tỉnh, thành đang bị hư hỏng nặng; có kế hoạch 2 năm tới sửa chữa 1.000 hồ cần sửa chữa, bước đầu bố trí đưa vào kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 những mục tiêu cấp bách, bố trí nguồn lực từ kế hoạch đầu tư công trung hạn nhằm thực hiện ngay các mục tiêu, cơ chế để bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập với một số nhiệm vụ cấp bách, cần thiết. Nghiên cứu nâng mức tiền dịch vụ bảo vệ rừng lên gấp 2 lần so với giai đoạn 2015 - 2020, bảo đảm mức thấp nhất dịch vụ bảo vệ rừng là 600.000 đồng/ha/năm đến giữa giai đoạn 2021 - 2025, cuối năm 2025 và giai đoạn sau phải đạt 1 triệu đồng/ha/năm, được phân bổ theo loại rừng: rừng phòng hộ, rừng nghèo kiệt, rừng nghèo, rừng trung bình và rừng giàu, nguồn lực lấy từ ngân sách và từ tăng tiền thu dịch vụ của các công ty thủy điện (với 6,7 triệu ha x 1 triệu = khoảng 6.700 tỷ đồng, trong khả năng của ngân sách và các công ty thủy điện chi trả).
Tiếp tục thực hiện tốt các hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong năm 1995 giữa Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Hiệp định về quy chế sử dụng nước dọc biên giới giữa Việt Nam, Campuchia, Công ước về luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy năm 1997, Hợp tác Mekong - Lan Thương…
Trên tinh thần đó, tôi đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ sớm xây dựng Đề án phát triển và bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 trình Quốc hội xem xét sớm nhất. Trên cơ sở đó có thể xây dựng một Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập. Đồng thời, bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để bước đầu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn đầu của chiến lược dài hạn.
________________
*Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt