Khó khăn trong khai thác nguồn nước
- Từ thực tế tham gia Đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn khảo sát về việc bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập tại Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lào Cai vừa qua, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Hiện nay, trong công tác bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập trong tương lai sẽ có nhiều vấn đề xảy ra do áp lực của gia tăng dân số, mở rộng sản xuất phát triển kinh tế… Do đó, việc Đoàn công tác của Quốc hội tiến hành khảo sát về nội dung này có ý nghĩa vô cùng quan trọng để có những giải pháp và hành động kịp thời, bởi nếu đợi đến khi xảy ra thì sẽ không giải quyết được, hậu quả sẽ vô cùng nặng nề.
- Về cơ bản, tôi thấy rằng, việc bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập luôn được các địa phương chú trọng, thực hiện hiệu quả, đồng bộ từ tỉnh, xuống huyện, xã. Công tác bảo vệ nguồn nước, phòng chống ô nhiễm đều có kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Các công trình thủy lợi ở các địa phương hầu hết được đầu tư nhiều và hàng năm đều được ưu tiên kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, bảo đảm tính an toàn và kịp thời cung cấp nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất vào mùa khô cho nhân dân. Đặc biệt, với địa hình núi cao, bị chia cắt sâu nhưng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch là khá cao ở các địa phương này. Đây là những kết quả từ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các địa phương trong bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập.
- Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất của các tỉnh miền núi phía Bắc trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập?
- Chúng ta đều thấy, ở các tỉnh miền núi mà Đoàn công tác của Quốc hội đi khảo sát theo thống kê đều có nguồn nước chảy qua địa bàn là rất lớn. Ví dụ như Hòa Bình có hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La có hồ thủy điện Sơn La... Tuy nhiên việc khai thác nước để phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng này lại rất khó dựa vào các công trình thủy điện này do đặc điểm mực nước của các công trình thủy điện ở dưới thấp, trong khi vùng đất người dân ở, canh tác lại cao hơn nhiều. Các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai đều có sông lớn chảy qua nhưng cũng rất khó để khai thác nước. Những sông suối có thể khai thác được thì lại là sông suối nhỏ, đầu nguồn nên nguồn khai thác không nhiều. Do vậy, hầu hết các tỉnh miền núi cũng có nguy cơ thiếu nước, đặc biệt là vào mùa khô và nhiều vùng như Mộc Châu (Sơn La) đã đến ngưỡng thiếu nước vào mùa khô.
Bên cạnh đó, dù hệ thống các công trình thủy lợi ở các tỉnh miền núi đã xây dựng tương đối nhiều nhưng chủ yếu phục vụ cho cây lúa nước. Trong khi, các tỉnh này đều đang dịch chuyển mạnh cơ cấu cây trồng sang cây ăn quả, cây trên đất dốc thì việc bảo đảm nguồn nước cho các tỉnh miền núi tương đối khó khăn.
Quan trọng nhất là bảo vệ, phát triển rừng
- Nước là nguồn tài nguyên không thể thiếu trong sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, nhất là với những khu vực núi cao. Vậy đâu là giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu nước của các tỉnh miền núi, thưa ông?
- Về các giải pháp, tôi cho rằng, quan trọng nhất đối với các tỉnh miền núi là phải thực hiện tốt việc bảo vệ và phát triển rừng với tư cách đây là nguồn cung cấp nước chính. Rừng ở đây phải là rừng đa dạng sinh học, rừng có nhiều tầng, có lớp phủ… bởi nếu mất rừng phía trên thì phía dưới sẽ thiếu nước. Vì vậy, cần có phân định, quy hoạch cụ thể theo hướng nơi nào là trồng cây ăn quả, phát triển nông nghiệp và nơi nào phải bảo vệ rừng nghiêm ngặt.
Đi kèm là chính sách để người dân sống dựa vào rừng; bố trí lại quy hoạch dân cư, nhất là vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa năng lực dự báo: dự báo mưa, dự báo lũ, dự báo nguồn nước để người dân có thể căn cứ bố trí tổ chức sản xuất và các hồ đập có điều kiện ứng phó; đồng thời, tiếp tục thực hiện chuyển đổi nông nghiệp sang hướng thâm canh và có giá trị cao, khi nông nghiệp có giá trị cao thì người dân sẽ bớt phá rừng.
- Theo báo cáo của các địa phương với Đoàn công tác của Quốc hội, nguy cơ thiên tai như lũ ống, lũ quét… luôn luôn là nỗi lo lớn đối với các tỉnh miền núi, bởi hệ quả vô cùng nặng nề. Để thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn hồ, đập, theo ông các địa phương cần chú trọng điều gì?
- Hiện tại, tình hình an toàn hồ, đập trong những năm vừa qua diễn biến hết sức nghiêm trọng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực quản lý rủi ro an toàn hồ, đập, nhưng cũng rất may là chưa có sự cố ảnh hưởng đến con người. Với bối cảnh thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, cùng sự điều tiết của rừng cũng suy giảm thì việc bảo đảm an toàn hồ, đập luôn đòi hỏi phải có hành động cụ thể và triển khai sâu rộng.
Do đó, các địa phương cần chú trọng, một là về tổ chức bộ máy, cần dành nguồn lực nhất định để củng cố năng lực quản lý và có đủ chuyên môn, sau đó, thực hiện phân cấp quản lý, nếu không đủ năng lực thì không phân cấp. Hai là, đối với những hồ, đập đã quá xuống cấp phải chủ động dành nguồn lực để bảo trì, nâng cấp, có phương án không tích nước vào mùa mưa lũ. Ba là, tăng cường bảo đảm an toàn cho nhân dân vùng hạ du bằng việc thông tin đến người dân tác động khó lường của thời tiết, tác động của biến đổi khí hậu, những nguy cơ có thể phải đối mặt, hướng dẫn người dân cách ứng phó khi có tình huống xảy ra.
- Xin cảm ơn ông!