Lượng nước mặt bình quân ở mức thấp
Lâu nay, người dân, doanh nghiệp vẫn có suy nghĩ Việt Nam là quốc gia giàu có về nguồn nước, nhất là khi đang có số lượng sông lớn và lượng mưa trung bình khoảng 2.000mm/năm. Tuy nhiên, tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, lượng nước mặt bình quân trên đầu người của nước ta khoảng 9.000m3, nhưng nguồn nước nội sinh chỉ đạt 3.300m3. “Lượng nước mặt bình quân này được đánh giá là thấp so với trung bình ở khu vực Đông Nam Á và thế giới. Việt Nam có 7.570 hồ, đập trữ nước, với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3, dung tích ước tính khoảng 440m3/người, không thuộc nhóm quốc gia giàu tài nguyên nước” - Bộ trưởng Bộ NN - PTNT nhấn mạnh.
Từ thực tế khảo sát tại 14 tỉnh, thành phố trong cả nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà cũng nhận thấy, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các địa phương này đều đã đầu tư hệ thống thủy lợi với hàng trăm công trình lớn, nhỏ. Tuy nhiên, theo dự báo của các cơ quan chức năng, trong 20 - 30 năm tới, nhiều tỉnh sẽ thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt là nước cho sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, lượng mưa ít, lũ về chậm, mực nước lòng sông thấp, không đủ cho sinh hoạt, sản xuất. Trước thực tế này, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đầu tư cho thủy lợi là hướng quan tâm dài hạn, nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Dù đã xây dựng và vận hành trên 900 hệ thống thủy lợi có quy mô tưới từ 200ha trở lên và 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn có quy mô phục vụ trên 2.000ha trở lên, song Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, chúng ta vẫn đang đứng trước thách thức không nhỏ. Thách thức ở đây là nhu cầu nguồn lực trong hiện tại và tương lai vô cùng lớn để ngăn mặn, giữ ngọt, ngăn nước biển dâng, chống hạn hán, xây dựng hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới tiêu cho 45,9% diện tích canh tác còn lại chưa được tưới tiêu; duy tu, bảo dưỡng, duy trì hoạt động cho hơn 86.000 công trình thủy lợi, hàng nghìn công trình cấp nước sạch sinh hoạt và cần tiền ngay để khắc phục, sửa chữa hơn 1.200 công trình hồ, đập bị xuống cấp và mất an toàn. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư hiện chủ yếu từ ngân sách nhà nước, nguồn thu từ người dân, doanh nghiệp không đáng kể.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị, ngày 17.8 |
Ảnh: Trung Thành
Chỉ dựa vào đầu tư công sẽ tạo áp lực lớn
Qua khảo sát việc cấp nước sạch ở một số vùng cho thấy, giá thành 1m3 nước sạch khoảng 11.000 đồng nhưng người dân chỉ phải bỏ ra là 6.000 đồng, còn 5.000 đồng Nhà nước bù bằng khoản đi vay với lãi suất khá cao. “Việc bảo trì, đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới, hiện đại hóa công trình thủy lợi để bảo đảm an ninh nguồn nước đòi hỏi suất đầu tư lớn, nếu dựa vào đầu tư công sẽ tạo áp lực lớn với cân đối vĩ mô, trần nợ công”, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến lưu ý.
Khó khăn này theo ông Mai Sỹ Diến là có thể khắc phục được, bởi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy định thủy lợi là một trong năm nhóm được thực hiện đầu tư PPP nhằm thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư tư nhân. Việc đầu tư các công trình thủy lợi, nhất là công trình gắn với phòng, chống thiên tai cần thực hiện nhanh, gọn, dứt điểm, nếu kéo dài thời gian sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh nguồn nước, sản xuất, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, năng lực của các nhà đầu tư hạn chế, nên triển khai cơ chế bảo lãnh chia sẻ rủi ro theo quy định tại Luật PPP sẽ có ý nghĩa quan trọng.
Với một cơ chế mới, chưa có tiền lệ ở nước ta như vậy, ông Mai Sỹ Diến đề nghị, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT cần công bố rõ cơ chế để Nhà nước tham gia cùng với nhà đầu tư tư nhân thực hiện dự án thủy lợi có suất đầu tư lớn, công nghệ phức tạp. Đồng thời, cho biết cách thực hiện bảo lãnh, bảo đảm chia sẻ với nhà đầu tư theo tỷ lệ 50 - 50 trong quản trị, cấp vốn đầu tư dự án.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, với địa hình của nước ta, số lượng hồ chứa nước hiện hành chưa đủ cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt. Thực trạng này đòi hỏi phải huy động thêm nguồn lực đầu tư của toàn xã hội vào xây dựng các công trình hồ chứa nước. Việc thu hút đầu tư xã hội không chỉ nguồn lực mà còn cả sự tham gia của quản trị xã hội vào lĩnh vực này.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, Chính phủ đã xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành Luật PPP. Trong thời gian tới, Bộ NN - PTNT sẽ phối hợp với chính quyền các tỉnh, thành phố hướng dẫn thực hiện hợp tác giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân trong các dự án thủy lợi theo phương thức PPP. “Bên cạnh các công trình đã có (5.670 hồ), những công trình kênh cấp 2, 3, 4 và các hồ, đầm nhỏ sẽ dễ thu hút các thành phần kinh tế đầu tư. Nguyên tắc đầu tư là các công trình lớn, ở vùng sâu, vùng xa do Nhà nước đầu tư. Đầu tư theo nguyên tắc này sẽ giúp bảo đảm an ninh nguồn nước, cân bằng trong mọi tình huống, mọi giai đoạn, phù hợp với nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, không khó để thấy, tăng cường đầu tư công trình thủy lợi để trữ nước, cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt sẽ tạo áp lực với cân đối ngân sách, bảo đảm trần nợ công. Trong khi đó, từ quy định của Luật PPP đến thực hiện thu hút vốn đầu tư từ xã hội sẽ là một chặng đường dài, cần tiến hành nhiều biện pháp kỹ thuật (xác định giá nước phù hợp, xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro…). Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, vấn đề sử dụng nước có hiệu quả phải đặt ra một cách quyết liệt. Việc sử dụng hiệu quả nguồn nước cần được tổ chức thực hiện tổng hợp bằng các biện pháp quản lý, biện pháp kinh tế, biện pháp kỹ thuật, khoa học - công nghệ và cả tổ chức lại sản xuất.