Tăng cường năng lực nội sinh - nhiệm vụ cấp bách
- Ngày mai, 19.9, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 sẽ khai mạc với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”. Chủ đề này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
- Đây là năm thứ 3 Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam được tổ chức để thảo luận về các vấn đề đặt ra trong thực tiễn phát triển của đất nước đòi hỏi phải có quyết sách của Quốc hội. Chủ đề năm nay “Tăng cường năng lực nội sinh,kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” đã được thảo luận rất kỹ lưỡng trong quá trình chuẩn bị tổ chức Diễn đàn. Đây không chỉ là vấn đề thời sự, cấp bách mà còn mang tính chiến lược, lâu dài đối với sự phát triển trong dài hạn bởi tình hình kinh tế - xã hội nước ta từ đầu năm đến nay dù vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều điểm sáng so với bức tranh “xám màu” của kinh tế thế giới nhưng cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức hơn so với dự báo.
Đây là thời điểm thích hợp để Quốc hội, Chính phủ, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động... cùng thảo luận, thống nhất nhận thức và quan trọng hơn là chuyển hóa từ nhận thức thành hành động, xác định rõ những việc phải làm để tăng cường năng lực nội sinh và kiến tạo các động lực mới cho tăng trưởng, phát triển bền vững.
Để chuẩn bị cho Diễn đàn năm nay, ngay sau Kỳ họp thứ Năm của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với các cơ quan đồng tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu, đánh giá, tham vấn, lựa chọn chủ đề thảo luận. Từ tháng 7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp chủ trì hội nghị tham vấn chuyên gia về Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023. Tại cuộc làm việc này, Chủ tịch Quốc hội và các chuyên gia đều đặc biệt nhấn mạnh yếu tố kiến tạo động lực phát triển, trong đó, tháo gỡ các vướng mắc, khai thông các điểm nghẽn của nền kinh tế cũng nhằm kiến tạo phát triển; tìm kiếm các cơ hội, các lĩnh vực mới cũng nhằm kiến tạo phát triển.
Đặc biệt, tại hội nghị kể trên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, càng trong điều kiện khó khăn, thử thách thì hoạch định chính sách càng không được phép "ăn đong", không chỉ nhìn vấn đề ngắn hạn, mà phảixác định rất rõ đâu là vấn đề trước mắt, cấp bách, đâu là vấn đề chiến lược, lâu dài và đâu là yếu tố "bất biến để thích ứng với vạn biến", từ đó đề xuất, hiến kế cho Quốc hội những giải pháp đúng, trúng, đưa kinh tế - xã hội vượt qua khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng và tạo đà cho sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong thời gian tới.
Với tinh thần đó, năm nay, Diễn đàn sẽ tập trung vào hai vế: một mặt, tìm kiếm các giải pháp, các cách thức hữu hiệu để củng cố, tăng cường hơn nữa năng lực nội sinh của nền kinh tế; một mặt, kiến tạo các động lực mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững trong một thế giới đầy biến động. Việc lựa chọn chủ đề này cũng thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội đối với sự phát triển đất nước.
- Một trong những nội dung của Diễn đàn lần này là nhận diện những nút thắt, rào cản đối với nền kinh tế để từ đó xác định đúng, trúng các biện pháp tăng cường năng lực nội sinh của nền kinh tế. Vậy theo ông, đâu là rào cản lớn nhất hiện nay?
- Thực ra, nhận diện những nút thắt và rào cản đối với nền kinh tế không khó, về cơ bản đến nay chúng ta cũng thống nhất đánh giá về những rào cản này. Tôi cho rằng, rào cản lớn nhất chính là công tác tổ chức thực thi, đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Trên diễn đàn của Quốc hội chúng ta cũng đã nói rất nhiều về câu chuyện này, trong đó có câu chuyện sợ trách nhiệm, né trách nhiệm, không muốn làm, không thiết tha làm của một bộ phận cán bộ, công chức và thậm chí cả lãnh đạo các ban, ngành, địa phương.
Khẩn trương hoàn thiện thể chế cho kinh tế số, kinh tế xanh
- Theo ông, có hay không rào cản thể chế như dư luận phản ánh vừa qua?
Về thể chế, lâu nay chúng ta cũng nghe dư luận xã hội phản ánh, cho rằng có tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, thậm chí còn xem đây là nguyên nhân khiến một bộ phận cán bộ, lãnh đạo sợ trách nhiệm, né trách nhiệm, không muốn làm gì.
Tôi đồng ý, mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật là có. Điều này khó tránh được vì chúng ta vẫn đang trong tiến trình hoàn thiện thể chế, đặc biệt trong mấy năm vừa qua, đại dịch Covid-19 và những diễn biến phức tạp, khó đoán định của tình hình quốc tế đã đặt ra rất nhiều yêu cầu mới, chưa có tiền lệ đối với việc hoàn thiện thể chế. Tuy nhiên, Quốc hội, Chính phủ đã và đang hết sức nỗ lực trong vấn đề này.
Cùng với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm yêu cầu “kiến tạo phát triển” trong các đạo luật mới được ban hành, Quốc hội yêu cầu Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban phải thường xuyên, liên tục giám sát, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện các bấp cập, vướng mắc không chỉ trong các luật mà đặc biệt là trong các nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Ngay tại Kỳ họp thứ Năm vừa qua, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tiến hành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá… để phát hiện, xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật có liên quan để báo cáo Quốc hội, kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật không còn phù hợp hoặc kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết có liên quan.
Sau Kỳ họp, song song với Chính phủ, Quốc hội cũng đã thành lập tổ công tác tiến hành thực hiện nhiệm vụ này. Tại Kỳ họp thứ Sáu tới, các báo cáo của Chính phủ và Quốc hội sẽ được trình Quốc hội, trên cơ sở đó, chúng ta sẽ liên tục rà soát, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cũng đang tập trung hoàn thiện các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Nhà ở (sửa đổi), Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)... để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu tới. Các luật này chắc chắn sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc hiện nay, khơi thông các điểm nghẽn và các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đất đai để hỗ trợ tăng trưởng.
Điều quan trọng nhất, theo tôi vẫn phải là nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ, năng lực và trách nhiệm tổ chức thi hành chính sách, pháp luật. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Năm, đặc biệt là rà soát công tác triển khai các luật, nghị quyết có nhiều nội dung phải ban hành nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành, đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm phải khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được Quốc hội giao. Tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ sẽ phối hợp tổ chức định kỳ Hội nghị này để tạo chuyển biến căn bản trong công tác tổ chức thi hành pháp luật.
- Kiến tạo các động lực mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững cũng đã được Quốc hội đặt ra tại các Kỳ họp vừa qua. Theo ông, các động lực mới đó nên là gì và trách nhiệm của Quốc hội trong việc thúc đẩy vấn đề này ra sao?
- Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất của các chuyên gia về việc cần tập trung khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới như: kinh tế số, năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp, khu vực kinh tế tư nhân, tăng trưởng xanh gắn với chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao vai trò, sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu... Với thẩm quyền của mình, Quốc hội sẽ đôn đốc Chính phủ, các cơ quan hữu quan khẩn trương hơn nữa trong việc hoàn thiện thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (bao gồm cả cơ chế thử nghiệm - sandbox) để vừa tận dụng cơ hội, vừa hỗ trợ vượt qua khó khăn, thách thức.
Qua Diễn đàn lần này, Quốc hội sẽ lắng nghe đầy đủ các ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, đại diện các cơ quan của Quốc hội, các ban, bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, từ đó chắt lọc, nghiên cứu ngay các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đồng thời đôn đốc, giám sát Chính phủ, các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra cho năm 2023, giai đoạn 2021 - 2026 hướng đến hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển mà chúng ta đã xác định đến năm 2030, 2045.
- Xin trân trọng cảm ơn Tổng Thư ký Quốc hội!