Điều chỉnh hạn mức phù hợp với điều kiện và yêu cầu quản lý nhà nước
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu tập trung sửa đổi những quy định có mâu thuẫn, đang gây vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Những quy định sửa đổi bảo đảm tính độc lập, ổn định, kế thừa được nội dung khi sửa đổi, bổ sung toàn diện các luật; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế của Việt Nam.
Qua thảo luận, đại biểu Tổ 16 cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật nêu trên và cho rằng việc xây dựng Luật sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho rằng, việc triển khai Luật Đấu thầu thời gian qua đã có những phát sinh trong thực tiễn. Đơn cử, trong mua sắm trang thiết bị, sửa chữa trụ sở cơ quan trường học (trên 100 triệu đồng) thì phải lập hồ sơ mời thầu, xét thầu dẫn đến mất thời gian của các chủ đầu tư, mà chưa chắc giảm giá có lợi cho ngân sách nhà nước… Do đó, đề nghị các gói thầu mua sắm, sửa chữa các trụ sở cơ quan có giá trị dưới 1 tỷ đồng được chỉ định thầu giảm giá 5% để tiết kiệm cho ngân sách nhà nước và rút ngắn thời gian thủ tục.
Dẫn quy định tại điểm m, khoản 1 Điều 23 (Luật Đấu thầu 2023): “Gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng; gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công, bao gồm: Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn có giá gói thầu trong hạn mức không quá 500 triệu đồng, gói thầu phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu trong hạn mức không quá 01 tỷ đồng”... đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị, dự thảo luật cần điều chỉnh hạn mức quy định để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước.
Cũng theo đại biểu, đối với các gói thầu sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên (nguồn sự nghiệp) hạn mức chỉ định thầu từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng; nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia... không quy định cụ thể trong Luật Đấu thầu, mà thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh của gói thầu mua sắm…
Đơn cử, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, các gói thầu sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên rất nhiều, đặc biệt là các gói thầu duy tu sửa chữa công trình giao thông, thủy lợi, sửa chữa trụ sở cơ quan. “Đây là các gói thầu có quy mô nhỏ dưới 1 tỷ đồng nhưng cần phải triển khai thực hiện kịp thời; nếu triển khai lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi sẽ tăng thủ tục, kéo dài thời gian thực hiện. Vì vậy, việc áp dụng quy định "chỉ định thầu đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng" còn nhiều khó khăn và bất cập, nhất là các gói thầu sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên (nguồn sự nghiệp)”, đại biểu Nguyễn Duy Thanh dẫn chứng.
Từ thực tiễn đó, đại biểu kiến nghị xem xét "nâng hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu dự toán từ nguồn kinh phí chi thường xuyên hạn mức không quá 1 tỷ đồng"… Đồng thời, liên quan đấu thầu thuốc, đại biểu cũng đề nghị xem xét thống nhất lại giá thuốc; nâng hạn mức chỉ định thầu nhằm cung ứng kịp thời thuốc, vật tư, thiết bị y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh và bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.
Giao UBND cấp tỉnh được chấp thuận các chủ trương đầu tư
Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, dẫn quy định tại khoản 8 Điều 2 sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 47: “Nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm, trừ trường hợp không thực hiện đúng tiến độ tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”… đại biểu Lê Mạnh Hùng (Cà Mau) đề nghị sửa đổi theo hướng: Cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư chỉ ra quyết định ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng các nội dung chấp thuận đầu tư dẫn đến thay đổi mục tiêu, quy mô dự án, đánh giá tác động môi trường, không đúng với quy hoạch… Còn các nội dung khác không làm ảnh hưởng đến các yếu tố trên thì không cần thiết buộc phải ngừng hoạt động của dự án đầu tư.
Đồng thời, đại biểu cũng kiến nghị làm rõ và bổ sung quy định về việc có thu hồi đất sau khi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bị thu hồi hay không? (tại khoản 9 Điều 2).
Theo đại biểu, quy định về việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư theo Luật Đầu tư hiện hành và Luật Đất đai 2024 chưa có sự liên thông, thống nhất về việc thu hồi đất, cụ thể: theo quy định tại khoản 8 Điều 81 Luật Đất đai 2024 thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại nếu đất được Nhà nước giao, cho thuê… để thực hiện dự án đầu tư mà không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc dự án chậm tiến độ 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư.
“Đối chiếu với điểm d, khoản 2, Điều 48 Luật Đầu tư 2020 thì trường hợp dự án đầu tư bị thu hồi đất thì đương nhiên bị chấm dứt hoạt động đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp cho chủ đầu tư theo khoản 6 Điều 48 Luật Đầu tư 2020… Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2020 không quy định trường hợp dự án bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì có dẫn đến phải thu hồi đất hay không vì điều kiện thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư “nhẹ” hơn điều kiện thu hồi đất dự án chậm tiến độ theo Luật Đất đai 2024”, đại biểu nhấn mạnh.
Về thủ tục đầu tư đặc biệt trong Luật Đầu tư, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát kỹ và quy định rõ ràng, chặt chẽ về đối tượng được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt này; nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt đáp ứng khả năng, năng lực quyết định, tổ chức, nguồn nhân lực của từng cấp quản lý, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; đồng thời cần bổ sung chế tài gắn trách nhiệm cụ thể, xử lý vi phạm nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong triển khai thực hiện, nhất là đối với các dự án lớn, quan trọng, có tính chất chuyên ngành phức tạp, tác động lan tỏa tới phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và cả nước...
Phát biểu tại phiên thảo luận, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cơ bản thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu như Tờ trình của Chính phủ nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, thủ tục cũng như phân cấp phân quyền trong quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu… Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm quy định về bãi bỏ quy hoạch; tiếp tục phân cấp, phân quyền và giao UBND cấp tỉnh được phép chấp thuận các chủ trương đầu tư; cho phép các địa phương xử lý các vướng mắc, sai sót đối với các dự án chấp nhận chủ trương đầu tư sai thẩm quyền trước đây…
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng cũng đề nghị áp dụng sớm hình thức đấu thấu hạn chế, chỉ định thầu và có thể trình các phương án đấu thầu phù hợp hơn. Bởi, với cách thức đấu thầu như hiện nay nhiều việc vẫn còn hình thức; có nhiều nhà thầu hồ sơ đẹp nhưng thực thi dự án đạt kết quả thấp… “Đối với lĩnh vực văn hóa, kiến trúc hay một số lĩnh vực mang tính đặc thù thì nên chỉ định thầu, chọn nhà thầu… nhằm giảm thiểu tình trạng đấu thầu lại, tiết kiệm chi phí và ngân sách Nhà nước”, đại biểu Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh.