Trong một cuộc trò chuyện ngoài hành lang Quốc hội, nhân bàn về tình trạng lãng phí, một ông bạn của tôi nêu ví dụ, từ ngày Nghị định 151 về quản lý tài sản công ra đời, con của cậu ta không còn được đến bể bơi nữa. Sở dĩ như vậy vì đơn vị Nhà nước sở hữu bể bơi này không thể thực hiện được đề án sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật.
Điều đáng tiếc, đây không phải là tình trạng cá biệt của việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật làm lãng phí tài sản của không chỉ Nhà nước mà của toàn xã hội.
Chúng ta đang sống trong giai đoạn phát triển nhanh, có những vấn đề chưa từng xuất hiện trong lịch sử loài người mà chúng ta chưa có kinh nghiệm ứng phó. Không ít hiện tượng tiêu cực đang xảy ra trong xã hội. Tất cả những điều đó khiến nhu cầu xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, để tạo hành lang pháp lý rõ ràng, ổn định cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Thực ra, không phải đến bây giờ nhu cầu xây dựng và hoàn thiện pháp luật mới trở nên cấp thiết. Nhưng rõ ràng là, với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước ta hiện nay cũng như sự biến đổi nhanh chóng của thế giới dưới tác động của sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, khiến cho việc hoàn thiện luật pháp càng trở thành nhu cầu cấp bách. Vấn đề ở đây là chất lượng và hiệu quả của việc xây dựng và triển khai pháp luật.
Qua theo dõi, dường như chúng ta đang chú ý quá nhiều đến “thiểu số làm sai” để ban hành pháp luật, hơn là khuyến khích, bảo vệ “đa số làm đúng”. Thực trạng này dẫn đến các quy định cấm, “không quản được thì cấm” có vẻ vượt trội trong công tác xây dựng luật pháp. Hãy tưởng tượng, một ngôi nhà có hàng rào quá cao có thể ngăn nguy cơ xảy ra trộm cắp, nhưng sẽ ảnh hưởng đến tầm nhìn của ngôi nhà.
Tôi từng có bài viết về việc hợp tình hay hợp lý khi triển khai Nghị định 151 về quản lý sử dụng tài sản công và vô cùng đau xót trước sự lãng phí ở các thiết chế văn hóa, như bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật...
Nguyên nhân là vì những quy định tưởng chừng hợp lý nhưng không khả thi trong Nghị định này, như muốn khai thác tài sản công phải có đề án; đề án phải định giá được đất đai, tài sản, thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong khi đó, chỉ riêng định giá đất đã vô cùng khó khăn, chưa nói đến định giá tài sản hay thương hiệu. Vì không thực hiện được đề án dẫn đến một vòng luẩn quẩn của khó khăn trong việc khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa: Không có đề án thì không triển khai được dịch vụ và không có hoạt động hấp dẫn, không thu hút được du khách, hoạt động không hiệu quả, không nhận được đầu tư...
Nếu như trước khi có quy định pháp luật về quản lý tài sản công các thiết chế văn hóa hoạt động rất sôi nổi, trong đó không tránh khỏi có những hoạt động dịch vụ gây phản cảm, như cho phép kinh doanh ăn uống lộn xộn, sai với chức năng, nhiệm vụ phục vụ công chúng vốn có của thiết chế văn hóa; thì giờ đây, để ngăn chặn những sai phạm của phía thiếu số này, hầu như các thiết chế văn hóa đều đang trở nên… đìu hiu. Hàng nghìn thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa trên địa bàn cả nước thiếu sức sống, không trở thành những không gian sáng tạo cho nhân dân như kỳ vọng, thậm chí tạo ra “bức tranh ảm đạm” trong đời sống văn hóa ở cơ sở, trong khi người dân vẫn có nhu cầu, còn doanh nghiệp thì mong muốn phối hợp.
Sắp tới, khi được Quốc hội thông qua, chúng ta sẽ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Một trong những câu hỏi là băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội, đó là làm thế nào để triển khai dự án hết sức quan trọng này một cách hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực của xã hội.
Tôi tin tưởng rằng, bằng cách gỡ khó từ những quy định pháp luật hiện chưa phù hợp sẽ giúp chúng ta giải tỏa nguồn lực cho các tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước cũng như toàn xã hội; từ đó xây dựng thành công một xã hội lấy con người làm trung tâm, phát triển bền vững.