Tăng cường phân cấp, ủy quyền cho địa phương
Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, việc sửa đổi Luật Đầu tư công là hết sức cần thiết trong bối cảnh tình hình giải ngân đầu tư công cả nước chưa đạt như kỳ vọng, với mục tiêu năm 2024 đạt 95%. Vì thế, những ý kiến của các đại biểu góp ý vào dự thảo Luật giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho công tác đầu tư công nói chung, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án nói riêng hiện nay.
"Từ kinh nghiệm thực tế tại Hà Nội, việc phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý, cũng như phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương quản lý sẽ góp phần tăng cường sự công khai, minh bạch, hiệu quả của các dự án đầu tư công tại các địa phương", ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Phát biểu làm rõ một số vấn đề, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết: thời gian qua, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như Bộ Chính trị nhấn mạnh đến việc tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc để giải phóng nguồn lực cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Trên tinh thần đó, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu cũng như các cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả công tác xây dựng pháp luật; “một luật sửa nhiều luật” nhưng tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, mà góp phần thúc đẩy sự phát triển khi triển khai trong thực tiễn.
Theo đánh giá của Bí thư Thành uỷ, các cơ quan chủ trì soạn thảo của Chính phủ đã quyết tâm, quyết liệt để các dự án luật được trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp này. Trong đó, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đặc biệt quan tâm đến nội dung phân cấp, ủy quyền cho các địa phương, nhất là việc tăng cường phân cấp, ủy quyền phải gắn với bố trí nguồn lực cho các địa phương.
Cơ bản nhất trí với các ý kiến của các ĐBQH thảo luận tại tổ Hà Nội về việc sửa đổi Luật Đầu tư công, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho rằng, việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập là một bước tiến bộ lớn trong xây dựng luật. “Việc GPMB trong các dự án đầu tư còn chậm do nhiều nguyên nhân, liên quan đến giá đền bù, rồi nguồn gốc đất của người dân và tổ chức... Tuy nhiên, việc hỗ trợ và đền bù GPMB là hai công việc khác nhau”, bà Bùi Thị Minh Hoài phân tích.
Lấy ví dụ thực tiễn những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng tại Hà Nội, Bí thư Thành uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Bùi Thị Minh Hoài nhất trí với kiến nghị của các ĐBQH đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình những nội dung còn ý kiến khác nhau trong Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đặc biệt là những nội dung liên quan đến việc phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.
Giải ngân thanh toán được kịp thời và linh hoạt
Nhất trí với việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, việc tách này cần được thực hiện với tất cả các dự án, chứ không theo từng nhóm như dự thảo Luật quy định. Bởi, dự thảo Luật còn ràng buộc “trong trường hợp cần thiết”, như vậy cơ quan soạn thảo cần làm rõ nội hàm của cụm từ này, cần thiết về thời gian, sự đồng thuận của người dân hay nội dung gì? Dưới góc nhìn của mình, đánh giá dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) có tác động lớn đối với xã hội, ĐBQH Nguyễn Thị Lan quan tâm đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư (Khoản 1 Điều 34). Theo đại biểu, cần làm rõ thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trong trường hợp chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương, quyết định đầu tư.
Quan tâm đến dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Phi Thường cho rằng, công tác GPMB, tái định cư luôn là vấn đề khó khăn, vướng mắc gặp phải đối với các dự án đầu tư công. Vì thế, việc cho phép tách dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án riêng đã góp phần thúc đẩy quá trình triển khai các dự án. Thế nhưng, việc bố trí vốn để thực hiện các dự án đặc thù này vẫn cần có cơ chế, chính sách mang tính linh hoạt. Cụ thể, kinh nghiệm của thành phố Hà Nội cho thấy, việc bố trí vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tập trung thay cho việc bố trí vốn cụ thể cho từng dự án đã thực sự phát huy hiệu quả, bảo đảm việc giải ngân thanh toán được kịp thời và linh hoạt.
“Tôi đề xuất xem xét bổ sung nội dung tại Điều 55 dự thảo Luật về nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho chương trình, dự án; bổ sung nội dung bố trí kế hoạch vốn trung hạn, hằng năm tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng cũng như các dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư”, ĐBQH Nguyễn Phi Thường kiến nghị.
Cũng tại buổi thảo luận tổ, để hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), các ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, dự án Luật cần thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành để khắc phục tình trạng đầu tư kéo dài và giải ngân chậm; bổ sung thẩm quyền dự án đối với vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư; quy định sử dụng nguồn chi thường xuyên có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ khác...