“Nhân dân cả nước sẽ rất vui mừng”
Thảo luận tại Tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng và các tỉnh Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu), các ĐBQH đều bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đối với dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, dự thảo Luật đã thể hiện tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát.
Đồng thời, dự thảo Luật cũng bảo đảm rõ việc, rõ trách nhiệm; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; không tạo cơ chế xin - cho. Nếu được Quốc hội thông qua, Luật sẽ có tác động tích cực tới việc triển khai các dự án đầu tư công trong thời gian tới.
Còn theo ĐBQH Trần Quốc Nam (Ninh Thuận), Luật Đầu tư công có tác động, ảnh hưởng hết sức lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đặc biệt là các địa phương còn khó khăn như Ninh Thuận.
Thực tế, theo tính toán của đại biểu, một nhiệm kỳ, vốn đầu tư công trung hạn cho Ninh Thuận bình quân vào khoảng 12.000 tỷ đồng - thuộc nhóm thấp nhất cả nước; nguồn lực của địa phương không đáng kể. Do vậy, đại biểu đặt nhiều kỳ vọng vào dự thảo Luật Đầu tư công lần này trong việc đưa vốn đầu tư công đi vào cuộc sống, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương cũng như cả nước phát triển.
“Nếu Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp lần này thì Nhân dân cả nước sẽ rất vui mừng vì được hưởng lợi các công trình đầu tư nhanh nhất có thể, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạng mục công trình thiết yếu phục vụ đời sống sản xuất và dân sinh”, đại biểu Trần Quốc Nam tin tưởng.
Sẽ có những địa phương gặp khó khi phân cấp
Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, một trong những điểm nổi bật quan trọng là đã tăng phân cấp, phân quyền, theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Theo đó, dự thảo Luật phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý; phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý…
Tuy nhiên, theo ĐBQH Lê Tiến Châu (Hải Phòng) với việc phân cấp mạnh theo dự thảo Luật, cần đánh giá tác động xem liệu địa phương và các chủ đầu tư “có đủ sức đảm đương công việc này không". Bởi "nếu phân cấp mà địa phương không đủ năng lực để làm cũng là một câu chuyện lớn".
Chẳng hạn, trước đây, đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư công hầu như do Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm nhận. Bây giờ phân cấp về cho tỉnh thì cần có nhà chuyên môn làm, mà không phải ai cũng làm được. Vậy địa phương có làm được không? - đại biểu đặt vấn đề.
Hay trước đây, địa phương được quyết định dự án nhóm B, thì giờ được phân cấp cả với dự án nhóm A với số vốn 10.000 tỷ đồng. Muốn làm, phải có bộ máy, nhân lực, trong khi biên chế không tăng, khối lượng công việc nhiều hơn. Do vậy, cần phải hết sức cân nhắc.
“Tôi đi một vài địa phương thì thấy, với chủ trương phân cấp này sẽ có một số nơi làm được, nhưng sẽ có những địa phương khó”, đại biểu Lê Tiến Châu thẳng thắn.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trần Quốc Nam cho rằng, phân cấp, phân quyền, ủy quyền sẽ là giải pháp tháo gỡ quan trọng cho vốn đầu tư công trung hạn, để vốn không chờ dự án và dự án không chờ vốn, giúp các địa phương linh hoạt, chủ động hơn, song “chưa chắc địa phương nào cũng làm được”. Và nếu không có bộ máy để đáp ứng yêu cầu công việc mới khi được phân cấp, phân quyền, thì khi có hậu quả xảy ra sẽ khó khắc phục.
Do vậy, đại biểu đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá lại tác động, khả năng, chất lượng điều hành của các chủ đầu tư, của các cơ quan quản lý các cấp khi được phân cấp, ủy quyền mạnh.
Cũng theo đại biểu Trần Quốc Nam, dự thảo Luật quy định “các chương trình, dự án chịu sự giám sát của cộng đồng. MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng và phản biện xã hội”. Tuy nhiên, khi đã phân cấp thì việc giám sát này thực hiện thế nào? Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ giám sát dự án nhóm A do Trung ương (Thủ tướng Chính phủ) quyết định, hay những dự án nào?... Nêu vấn đề, đại biểu đề nghị cần làm rõ để tạo thuận lợi trong thực thi.
Đặt nhiều kỳ vọng vào dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua, qua đó tạo thuận lợi hơn trong triển khai các dự án đầu tư công thời gian tới, ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị: Khi đã phân cấp, phân quyền để giảm thời gian thực hiện dự án, thì cần phải bảo đảm khi triển khai sẽ đạt được mục đích này cũng như thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.
Cùng với đó, phải tăng cường hơn nữa công tác giám sát của Quốc hội và HĐND để bảo đảm các dự án đầu tư công đạt hiệu quả cao nhất.
Đại biểu Trần Quốc Nam đề xuất, nếu được Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có hướng dẫn để các địa phương triển khai thực hiện thuận lợi; và sau một năm cần tổ chức sơ kết nhằm kịp thời phát hiện vấn đề phát sinh, có điều chỉnh, bổ sung, hướng dẫn cho phù hợp.