Đa số ý kiến ĐBQH đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công; cho rằng, việc trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật.
Theo ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) so với Luật Đầu tư công 2019, dự thảo Luật đã có nhiều nội dung mới.
Đó là tăng cường phân cấp, phân quyền trong việc quyết định chủ trương đầu tư, tạo sự linh hoạt và chủ động cho các cấp chính quyền địa phương trong quản lý và thực hiện các dự án đầu tư công.
Bổ sung quy định về việc tách riêng công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với các dự án đầu tư công, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giảm thiểu các vướng mắc trong triển khai dự án.
Điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công, nâng quy mô vốn của các dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng, nhằm phù hợp với quy mô nền kinh tế và các yêu cầu phát triển mới.
Bổ sung quy định về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, nhằm thúc đẩy quá trình giải ngân, bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn này cho các dự án đầu tư công.
Cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh dự án đầu tư công, nhằm giảm thời gian thực hiện, nâng cao tính linh hoạt và hiệu quả trong quản lý đầu tư công.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị, cần xem xét một cách kỹ lưỡng hơn về tính hợp hiến, hợp pháp của dự thảo Luật khi hiện cũng đang sửa rất nhiều luật gắn liền với đầu tư công.
Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, tiếp thu các ý kiến, đánh giá tác động của các chính sách, trên tinh thần không tạo ra rào cản, "vướng ở đâu, gỡ ở đấy", song không đưa vào dự thảo Luật những nội dung chưa chín, chưa rõ, chưa cụ thể.
Nhiều ĐBQH tán thành với quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao 1 UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; cho rằng, đây là nội dung hết sức cần thiết, góp phần tháo gỡ nhiều thủ tục, vướng mắc làm ảnh hưởng đến quá trình đầu tư kéo dài và vốn đầu tư không hiệu quả.
Dẫu vậy theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn, đây là quy định chưa có tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng, trong khi các địa phương cũng vẫn đang bỡ ngỡ khi được phân cấp, phân quyền giao cho làm chủ đầu tư. Do đó, đề nghị tôi cần có đánh giá chính xác về nội dung này, tìm ra được những bất cập để tháo gỡ bằng cách quy định cụ thể.
Cùng quan điểm này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tỏ ra băn khoăn với các công trình liên xã mà giao cho cấp xã làm chủ đầu tư, bởi ở cấp xã, cán bộ chuyên môn còn thiếu, công tác quản lý dự án của cấp xã còn bất cập, phức tạp, có khả năng dẫn đến tiêu cực.
Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, nếu xã có dự án riêng biệt thì giao cho xã làm đơn vị chủ quản, chủ đầu tư; nếu là công trình, dự án liên xã thì giao cho Ban quản lý dự án của cấp huyện làm đơn vị chủ quản, chủ đầu tư nhằm bảo đảm chuyên môn và công tác quản lý.