Bên ủng hộ thì thấy toàn những lý do nên cấm như tệ nạn xã hội, ầm ĩ, cháy nổ... và tựu chung là không quản lý được. Bên phản đối cũng đưa ra những lý do hợp lý không kém về sự đóng góp cho nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, đáp ứng nhu cầu giải trí của Nhân dân...
Kết quả cuối cùng là văn bản không được ban hành, ngành văn hóa chỉ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động karaoke thông qua các nghị định xử phạt trong lĩnh vực văn hóa. Đây chỉ là một trong số vô vàn ví dụ về quy định liên quan đến “không quản được thì cấm”. Đồng thời cũng là một ví dụ cho thấy áp lực từ dư luận đối với vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước khi chỉ muốn đem lại sự tiện lợi cho mình mà ít quan tâm đến tác động tiêu cực đến xã hội từ các quyết định quản lý của mình.
Nói như vậy để chúng ta thấy rõ hơn ý nghĩa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV vừa qua, đó là dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Liên quan đến “đức trị” và “pháp trị”, thực tiễn cho thấy, những người theo trường phái “đức trị” cho rằng, bản chất con người là tốt vì thế cách tốt nhất để xây dựng quốc gia là khuyến khích lòng tốt của con người (khuyến thiện), từ đó tạo ra môi trường tích cực cho sự phát triển đất nước. Ngược lại, những người theo “pháp trị” cho rằng, ngay bản thân từ “con người” vốn có hai phần, phần “con” trước phần “người”. Vì thế, xã hội cần ban hành pháp luật nghiêm khắc để hạn chế bản năng phần “con” của con người, từ đó tạo nên một xã hội nghiêm minh. Cả hai cách tư duy này đều có lý lẽ riêng, khiến nhiều ý kiến cho rằng, trong xã hội hiện nay, cần kết hợp cả “đức trị” và “pháp trị” để tạo nên một xã hội cân bằng cả đạo đức và pháp luật.
Tuy nhiên, sự kết hợp ấy không phải lúc nào cũng là một giải pháp tốt.
Tôi luôn cho rằng, đạo đức rất quan trọng vì đạo đức ở gần, pháp luật ở xa, nên đạo đức điều tiết hành vi con người tốt hơn pháp luật. Dù vậy, trong những giai đoạn xã hội cụ thể, với trình độ dân trí cụ thể, chúng ta cần áp dụng hai triết lý quản trị xã hội một cách phù hợp. Nhìn chung thì đạo đức nên là hệ điều tiết cho hành vi xã hội, nhưng trong những giai đoạn cụ thể, pháp luật phải ở vị trí thượng tôn để ổn định xã hội trước hết.
Nói như vậy không có nghĩa cứ ban hành pháp luật thì xã hội sẽ ổn định. Vấn đề đặt ra ở đây là pháp luật nào, hay chất lượng của pháp luật.
Theo tôi, việc ban hành luật pháp là đưa ra những chính sách, hành lang pháp lý quan trọng cho một lĩnh vực. Điều này đồng nghĩa với việc đưa ra hai loại chính sách “khuyến khích” và “cấm”. Trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy dường như chính sách liên quan đến “cấm” ưu trội hơn chính sách liên quan đến “khuyến khích”.
Một trong những lý do căn bản, theo tôi, là do xã hội của chúng ta đang ở giai đoạn chuyển tiếp, phát triển nhanh, trong bối cảnh thế giới phức tạp và có nhiều điều mới, chưa có tiền lệ. Thêm vào đó, có nhiều người lợi dụng bối cảnh cụ thể để tạo ra lợi ích cho riêng mình mà không quan tâm đến lợi ích của người khác và lợi ích chung của xã hội. Pháp luật được xây dựng và ban hành nhằm triệt tiêu những sai phạm của thiểu số đó. Các cơ quan xây dựng pháp luật thường mong muốn dễ dàng cho mình hơn là nỗ lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và phức tạp của sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, điều này vô hình trung gây ảnh hưởng tiêu cực đến những người đang làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đây có lẽ chính là một biểu hiện của tình trạng “không quản được thì cấm”.
Và có lẽ, chúng ta sẽ không chỉ thấy tư duy này trong những dự định ban hành chính sách liên quan đến cấm karaoke, hạn chế số lượng cuộc thi hoa hậu, cấm hầu đồng… mà còn trong rất nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.
Tôi tin rằng, việc đổi mới tư duy trong lập pháp không chỉ cần thiết, mà còn là “chìa khóa” để mở ra “cánh cửa” phát triển cho đất nước. Luật pháp không nên chỉ là công cụ để quản lý, mà còn phải là động lực thúc đẩy sự sáng tạo và tiến bộ. Thay vì ban hành những quy định chỉ nhằm "tiện cho quản lý", chúng ta cần kiến tạo điều kiện để các địa phương và cơ quan chức năng có thể vận dụng linh hoạt, tạo ra giá trị thực sự.
Từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm" chính là cách tháo gỡ những rào cản vô hình, giải phóng nguồn lực tiềm năng và mở ra những cơ hội mới đầy triển vọng cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Thay vì tập trung vào việc cấm đoán, chúng ta cần tìm kiếm những giải pháp quản lý hiệu quả hơn, từ đó, có thể khơi dậy nguồn năng lượng sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mạnh mẽ, phù hợp với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.