Theo đại biểu, tại khoản 9, Điều 6 dự thảo luật sửa đổi bổ sung thêm điểm b, điểm c và bổ sung điểm d và khoản 3 Điều 125, đã quy định rõ ràng khi thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu bên thứ 3 và kê biên tài sản để tránh lãng phí thời gian, nguồn lực kinh phí và nâng cao hiệu quả công tác cưỡng chế thu nợ thuế. Quy định cơ quan thuế được linh hoạt áp dụng đồng thời các biện pháp cưỡng chế như kê biên tài sản, thu bên thứ 3 và ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế phù hợp để đảm bảo thu kịp thời tiền nợ thuế vào ngân sách nhà nước. Theo đại biểu, thực hiện được việc này sẽ tiết kiệm thời gian, nguồn lực và chi phí cho cưỡng chế, nâng cao hiệu quả cưỡng chế thu nợ thuế, khắc phục những bất cập, khó khăn trong thực hiện biện pháp cưỡng chế thu nợ thuế như hiện nay.
Về bãi bỏ một số từ, cụm từ, điểm, khoản, điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia, ĐBQH Trần Thị Vân cho rằng, tại khoản 2, Điều 8 Dự thảo Luật bỏ quy định chứng từ kế toán phải có “Tên địa chỉ cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán” là phù hợp bởi địa chỉ có thể thay đổi. Tuy nhiên, theo đại biểu để tránh tình trạng mua, bán trái phép, sử dụng hoá đơn, chứng từ kế toán không hợp pháp. Nếu quy định này bị bãi bỏ sẽ dẫn đến khó khăn trong việc xác minh đối chiếu của đơn vị kế toán, khó khăn trong công tác thanh, kiểm tra.
Đại biểu Trần Thị Vân đề nghị thay chỉ tiêu “Tên địa chỉ cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán” bằng một chỉ tiêu khác, như mã định danh cá nhân, số điện thoại hoặc tài khoản mạng xã hội (đối với trường hợp bán hàng qua mạng, hoặc giao dịch điện tử).
Liên quan đến Luật Đầu tư công (sửa đổi), ĐBQH Trần Thị Vân kiến nghị về đối tượng đầu tư công (Điều 5), cần làm rõ quy định tại khoản 1 về đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Khi dự án tách ra thành các dự án thành phần thì khi đưa vào trung hạn để thực hiện có được đưa từng dự án thành phần hay không. Theo đại biểu, khi dự án được tách ra được thực hiện ở 2 kỳ trung hạn nếu đưa cả các dự án thành phần vào thì sẽ bị chênh lệch tổng mức đầu tư dẫn đến vi phạm tổng mức đầu tư được chuyển tiếp sang giai đoạn sau.
Bên cạnh đó, tại điểm đ, khoản 1, Điều 73 về triển khai đầu tư công quy định về trách nhiệm của Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công: “Cân đối các nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại khoản 16 Điều 110 của Luật này”, tuy nhiên trong dự thảo luật không có Điều 110. Đại biểu Trần Thị Vân đề nghị nghị sửa thành khoản 16, Điều 109 để phù hợp với nội dung này.