Tạo sự chủ động cho các địa phương
Đa số các đại biểu đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc cho phép tách công tác đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập trong tổng thể dự án đối với tất cả các nhóm dự án. Bởi, thực tế cho thấy, chính sách tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với dự án nhóm B, nhóm C được Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm tại Khánh Hòa, Đà Nẵng, Nghệ An và quy định tại Luật Thủ đô năm 2024. Chính sách này đã tác động tích cực, tạo sự linh hoạt cho cấp quyết định chủ trương đầu tư trong lựa chọn hình thức giải phóng mặt bằng theo một dự án riêng hoặc thực hiện cùng với dự án tổng thể, phù hợp với yêu cầu triển khai dự án.
Theo ĐBQH Trần Quốc Quân (Long An) , giải phóng mặt bằng là một trong những vướng mắc chính ảnh hưởng đến tiến độ dự án, từ đó dẫn đến tăng chi phí, đội vốn, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, làm chậm trễ của trình đầu tư, triển khai dự án. Do đó, việc tách thành dự án riêng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương chủ động phương án triển khai các dự án.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Quân, các ĐBQH đề nghị quy định chặt chẽ tại các điều, khoản để bảo đảm công tác đền bù, tái định cư gắn với đầu tư hoàn thành dự án, không để hoang phí và tổng thời gian bố trí vốn thực hiện 2 dự án thành phần độc lập để hoàn thành các chương trình, dự án không được vượt quá quy định về thời gian thực hiện dự án.
Đối với nhóm chính sách nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước, nội dung được quy định tại khoản 3 điều 5 dự thảo luật về đối tượng đầu tư công, các ĐBQH đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm đối tượng đầu tư công là dự án “tạo quỹ đất sạch”. Bởi, theo Khoản 26, 27 Điều 79 và Khoản 4, Điều 80 Luật Đất đai năm 2024 có quy định thu hồi đất để tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư để quản lý, khai thác hoặc giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật và đồng thời để cho các địa phương thực hiện các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch theo quy hoạch được duyệt, nhằm chuẩn bị mặt bằng sạch kêu gọi đầu tư theo quy hoạch (cho thuê đất hoặc bán đấu giá thực hiện các dự án theo quy hoạch và có thu tiền sử dụng đất), góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách và thuận lợi trong kêu gọi, thu hút đầu tư.
Đối với quy định tại Điều 16 của Dự thảo luật cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để chuẩn bị đầu tư dự án, các ĐBQH thống nhất và đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đóng góp và đưa vào dự thảo Luật, quy định này tạo sự linh hoạt cho bộ, cơ quan, địa phương trong việc sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác của Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương cho công tác chuẩn bị đầu tư.
Theo các đại biểu, thực tế cho thấy, các địa phương thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư thì kết quả việc giải ngân đầu tư đạt hiệu quả tốt, tỷ lệ giải ngân đạt yêu cầu ( tỷ lệ giải ngân 2 năm 2021 - 2022 đạt 93,56) hạn chế việc kéo dài, chậm tiến độ đầu tư, điển hình như các dự án vành đai 3, TP. Hồ Chí Minh, đường dây 500KW, mạch 3, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây… có tiến độ triển khai trước thời hạn do công tác chuẩn bị đầu tư tốt.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Đối với nhóm chính sách đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, tại khoản 7, 8, 9 Điều 18 của dự thảo Luật quy định bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện giao một UBND cấp dưới trực tiếp làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trở lên... các ĐBQH cho rằng, đây là các nội dung mới để tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương và là quy định cần thiết, phù hợp với định hướng tại Kết luận số 93-KL/TW ngày 26.8.2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách Nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm khắc phục những bất cập trong thực tế triển khai thực hiện các dự án, chương trình đầu tư phát triển. Đồng thời, thúc đẩy việc triển khai thực hiện các chương trình quy mô lớn, mang tính liên kết vùng, khu vực nhất là việc triển khai quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Góp ý về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án thực hiện trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính các cấp trở lên (Điều 30, 31, 32), ĐBQH Hoàng Thị Đôi (Sơn La) cho rằng, để thống nhất phương án giao 1 UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án, cần dựa trên một nguyên tắc nhất quán, có tiêu chí rõ ràng để tránh xảy ra việc không thống nhất được giữa các đơn vị hành chính trong việc lựa chọn cơ quan chủ quản. Việc bổ sung này là để bảo đảm tính thống nhất, hợp lý và hiệu quả trong quản lý đầu tư công đối với các dự án có tính liên vùng.
Lý giải việc này, ĐBQH Hoàng Thị Đôi cho rằng: khi dự án triển khai trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính trở lên, việc không thống nhất được cơ quan chủ quản có thể gây chậm trễ trong quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, việc bổ sung nguyên tắc với các tiêu chí rõ ràng sẽ giúp các bên liên quan dễ dàng đạt được sự đồng thuận và giảm bớt xung đột. Bên cạnh đó, khi nguyên tắc xác định cơ quan chủ quản được quy định rõ ràng, các đơn vị hành chính có thể áp dụng ngay mà không cần thông qua nhiều bước thảo luận hoặc xin ý kiến cấp trên, giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị và phê duyệt dự án.
Về phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý, ĐBQH Trần Chí Cường (TP. Đà Nẵng) cho rằng, đây là sự thay đổi lớn. Bên cạnh đó, việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án là vấn đề quan trọng của địa phương, nên Luật Đầu tư công hiện hành giao HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án, UBND cùng cấp quyết định đầu tư dự án là một biện pháp để kiểm soát quyền lực, hạn chế việc lạm quyền.
Theo đó, đa số ĐBQH đề nghị đối với dự án nhóm A do HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, phân cấp UBND các cấp quyết định đầu tư dự án nhóm B, C. Đối với cấp huyện, cần bổ sung giao cho HĐND cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, phân cấp UBND cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm C.