Thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc cho phép tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án thành phần độc lập trong tổng thể dự án đối với tất cả các nhóm dự án, song ĐBQH Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) đề nghị cần quy định chặt chẽ tại các điều, khoản để bảo đảm công tác đền bù, tái định cư gắn với đầu tư hoàn thành dự án, không để hoang phí và tổng thời gian bố trí vốn thực hiện 2 dự án thành phần độc lập để hoàn thành các chương trình, dự án không được vượt quá quy định về thời gian thực hiện dự án.
Cũng liên quan đến nội dung này, ĐBQH Trần Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng, việc cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án là một quy định mới, thể hiện sự thông thoáng trong dự thảo Luật. Song, cần cân nhắc việc tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án, đối với dự án nhóm B, C là những dự án nhỏ việc tách ra có phù hợp hay không. Do đó, cần căn cứ vào tình hình thực tiễn cụ thể của từng dự án để áp dụng cho phù hợp.
Đối với quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện được lựa chọn giao một UBND cấp dưới trực tiếp làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trở lên hoặc tổ chức thực hiện dự án theo thẩm quyền (tại Điều 18, 30, 31 của Dự thảo Luật), đa số các đại biểu cho rằng, việc đổi mới để tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương là cần thiết và phù hợp với định hướng tại Kết luận số 93-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách Nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Đề cập đến nội dung trên, ĐBQH Phạm Thị Minh Huệ (Sóc Trăng) nêu vấn đề, trong trường hợp Chủ tịch UBND cấp tỉnh thông báo không giao UBND cấp huyện là cơ quan chủ quản thực hiện dự án thì trình tự, thủ tục tiếp theo sẽ thực hiện như thế nào? Vì theo quy định thì Chủ tịch UBND tỉnh thông báo cho cho UBND cấp huyện về việc không giao, nhưng chưa đề cập đến việc chọn lại cơ quan chủ quản sau khi không được Chủ tịch UBND tỉnh giao. Bên cạnh đó, để có cơ sở lựa chọn cơ quan chủ quản thực hiện dự án khách quan, cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể trong Dự thảo Luật về tiêu chí, điều kiện để lựa chọn địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án. Từ các nội dung trên, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể để tổ chức thực hiện được thống nhất khi Luật được thông qua và có hiệu lực.
Còn theo ĐBQH Lê Kim Toàn (Bình Định), để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong thực tiễn và có đầy đủ thông tin khách quan, toàn diện, đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, đánh giá kỹ tác động của chính sách để ĐBQH, Quốc hội xem xét quyết định. Đồng thời, đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật về tiêu chí, điều kiện để lựa chọn địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án và quy định về trách nhiệm của các địa phương trong công tác đền bù, tái định cư của dự án. Đồng thời, nghiên cứu để quy định theo hướng làm rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu/người được giao chủ trì thực hiện trong việc phê duyệt danh mục dự án, đề xuất chủ trương dự án, quyết định chủ trương, quyết định dự án và chỉ đạo triển khai thực hiện dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng và chi phí.
Có thể thấy, việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này thể hiện sự phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin - cho”.
Các đại biểu cho rằng, chính sách về bố trí vốn ngân sách địa phương để ủy thác thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Khoản 7 Điều 5) là rất khả thi và mang tính nhân văn.
Đề xuất của Chính phủ căn cứ chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 111/2024/QH15 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 . Theo đó, việc luật hóa quy định này nhằm tạo căn cứ pháp lý để các địa phương chủ động sử dụng nguồn lực của mình thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi và hỗ trợ người dân; tận dụng được năng lực, tổ chức bộ máy quản lý của Ngân hàng Chính sách xã hội trong triển khai thực hiện, không làm phát sinh thêm cơ cấu, tổ chức bộ máy mới.
Để bảo đảm cơ sở áp dụng trong xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi của địa phương nhằm bảo toàn vốn, tránh thất thoát, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định “Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc bố trí vốn để ủy thác thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; quy định về bảo toàn vốn ủy thác cho vay, thu hồi nợ, cơ chế cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý cho cơ quan được ủy thác...”.
Trên cơ sở đó, HĐND cấp tỉnh quyết định việc bố trí ngân sách địa phương, mức vốn, nội dung và hình thức thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của địa phương để phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Đồng thời, đề nghị rà soát các quy định về thẩm quyền của HĐND và UBND tại Điều 92 và Điều 93 của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước đang được sửa đổi.