Tại Tổ thảo luận 17, các ĐBQH cơ bản thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật như Tờ trình của Chính phủ nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, thủ tục cũng như phân cấp phân quyền trong quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu….
Tuy nhiên, theo các đại biểu dự án Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu, trong đó có những quy định liên quan trực tiếp đến nguồn lực, ngân sách nhà nước, thẩm quyền, phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương, thủ tục hành chính... Do đó, cần đánh giá kỹ lưỡng và có số liệu “thuyết phục” hơn nữa trong thực tiễn để thể hiện sự cấp bách và vướng mắc mà Luật cần phải sửa đổi. Các đại biểu cũng đề nghị hết sức lưu ý, giải trình thấu đáo những vấn đề liên quan đã được Ủy ban Kinh tế đưa ra trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật.
Góp ý về sửa đổi bổ sung Luật Quy hoạch, ĐBQH Lê Hồng Minh (Cao Bằng) cho rằng, việc bổ sung quy định điều chỉnh quy hoạch theo trình tự rút gọn là hợp lý đề giải quyết các vấn đề cấp bách trong thực tiễn. Nội dung sửa đổi Luật Quy hoạch phải bảo đảm tính liên tục kế thừa, ổn định, tính thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia; tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, địa phương, lợi ích của người dân....
Theo đại biểu, xoay quanh câu chuyện quy hoạch, trong thời gian qua có rất nhiều vụ việc xảy ra, dẫn đến hậu quả đi kèm. Về cơ chế để lập quy hoạch hiện nay đang tồn tại song song 2 trường hợp, quy trình với các quy định, thông tư hướng dẫn thực hiện… Ví dụ, với dự án ngoài nguồn ngân sách thì nhà đầu tư gửi một số tiền vào ngân sách rồi sau đó lại rút ra. Đại biểu cho rằng, điều này không minh bạch, mập mờ. Do đó, đại biểu đề nghị phải sửa đổi thật nghiêm túc.
Đại biểu cho biết, điều chỉnh quy hoạch là vấn đề nhạy cảm, do đó, đại biểu đề nghị cần bảo đảm tính ổn định từ 10-15 năm. Đưa một vấn đề điều chỉnh mà 3-5 năm lại thay đổi thì dễ dẫn đến các sai phạm....
Về sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư, đại biểu Lê Hồng Minh đánh giá, việc phân cấp ủy quyền như theo Điều 31, Điều 32 là rất tốt. Tuy nhiên, trình tự các bước trong thủ tục cần phải được rút gọn, như bây giờ đang mất quá nhiều thời gian.
Lấy kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới, đại biểu gợi ý nên gộp bước 1, bước 2 thành một bởi khi làm gần như đã ổn định không có sự biến động nhiều. Nếu, chia ra 3 bước, các công trình trọng tâm trọng điểm có thể bị kéo dài thời gian rất nhiều mà trình tự hồ sơ thì gần như là giống nhau. "Nên thực hiện một khâu và chỉ lựa chọn một nhà tư vấn, chỉ định một nhà thầu năng lực tốt nhất để bảo đảm các công đoạn...", đại biểu Lê Hồng Minh đề nghị.
Đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), ĐBQH Lê Hồng Minh cho rằng: việc mở rộng tất cả các lĩnh vực đầu tư của dự án PPP có thể tăng cơ hội cho khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cần bãi bỏ hạn mức về quy mô đầu tư tối thiểu cho nhà đầu tư PPP; áp dụng tỉ giá linh hoạt vốn nhà nước…
Việc "đánh thức" hình thức hợp đồng BT vào dự thảo Luật lần này rất quan trọng, và cũng đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng mọi khía cạnh để đảm bảo sự ổn định của chính sách. Tuy nhiên, đại biểu cũng mong muốn sẽ có một chính sách ổn định và có tầm nhìn dài hạn để doanh nghiệp có thời gian thích ứng và yên tâm phát triển. Việc sửa đổi luật lần này cũng chú trọng đến việc cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và nhà nước".
Cũng bày tỏ đồng tình với việc "một Luật sửa 4 Luật”, tuy nhiên ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng, Chính phủ cùng các cơ quan liên quan cần rà soát thêm vì sao Luật vừa ban hành, thời gian thực hiện chưa nhiều, có những nội dung chưa triển khai hoặc triển khai chưa đủ thời gian để đánh giá tổng kết mà đến nay lại sửa tiếp.
Theo đại biểu Lê Hoàng Anh, Luật Đấu thầu mới được có 10 tháng đã sửa tiếp. Do đó, cần rà soát thận trọng để tránh những điều sai trong thực tế mà lại hợp thức hoá trong quá trình sửa đổi. Đơn cử, như: việc bổ sung khoản 2, Điều 55 về thuốc bán lẻ trong bệnh viện áp giá nhiều lần, không giới hạn. Đại biểu đề nghị không bổ sung nội dung này, bởi cần đặt quyền lợi của bệnh nhân lên đầu. Vì đây là đối tượng yếu thế, nếu áp giá nhiều lần về cơ bản là triệt tiêu đấu thầu và quyền lợi bệnh nhân sẽ không được bảo đảm do phải chịu giá thuốc cao..
Đóng góp về một số điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, đại biểu Siu Hương (Gia Lai) góp ý: khoản 1, Điều 41 Luật Đầu tư năm 2020 quy định “trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư có quyền điều chỉnh mục tiêu…” và theo quy định này thì đối tượng áp dụng là các dự án điều chỉnh.
Đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung đối tượng áp dụng đối với các dự án đầu tư đã thực hiện cách đây nhiều năm và thời hạn thực hiện dự án vẫn còn, nhưng mục tiêu dự án không còn phù hợp với kinh tế thị trường hoặc dự án có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, cần thiết phải thay đổi mục tiêu cho phù hợp; nhà đầu tư muốn thay đổi mục tiêu đầu tư theo hình thức đề xuất dự án đầu tư mới trong thời hạn hoạt động còn lại của dự án.
"Nhà đầu tư thực hiện mục tiêu “dự án sản xuất gỗ viên nén”; thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Sau 10 năm dự án đi vào hoạt động, dự án sản xuất viên nén không còn phù hợp với thị trường; tuy nhiên, thời hạn hoạt động của dự án còn lại 40 năm; nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh sang mục tiêu “dự án sản xuất cà phê” theo hình thức đề xuất một dự án đầu tư mới trong thời hạn hoạt động còn lại của dự án đầu tư (40 năm)", đại biểu Siu Hương nêu dẫn chứng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư năm 2020 và khoản 2 Điều 57 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26.3.2021 của Chính phủ về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, các quy định này phù hợp đối với các dự án đầu tư đã thực hiện các thủ tục liên quan, đã triển khai xây dựng hoặc các dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, nhưng không thực hiện đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, đối với các trường hợp dự án không triển khai thực hiện cũng như không lập các thủ tục về thuê đất, môi trường, xây dựng... thì chưa có hướng dẫn.
Trước đây, tại khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014 có quy định: “Dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động trong trường hợp: sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư”.
Do đó, đại biểu đề nghị, sửa đổi, bổ sung thêm điều khoản hướng dẫn chấm dứt hoạt động dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư.