Chủ trương đúng đắn, cần thiết
- Một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII xem xét, quyết định là Đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết và tính cấp bách của chủ trương này?
- Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác phòng, chống tham nhũng đã được triển khai quyết liệt, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả rõ nét, được đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những bất cập, hạn chế. Trong đó, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp cơ sở chưa được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, đặc biệt là tình trạng tham nhũng vặt vẫn diễn ra phổ biến, gây nhức nhối, bức xúc trong Nhân dân. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là việc áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng vặt ở nước ta, đặc biệt là ở cấp chính quyền địa phương còn chưa triệt để, thiếu kiên quyết.
Xuất phát từ thực tế này, việc Trung ương xem xét Đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại thời điểm này là chủ trương đúng đắn, cần thiết, kịp thời và phù hợp với tình hình hiện nay. Ban Chỉ đạo cấp địa phương sẽ nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới. Ban chỉ đạo cấp địa phương sẽ góp sức cùng với Ban Chỉ đạo Trung ương đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực toàn diện ở mọi cấp trên phạm vi toàn quốc, mang lại hiệu quả tốt hơn trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”.
Nếu được Trung ương thông qua, Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, đó là “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
- Việc tái thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo ông có những thuận lợi, khó khăn gì?
- Qua góp ý xây dựng Đề án, đã có tất cả 63/63 tỉnh ủy, thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là một thuận lợi đối với việc triển khai đề án. Đề án trình Hội nghị Trung ương lần này đã có sự kế thừa kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị Khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị Khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 và xuất phát từ những yêu cầu đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới.
Một điểm thuận lợi nữa là hiện nay công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đang được Đảng ta đẩy mạnh, đem lại niềm tin, sự kỳ vọng của người dân đối với công tác này. Với việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, niềm tin của cử tri và Nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về công tác này sẽ càng tăng lên; đồng thời, thu hút sự quan tâm, sự tham gia của Nhân dân trong việc phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, giám sát chính quyền địa phương trong việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu
- Trước đây, chúng ta đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giao cho Chủ tịch UBND tỉnh đứng đầu Ban Chỉ đạo này nhưng quá trình thực hiện cho thấy mô hình này không phát huy hiệu quả. Lần này, mô hình Ban Chỉ đạo sẽ có điểm gì mới, thưa ông?
- Điểm mới của Đề án so với mô hình Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trước đây là vị trí người đứng đầu Ban Chỉ đạo này sẽ do Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy đảm nhận. Đây cũng là bài học kinh nghiệm được Trung ương rút ra trong thực tiễn, đó là khi Thường trực cấp ủy, nhất là người đứng đầu - Bí thư cấp ủy thực sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt thì nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp trên địa bàn đã được xử lý.
- Thực tế cho thấy, việc tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, tổ chức còn hạn chế. Khi bàn về chủ trương đấu tranh chống tham nhũng thì rất quyết liệt, nhưng khi bàn về xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng cụ thể thì có nơi, có lúc còn băn khoăn, lúng túng, ngại xử lý hình sự. Với việc tái thành lập mô hình Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, theo ông có khắc phục được tình trạng này không?
- Đây là một thực tế và tôi cho rằng việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ giúp khắc phục được hạn chế này. Để thực sự phát huy hiệu quả của mô hình này, vai trò của người đứng đầu Ban chỉ đạo - cụ thể là Bí thư cấp ủy là rất quan trọng. Do sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với Ban Chỉ đạo này mang tính chất tập thể nên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải có chương trình, kế hoạch làm việc rất chi tiết, cụ thể, rõ ràng.
Các thành viên Ban Chỉ đạo phải là những người thực sự trong sạch, không dính dáng tới tham nhũng, tiêu cực. Việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình phải sát sao, thường xuyên, quyết liệt nhằm đem lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh bên cạnh việc phải bảo đảm theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng còn phải có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng.
Mặt khác, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần phải được thực hiện một cách toàn diện, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, do đó, cần phát huy vai trò của người dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khác, báo chí - truyền thông đại chúng vì đây là những “tai mắt” giúp phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực ở cấp cơ sở.
- Xin cảm ơn ông!