Sự tiến bộ rất lớn về chính sách
Thừa cân, béo phì là một vấn nạn với trẻ em. Chuyên gia Chính sách Dinh dưỡng, UNICEF Việt Nam Đỗ Hồng Phương cho biết, tại Việt Nam, theo nghiên cứu năm 2020, trong nhóm trẻ 5 - 19 tuổi, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng từ 8,5% (năm 2010) lên 19% (năm 2020), trong đó khu vực thành thị là 26,8%. Do đó, nếu không có các giải pháp can thiệp hiệu quả, kịp thời, ước tính đến năm 2030 Việt Nam sẽ có gần 2 triệu trẻ em trong độ tuổi 5 - 19 tuổi bị thừa cân, béo phì.
Trẻ em bị thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tim mạch, ung thư, các bệnh mãn tính khác và tử vong sớm. Có thể bị tác động tiêu cực về tâm lý và xã hội như: chịu các định kiến về cân nặng, bị cô lập, trầm cảm, thiếu tự tin, kết quả học tập kém.
“Nguyên nhân tương đồng tại các quốc gia cho tình trạng này chính là do tiêu thụ nhiều đồ uống có đường, trên 30% thanh thiếu niên uống đồ uống có đường ít nhất một lần mỗi ngày; tiêu thụ thấp các loại rau, củ và trái cây (trên 50% thanh thiếu niên chưa ăn đủ 5 khẩu phần rau củ và trái cây mỗi ngày); thiếu vận động (hơn 80% thanh thiếu niên thiếu vận động thể chất)”, bà Đỗ Hồng Phương thông tin.
Để ngăn chặn thừa cân và béo phì, các đại biểu cho rằng, rất cần có các giải pháp đồng bộ, trong đó, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Đánh giá cao dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám này đã bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào diện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội thuộc Tổng hội Y học Việt Nam, TS. Nguyễn Huy Quang cho biết, xuất phát từ mô hình bệnh tật của Việt Nam đó là các bệnh không lây nhiễm hiện chiếm tỷ lệ rất cao, trên 70%. Như vậy, đồ uống có đường, thuốc lá, rượu, bia là những yếu tố có nguy cơ tác động đến mô hình bệnh tật này. Mặt khác, đồ uống có đường có tác hại đến sức khỏe, kinh tế, môi trường, hành vi lối sống; không chỉ gây thừa cân, béo phì mà còn gây nên những bệnh khác như rối loạn chuyển hóa, tim mạch... Xu hướng sử dụng đồ uống có đường ở Việt Nam hiện đang tăng cao và vượt trên rất nhiều quốc gia.
Vì vậy, theo TS. Nguyễn Huy Quang, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là sự tiến bộ rất lớn về chính sách, mang lại lợi ích “kép” không chỉ bảo vệ sức khỏe cho người dân mà còn góp phần tăng thu ngân sách nhà nước. Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng này cũng phù hợp với xu hướng trên thế giới hiện nay.
Cần sự phối hợp, vào cuộc liên ngành
Dẫn nhận định của Ngân hàng thế giới (WB), TS. Nguyễn Huy Quang cho biết, điều cốt yếu là phải tập trung vào yếu tố tăng khả năng chi trả của người tiêu dùng. Hiện nay, trên thế giới có 104 quốc gia đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường trên toàn quốc, 13 quốc gia đánh thuế đồ uống có đường đối với một số địa phương. Khu vực Đông Nam Á có 6 quốc gia cũng đã áp dụng loại thuế này với đồ uống có đường. Như vậy, Việt Nam không thể đi ngược lại xu thế.
Bày tỏ đồng tình, chuyên gia Đỗ Hồng Phương cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị áp dụng biện pháp thuế và giá nhằm giảm tiêu thụ đường, điều này cũng góp phần tăng nguồn thu ngân sách. Với sức khỏe cộng đồng, giúp giảm thiểu chi phí y tế, tăng sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Cụ thể, với mức thuế 10% đã chứng minh giảm được 8 - 10% lượng mua và tiêu thụ; mức thuế 20% đã chứng minh giảm 1 - 3% tỷ lệ thừa cân và 1 - 4% tỷ lệ béo phì.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của Đại học Y tế Công cộng Hà Nội năm 2022 cho thấy, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường ở Việt Nam sẽ mang lại lợi ích to lớn như: khuyến khích giảm tiêu thụ đồ uống có đường; giảm thừa cân, béo phì; giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới chế độ ăn. Ngoài ra, có thể tiết kiệm hơn 600 tỷ đồng chi phí y tế trực tiếp để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2.
Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em đã tuyên bố tất cả các quốc gia cần hành động phù hợp để chống lại bệnh tật và suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức, mọi trẻ em đều có quyền được hưởng dinh dưỡng đầy đủ nên việc đánh thuế đồ uống có đường, theo các chuyên gia, sẽ góp phần giúp Việt Nam thực hiện đầy đủ Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em trong chăm sóc dinh dưỡng.
Mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề xuất là 10% với đồ uống có đường với hàm lượng trên 5g/100 ml. TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng, cần xem xét nâng mức thuế để có tác động mạnh mẽ hơn đến hành vi của người tiêu dùng.
Cùng quan điểm, BS. Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia WHO tại Việt Nam cho rằng, bằng chứng về tác động của đồ uống có đường đối với sức khỏe đã rất rõ, gây nhiều bệnh nguy hiểm. Tiêu thụ đồ uống có đường gia tăng quá nhanh tại Việt Nam trong 15 năm qua, đồng thời gia tăng nhanh thừa cân béo phì ở vị thành niên. Do đó, chuyên gia này kiến nghị nên xem xét áp dụng lộ trình tăng thuế hàng năm để thuế tiêu thụ đặc biệt của đồ uống có đường ở mức 40% giá bán nhà sản xuất (tức là 20% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO) vào năm 2030 để bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai.
Bên cạnh giải pháp đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, các đại biểu cũng kiến nghị, cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp về thông tin, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao và thay đổi nhận thức về hành vi.
“Đối với giải pháp về chính sách, pháp luật, không chỉ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mà các Luật khác như: Luật An toàn thực phẩm, Luật Dinh Dưỡng, Luật Quảng cáo... cũng cần có quy định về vấn đề này. Đồng thời, cần đặt vấn đề việc thực thi pháp luật của chúng ta đã được chấp hành nghiêm hay chưa, trong đó bao gồm cả thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm”, TS. Nguyễn Huy Quang nói.
Các ý kiến cũng đề nghị, cần xem xét kỹ lưỡng để ban hành được một văn bản luật với những chính sách đủ mạnh, qua đó được mục tiêu “kép” là bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em, đồng thời tăng thu ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, chú trọng truyền thông thay đổi hành vi, thực hành ăn uống các thực phẩm và đồ uống tốt cho sức khỏe; quản lý việc tiếp thị thực phẩm chế biến và đồ uống có đường; ghi nhãn cảnh báo các nguy cơ có hại cho sức khỏe. Đồng thời, cần sự phối hợp, vào cuộc liên ngành trong phòng, chống thừa cân, béo phì cho trẻ em, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội.