Góp ý đối với dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), ĐBQH Lã Thanh Tân nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng Luật như trong Tờ trình số 371/TTr-CP ngày 30.7.2024 của Chính phủ. Về cơ bản, dự thảo Luật đã thể chế hóa những quan điểm, chủ trương trong các nghị quyết của Đảng cũng như các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đúc kết đánh giá được những tồn tại, bất cập từ thực tiễn sau 16 năm triển khai Luật Hóa chất 2007, cập nhật bổ sung các nội dung mới để thống nhất với nhiều luật mới ban hành và các điều ước, cam kết quốc tế Việt Nam tham gia.
Cụ thể quan hệ giữa chiến lược phát triển trong hệ thống quy hoạch
Đại biểu nhất trí với tên gọi, phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật. So với Luật Hóa chất năm 2007, dự thảo Luật đã bổ sung thêm một số nội dung chưa được quy định như: phát triển công nghiệp hóa chất, hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; đồng thời, sửa đổi cụm từ “quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất” thành “quản lý nhà nước về hóa chất” là phù hợp với phạm vi điều chỉnh mở rộng. Đối tượng điều chỉnh cơ bản kế thừa và cụ thể hơn, bao gồm tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện các hoạt động liên quan đến hóa chất. Phạm vi áp dụng pháp luật cũng được cụ thể hóa và bổ sung thêm, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Điều 9 dự thảo Luật đề cập đến Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất, đồng thời tại Điều 10 quy định về Trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất. Trong đó quy định: “Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất”; “Chính quyền địa phương cấp tỉnh căn cứ chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất đã được phê duyệt để xây dựng nội dung về phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên địa bàn phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Theo ĐBQH Lã Thanh Tân, nội dung này chưa nêu rõ được vị trí và mối quan hệ giữa Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất trong hệ thống các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng. Việc giao chính quyền địa phương xây dựng nội dung về phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên địa bàn cũng chưa định vị được công việc này tích hợp, kết nối thế nào đối với hệ thống quy hoạch, kế hoạch cấp tỉnh.
Đại biểu đề nghị rà soát làm rõ thêm vấn đề này trong dự thảo Luật; đồng thời, khoản 2 Điều 10 nên bổ sung thêm cụm từ “trong quá trình xây dựng, điều chỉnh quy hoạch phát triển địa phương” và viết lại thành “2. Chính quyền địa phương cấp tỉnh căn cứ chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất đã được phê duyệt để xây dựng nội dung về phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên địa bàn trong quá trình xây dựng, điều chỉnh quy hoạch phát triển địa phương phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và đầy đủ
Theo đại biểu, các quy định liên quan đến hoạt động đối với từng nhóm hóa chất đều có dẫn chiếu các quy định chung tại Điều 17, 18, 19, 20, 21, dẫn đến quy định lặp đi lặp lại hoặc bị bỏ sót. Có một số Điều trong dự thảo Luật chỉ có 1 câu dẫn chiếu sang điều khác, ví dụ Điều 27 dẫn chiếu sang Điều 19, Điều 29 dẫn chiếu sang Điều 21. Hoặc tại khoản 3 Điều 26 (đối với nhóm hóa chất có điều kiện), khoản 6 Điều 34 (đối với nhóm hóa chất cần kiểm soát đặc biệt) đều dẫn chiếu đến Điều 18 về khai báo hóa chất nhập khẩu.
Trong khi với nhóm hóa chất cấm tại Điều 40 lại không đề cập và không dẫn chiếu đến Điều 18 về nội dung khai báo hóa chất nhập khẩu (trong khi các nhóm hóa chất này khi nhập khẩu đều cần có giấy phép, quan điểm chung của Luật là phải khai báo đối với mọi loại hóa chất nhập khẩu). Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại cách diễn đạt để rút gọn bớt số điều không cần thiết, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và đầy đủ của các quy định.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung quy định đối với hoạt động vận chuyển, tồn trữ, sử dụng các nhóm hóa chất khác nhau còn thiếu tính cụ thể đặc thù, hoặc bị trùng lặp, đề nghị tiếp tục nghiên cứu thêm. Đơn cử, khoản 2 Điều 44 quy định “Việc sử dụng hóa chất cấm phải bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy và chữa cháy, vệ sinh môi trường và tuân thủ quy định đối với hoạt động sử dụng hóa chất quy định tại Điều 21 của Luật này”. Trong khi đó, Khoản 1 Điều 21 lại cũng quy định “sử dụng hóa chất phải bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy và chữa cháy, vệ sinh môi trường”…
Xử lý thế nào nếu không bảo đảm khoảng cách an toàn?
Về quy định đối với khoảng cách an toàn tại Điều 62 dự thảo Luật, cách tiếp cận đã khác so với nội dung Luật Hóa chất 2007. Điều 22 Luật Hóa chất 2007 chỉ quy định về khoảng cách an toàn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm. Điều 62 của dự thảo Luật không quy định cụ thể mà viện dẫn sang các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn, như vậy sẽ gây khó khăn cho việc tra cứu pháp luật và sẽ phụ thuộc nhiều vào tiến độ ban hành các quy chuẩn kỹ thuật.
ĐBQH Lã Thanh Tân cho rằng, nên chăng quy định rõ, trong 4 nhóm hóa chất quy định tại Chương III của dự thảo Luật, nhóm hóa chất nào phải có quy định về khoảng cách an toàn đối với địa điểm xây dựng công trình có hoạt động sản xuất hóa chất, tồn trữ hóa chất.
Đồng thời, đối với các cơ sở hoạt động sản xuất, tồn trữ hóa chất đã được xây dựng trước khi Luật có hiệu lực, nếu không có đủ không gian, diện tích để cải tạo dây chuyền công nghệ, nhà xưởng bảo đảm khoảng cách an toàn (theo Luật mới) thì xử lý chuyển tiếp thế nào; nhất là khi việc cải tạo những công trình đã đầu tư đôi khi rất tốn kém chi phí của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xử lý thể nào đối với các công trình dân sự ngoài hàng rào cơ sở sản xuất, tồn trữ hóa chất đã được xây dựng trước khi Luật này có hiệu lực, nếu không bảo đảm khoảng cách an toàn như quy định tại Khoản 2 Điều 62, rất cần phải được nghiên cứu đánh giá tác động thêm.