Tiêu chí lựa chọn nội dung giám sátnên bổ sung những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm
Theo các đại biểu, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để cho Quốc hội và HĐND triển khai hiệu quả hoạt động giám sát. Qua giám sát, rất nhiều vấn đề đã được chỉ ra và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Từ đó, có những sự điều chỉnh pháp luật phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Luật còn một số bất cập khó khăn, vướng mắc đã được chỉ ra trong báo cáo tổng kết cũng như đề xuất, kiến nghị của các Đoàn ĐBQH. Do đó, yêu cầu sửa đổi Luật để đáp ứng yêu cầu của hoạt động giám sát là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Về bổ sung nguyên tắc mới (khoản 2 Điều 3), dự thảo Luật đang quy định 2 phương án. Trong đó, phương án thứ 1 là bổ sung thêm nội dung “bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương”; phương án 2 “bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương”.
Theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình), thực tiễn cho thấy: việc quy định nguyên tắc hoạt động giám sát phải là những tư tưởng chỉ đạo, yêu cầu cơ bản có tính định hướng, chi phối, xuyên suốt các hoạt động giám sát mà mọi chủ thể phải tuân theo khi tiến hành hoạt động giám sát. Đại biểu cho rằng, nếu bổ sung thêm nội dung này vào nguyên tắc thì nên tách ra thành mục riêng còn không thì nên giữ theo dự thảo hiện nay là phù hợp.
Cùng quan điểm, ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị, nên để nguyên tắc theo quy định hiện hành sẽ phù hợp hơn. Nếu đưa ra nguyên tắc phải sát thực với thực tiễn.
Về tiêu chí lựa chọn nội dung chuyên đề giám sát, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, nên bổ sung "những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm mà thực tiễn còn nhiều khó khăn, bất cập". Bởi lẽ, thông qua giám sát sẽ giúp nhìn nhận đánh giá những vấn đề còn bất cập, vướng mắc cần đưa ra kiến nghị, đề xuất giải pháp để thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật.
Không nên quy định cứng thành viên Đoàn giám sát
Đối với chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa 2 kỳ họp Quốc hội (Điều 26), đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết: về tiêu chí lựa chọn, dự thảo hiện nay đang quy định là các vấn đề mang tính thời sự, xảy ra nhiều vi phạm pháp luật, có nhiều hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, quản lý và các vấn đề khác.
Theo đại biểu, không nên quy định như vậy, bởi thực tiễn thời gian qua, khi lựa chọn các nội dung chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ yếu tập trung vào các nhóm vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm và cần phải có sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan trong việc đưa ra các giải pháp, lộ trình. Do đó, nên hài hòa hơn, nhất là trong việc sử dụng từ ngữ cho phù hợp vừa bảo đảm yêu cầu của chất vấn, vừa là động lực cho các trưởng ngành hiến kế các giải pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Cũng liên quan đến tiêu chí lựa chọn nội dung chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị, bổ sung thêm tiêu chí lựa chọn là có cả kết quả thực hiện luật và các nghị quyết của Quốc hội đặt ra.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cũng đề nghị, nghiên cứu sửa đổi quy định về số lượng thành viên Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH (tại khoản 1 Điều 52) theo hướng không quy định cụ thể số lượng tối thiểu ĐBQH tham gia Đoàn giám sát để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH tại địa phương.
Về giải pháp đảm bảo thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát (Điều 89), theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, quy định này giúp nâng cao tính thực thi của các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát, tránh tình trạng “giám sát cho có”, không đạt được kết quả thực tiễn. Đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật phải có những quy định rõ nét để khi đề xuất, kiến nghị của các Đoàn giám sát ban hành thì các cơ quan phải vào cuộc, có thông tin trả lời những nội dung Đoàn giám sát đã chỉ ra. Những nội dung nào cần phải kiến nghị sửa đổi, bổ sung như các văn bản quy phạm pháp luật sẽ tiếp thu và chỉnh lý để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.