Tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương góp ý, đưa ra quan điểm của mình về các nội dung quy định trong dự thảo.
Cụ thể, về thời điểm xem xét báo cáo (khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13), đại biểu chọn Phương án 1 của dự thảo Luật, theo hướng quy định thời điểm xem xét một số báo cáo đã được quy định tại luật chuyên ngành thì thực hiện theo quy định của luật đó để tránh phải quy định lặp lại.
Về thẩm quyền của Quốc hội trong xem xét kết quả giám sát (khoản 14 Điều 1 dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 21), đại biểu chọn Phương án 1 của dự thảo Luật. Theo đại biểu, nội dung được quy định tại Phương án 1 bảo đảm phù hợp với thẩm quyền, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi trong xây dựng, áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, tại khoản 1 bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc "yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản giải thích Hiến pháp, Luật, pháp lệnh". ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị cần cân nhắc, rà soát thêm để bảo đảm tính thống nhất với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cụ thể các trường hợp, thẩm quyền, nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh (quy định tại Chương XIV của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung, quy định cụ thể trong dự thảo Luật các điều kiện về bảo đảm, phục vụ hoạt động giám sát, nhất là chế độ, chính sách đối với thành viên đoàn giám sát bảo đảm phù hợp với thực tế, nâng cao chất lượng tham gia của thành viên Đoàn giám sát.
Cũng tham gia góp ý vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, ĐBQH Nguyễn Văn Thuận kiến nghị tại Điều 7 về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu giám sát, cần nghiên cứu bổ sung nội dung quy định về thời gian, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của chủ thể giám sát đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu giám sát.
Cùng với đó, trong Chương I (Quy định chung), ngoài những nội dung quy định từ Điều 1 đến Điều 10, cần nghiên cứu bổ sung các quy định liên quan đến quy trình hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, thẩm quyền ban hành nghị quyết hoặc quyết định thành lập đoàn giám sát, phê duyệt kế hoạch, nội dung giám sát để đầy đủ, dễ thực hiện hơn trong thực tế.
Cụ thể hơn quy định “chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia”
Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương cho biết: tại Điều 1 Về sửa đổi, bổ sung một số điều của dự thảo Luật (Điều 1) có quy định: “Phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hạ tầng chất lượng quốc gia, tạo điều kiện xây dựng thành tiêu chuẩn quốc tế đối với các sản phẩm trọng điểm, ưu tiên, chủ lực, đặc thù của Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, chương trình, đề án trọng điểm quốc gia và yêu cầu hội nhập quốc tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước”.
Đại biểu đánh giá việc bổ sung quy định về chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là phù hợp, nhằm định hướng hoạt động tiêu chuẩn hóa, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế; định hướng cho công tác kiểm soát, quản lý chất lượng. Tuy nhiên, để quy định được cụ thể hơn, cần nghiên cứu thêm theo hướng: quy định rõ hơn về giai đoạn, thời kỳ, quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn của chiến lược.
về cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế; bổ sung nguyên tắc, căn cứ xây dựng chiến lược, thống nhất, đồng bộ với chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.
Ngoài ra, theo đại biểu, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn chất lượng hiện hành quy định theo hướng doanh nghiệp phải tự mình làm thủ tục công bố hợp quy sau khi đã sử dụng dịch vụ chứng nhận hợp quy của một bên cung cấp dịch vụ. Trên thực tế, nhiều đơn vị đang cung cấp dịch vụ trọn gói, bao gồm đánh giá sự phù hợp và làm thủ tục công bố hợp quy, nhưng vẫn đứng tên doanh nghiệp để nộp hồ sơ. Do vậy, cần nghiên cứu, sửa đổi theo hướng: doanh nghiệp có thể tự mình nộp hồ sơ công bố hợp quy hoặc ủy quyền cho đơn vị đánh giá sự phù hợp nộp hồ sơ.