Tài sản của các doanh nghiệp thuộc Công đoàn là của tổ chức Công đoàn
Góp ý vào Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Đình Khang bày tỏ: bản thân tổ chức Công đoàn trong quá trình thực hiện sắp xếp đổi mới doanh nghiệp đã gặp nhiều vướng mắc do trong Luật số 69/2014/QH13 của Quốc hội: Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, chưa có các quy định về các doanh nghiệp thuộc các tổ chức chính trị xã hội thì quản lý vốn nhà nước như thế nào; Nghị định 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước cũng không có quy định. Trong khi đó, các luật khác đều có quy định “các tổ chức chính trị - xã hội được áp dụng”.
Chính vì vậy, Tổng Liên đoàn đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 10/2019/NĐ-CP. Qua đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 97/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước, sửa đổi cho phép các tổ chức chính trị - xã hội được áp dụng các quy định ở Luật 69/2014/QH13 trong quá trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp.
Và đến bây giờ sửa đổi Luật 69/2014/QH13 bằng Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp này, đại biểu Nguyễn Đình Khanh nhận định Điều 9, 10 dự thảo luật quy định thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, cơ quan đại diện chủ sở hữu, thì Điều 40 dự thảo luật có quy định đại diện chủ sở hữu bao gồm có các tổ chức chính trị - xã hội. Đây là một thay đổi hợp lý, gỡ khó cho các tổ chức chính trị - xã hội so với luật 69/2014/QH13.
Tuy nhiên, dự thảo luật chưa quy định hết được đặc thù đối với các doanh nghiệp thuộc tổ chức Đảng, cũng chưa rõ sẽ được áp dụng như thế nào, hay chuyển hết cho Chính phủ như thế nào?
Cùng với đó, tổ chức Công đoàn có đặc thù khác, tuy dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) chưa được bấm nút thông qua, nhưng Luật Công đoàn 2012 đã xác định Công đoàn là chủ sở hữu các phần vốn của các doanh nghiệp thuộc tổ chức của Công đoàn. Vì vậy, dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp quy định “chủ sở hữu” sẽ rất khó phân định. Đại biểu đề nghị, nên quy định “các tài sản của các doanh nghiệp thuộc Công đoàn là của tổ chức Công đoàn”.
Cùng với đó, đại biểu cũng mong muốn cơ quan soạn thảo nghiên cứu có quy định riêng về thẩm quyền của các doanh nghiệp thuộc tổ chức Công đoàn. Bởi theo đại biểu, trong thực tế một doanh nghiệp, khách sạn... của tổ chức Công đoàn muốn có dự án đầu tư để nâng cấp, hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn thì phải đầu tư thêm vốn. Nhưng tổ chức Công đoàn hiện chưa có nguồn lực để tăng vốn do liên quan đến thẩm quyền.
Cùng góp ý vào Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, theo ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương, khoản 1, Điều 47 dự thảo luật quy định “Việc ban hành chính sách, pháp luật về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp” chưa quy định cụ thể giao cho cơ quan thực hiện. Để bảo đảm cơ chế thực hiện, cần rà soát bổ sung quy định cho bảo đảm.
Quy định tại Điều 51 về Giám sát của Quốc hội, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Để bảo đảm phát huy vai trò của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước. Nhất là đối với việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước...
Rõ khái niệm “Công nghệ số”
Thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương cho biết tại khoản 1, Điều 3 về giải thích từ ngữ quy định: “Công nghệ số bao gồm công nghệ thông tin và các công nghệ số thế hệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật, thực tại ảo/ thực tại tăng cường, và các công nghệ số khác để số hoá thế giới thực, thu thập, lưu trữ, truyền đưa, xử lý thông tin và dữ liệu số” .
Theo đại biểu, nội dung giải thích chủ yếu là thống kê các hoạt động, chưa làm rõ khái niệm “Công nghệ số”. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định giải thích cụm từ “Công nghệ số” rõ ràng, dễ hiểu hơn.
Cùng với đó, đại biểu tán thành việc quy định về phát triển nguồn nhân lực công nghệ số (mục 7 chương II) rất cần thiết. Tuy nhiên, nghiên cứu các quy định tại Điều 25 dự thảo luật cho thấy, các chính sách mới mang tính chất định hướng, chưa cụ thể, chưa rõ thẩm quyền quyết định. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa hoặc giao Chính phủ chi tiết hóa để bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh bảo đảm phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung chính sách ưu đãi đối với các chuyên gia, nhà khoa học về công nghiệp bán dẫn.