GS.TS. THÁI VĂN THÀNH
Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, ĐBQH tỉnh Nghệ An
Ngày mai (9.11), dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Đây là một trong những dự án luật được đông đảo cử tri quan tâm và đội ngũ nhà giáo mong đợi từ lâu… Kỳ vọng, khi luật được ban hành và có hiệu lực sẽ góp phần đổi mới công tác quản lý nhà nước về nhà giáo, giúp nâng cao tính chủ động của cơ quan quản lý giáo dục các cấp; đồng thời, sẽ là hành lang pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo động lực lớn để đưa sự nghiệp giáo dục nước ta lên tầm cao mới.
Khắc phục “điểm nghẽn” trong quản lý, phát triển nhà giáo
Việt Nam là một quốc gia, dân tộc có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Là người Việt Nam, có lẽ không ai không nhớ câu châm ngôn “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Các thế hệ học sinh và nhà giáo đều thấm nhuần truyền thống đó... Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước. Người đã khẳng định: “Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa”. Đặc biệt, nói vai trò quan trọng của người thầy giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em Nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo là rất quan trọng, rất là vẻ vang.”
Những lời dạy đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng làm cho mỗi chúng ta hiểu thêm về vai trò của thầy giáo trong sự nghiệp giáo dục - con đường căn bản để chấn hưng dân tộc, nền tảng của sự tiến bộ xã hội, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, thúc đẩy con người phát triển toàn diện…
Và, trong bối cảnh hiện đại, giáo dục luôn đóng vai trò then chốt cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Bởi lẽ, một quốc gia mạnh, trước hết phải mạnh về giáo dục. Muốn phát triển giáo dục, trước hết phải chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo - lực lượng nòng cốt của sự nghiệp giáo dục; lực lượng trực tiếp tham gia giảng dạy, biến mục tiêu giáo dục thành hiện thực.
Nhận thức được vai trò của đội ngũ nhà giáo đối với nâng cao chất lượng giáo dục - nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với phát triển nguồn nhân lực chất lực cao, phát triển con người, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế… Việc xây dựng Luật Nhà giáo trở thành một yêu cầu cấp thiết, vừa đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ nhà giáo, vừa phù hợp với điều kiện thực tế về xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng có 6 chính sách mới:
Thứ nhất, xác lập địa vị pháp lý của nhà giáo ngoài công lập, bảo đảm sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ đối với nhà giáo là người nước ngoài. Điều đó, bảo đảm hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi cho nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề và tâm huyết với nghề; đồng thời, đáp ứng được mong ước, khát vọng sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp trồng người của nhà giáo ngoài công lập.
Thứ hai, chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Căn cứ chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sàng lọc và xây dựng chính sách phát triển nhà giáo... Đồng thời, chuẩn nhà giáo như “chiếc gương soi” để từng người tự đánh giá, rèn luyện và tự bồi dưỡng để không ngừng phát triển chuyên môn nghiệp vụ của bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng được xem là công cụ quan trọng để giám sát, kiểm soát chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Thứ ba, tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Chính sách này đã phản ánh đầy đủ đặc trưng lao động sư phạm của nhà giáo. Bởi, nhà giáo và nghề dạy học có những đặc trưng riêng, khác biệt với viên chức của các ngành, lĩnh vực khác về mục đích lao động sư phạm (phát triển phẩm chất, năng lực người học), đối tượng lao động sư phạm (người học có nhân cách đang được hình thành và phát triển), sản phẩm lao động sư phạm (người học phát triển toàn diện), tính chất lao động sư phạm (sáng tạo bậc nhất trong những nghề sáng tạo) và công cụ lao động sư phạm (không chỉ tri thức, kỹ năng sư phạm mà bằng cả nhân cách sống động của nhà giáo, bằng sự đối nhân xử thế và bằng sự gương mẫu của nhà giáo).
Những quy định tuyển dụng nhà giáo phù hợp với tính chất đặc thù trong lao động sư phạm của nhà giáo; việc tuyển dụng chú trọng đến năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng và thực hành sư phạm. Điều đó, bảo đảm cho việc tuyển dụng nhà giáo có chất lượng và phù hợp với vị trí việc làm, cơ cấu về chuyên môn, môn học…
Cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục được chủ trì, chủ động trong quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Điều này giúp cho cơ quan quản lý giáo dục chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng; đồng bộ về cơ cấu, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, điều động, thuyên chuyển, đánh giá, sàng lọc nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đồng thời, giải quyết được những tồn tại, bất cập về chất lượng, về tình trạng thừa thiếu giáo viên ở các địa phương như hiện nay.
Thứ tư, chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo. Chính sách này tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng và ban hành các chính sách nhằm thu hút những học sinh tốt nghiệp xuất sắc (học sinh giỏi quốc gia, sinh viên tốt nghiệp Đại học xuất sắc được giữ lại trường làm giảng viên); những người có trình độ cao, có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm làm nhà giáo...
Đồng thời, chính sách thu hút này cũng sẽ góp phần tạo nên một đội ngũ giáo viên, giảng viên có chất lượng cao - lực lượng quyết định chất lượng giáo dục của các cấp học, bậc học và của cả hệ thống giáo dục quốc dân. Đặc biệt, sẽ khắc phục được tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ và bảo đảm thu hút được cả về số lượng lẫn chất lượng (nhà giáo) cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đáng chú ý, với chính sách bảo vệ nhà giáo sẽ tạo môi trường làm việc thuận lợi, dân chủ để các nhà giáo yên tâm công tác, tận tâm, tận lực, tận tụy với nghề; sáng tạo trong một không gian văn hóa được tôn vinh, ghi nhận và được phối hợp, hỗ trợ của toàn xã hội.
Thứ năm, chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo. Trong chế độ, chính sách đối với nhà giáo, chế độ tiền lương và phụ cấp có ảnh hưởng rất lớn đến nhà giáo. Dự thảo Luật quy định: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật”. Đồng thời, để bảo đảm nhà giáo vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên cho đến khi Nhà nước có hướng dẫn mới về chính sách tiền lương, dự thảo luật quy định tại điều khoản chuyển tiếp: “Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới”.
Do đó, khi Luật Nhà giáo được ban hành và có hiệu lực sẽ nhanh chóng giải quyết được những khó khăn về đời sống của nhà giáo; nhất là với các nhà giáo cấp học mầm non, chuyên biệt, hay các nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Thứ sáu, quản lý nhà giáo. Về nội dung này, dự thảo Luật xây dựng dựa trên cách tiếp cận mới (quản trị chất lượng), tức là chuyển từ “quản lý nhà giáo sang quản trị nhà giáo” với công cụ kiểm soát là chức danh nhà giáo và chuẩn nhà giáo. Trong quản lý nhà nước về nhà giáo, dự thảo Luật đã thể hiện tư tưởng: Chủ thể quản lý nhà nước về nhà giáo là của ngành giáo dục nhưng không tách rời vai trò của các Bộ, ngành và chính quyền các cấp đã được pháp luật quy định.
Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật” và “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” (Điều 61). Do đó, Luật Nhà giáo có hiệu lực sẽ góp phần đổi mới công tác quản lý nhà nước về nhà giáo, giúp nâng cao tính chủ động của cơ quan quản lý giáo dục các cấp; đồng thời, sẽ nâng cao vị thế của ngành giáo dục và của nhà giáo… Đặc biệt, khi Luật được ban hành sẽ cơ bản khắc phục được “điểm nghẽn”, hạn chế, bất cập trong quản lý và phát triển nhà giáo hiện nay.
Về trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong quản lý nhà giáo, dự thảo Luật đã quy định rất toàn diện và hệ thống (từ xây dựng đề án phát triển nhà giáo, vị trí việc làm; việc tuyển dụng, ký, chấm dứt hợp đồng, giải quyết chế độ thôi việc hay bổ nhiệm, thay đổi chức danh nhà giáo… đến công tác thanh, kiểm tra nội bộ, giải quyết khiếu nại tố cáo đối với nhà giáo). Nếu các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ các trách nhiệm này thì việc quản lý nhà giáo sẽ rất chặt chẽ và hiệu quả.
Có thể nói, chính sách này sẽ đáp ứng kỳ vọng của đội ngũ nhà giáo, tạo ra môi trường làm việc an toàn, dân chủ, mô phạm, tạo động lực cho nhà giáo làm việc, cống hiến và sáng tạo… góp phần thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà.
Bảo đảm nguồn lực để thực hiện chính sách thu hút nhà giáo
Về cơ bản, hồ sơ dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng công phu, khoa học, bài bản và bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo quy định. Tuy nhiên, như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Luật cần ngắn gọn, dễ hiểu và có giá trị lâu dài”, do đó, từ thực trạng hiện nay, xin có một số kiến nghị để hoàn thiện quy định trong dự thảo luật như sau:
Một là, bổ sung thêm nội dung: “Đối với cán bộ quản lý giáo dục (viên chức công tác cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục) đã từng là giáo viên, giảng viên được gọi là nhà giáo” vào khoản 5 Điều 4 (giải thích từ ngữ) của dự thảo Luật để làm cơ sở thống nhất chung trong cách hiểu quy định pháp luật.
Cơ quan soạn thảo cần thống nhất cụm từ: “vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo qui định của Chính phủ” (khoản 1, khoản 3 Điều 6 quy định chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và một số điều khác trong dự thảo).
Cùng với đó, bổ sung và làm rõ thuật ngữ: “Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục” để phân biệt với Cơ quan quản lý giáo dục (tránh hiểu nhầm đây là hai hệ thống giáo dục khác nhau).
Hai là, về chế độ làm việc của nhà giáo (Điều 20). Do tính chất đặc thù trong lao động sư phạm của nhà giáo đòi hỏi phải có chế độ làm việc, hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, phù hợp... tạo thuận lợi cho nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề và tâm huyết, tận tâm, tận lực, tận tụy với nghề và sáng tạo. Vì vậy, thời gian soạn bài, chấm bài… cũng cần quy đổi thành giờ dạy/tiết dạy trên năm/tuần.
Ba là, về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo được quy định trong dự thảo luật phải bảo đảm tính thống nhất với các luật liên quan (đang điều chỉnh đối tượng nhà giáo). Tuy nhiên, nếu không có một thang, bảng lương riêng dành cho nhà giáo thì cơ quan soạn thảo cũng cần phải nghiên cứu xây dựng quy định chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo phù hợp hơn, theo hướng nâng cao đời sống, tạo động lực cho nhà giáo.
Bốn là, về chính sách thu hút nhà giáo. Ngoài các đối tượng hưởng chính sách thu hút được quy định tại khoản 1 Điều 29 dự thảo Luật, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung chính sách thu hút học sinh tốt nghiệp THPT có học lực xuất sắc vào học ngành sư phạm, hoặc sinh viên xuất sắc ở lại trường làm giảng viên Đại học... Thực tế, chính sách này sẽ góp phần tạo nên một đội ngũ giáo viên, giảng viên có chất lượng cao - lực lượng quyết định chất lượng giáo dục của các cấp học, bậc học và của cả hệ thống giáo dục quốc dân.
Tuy nhiên, để thực hiện chính sách thu hút nhà giáo, cần bảo đảm nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước và ngân sách của các địa phương.
Năm là, quản lý nhà nước về nhà giáo đã được quy định tại nhiều luật, do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh và bổ sung để tránh trùng lặp hoặc bỏ sót nội dung quản lý nhà nước về nhà giáo; đồng thời, cần có quy định về phân cấp quản lý nhà nước đối với nhà giáo.