Chính phủ đưa ra đề xuất này dựa trên nhiều cơ sở. Trước hết, các dự án BT thực hiện trước khi Luật PPP có hiệu lực đã đóng góp nhất định trong việc hoàn thiện hạ tầng ở nhiều địa phương. Các dự án đối ứng cũng góp phần đáng kể trong quá trình hình thành các đô thị, khu dân cư mới.
Bên cạnh đó, Quốc hội đang cho phép TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Nghệ An thí điểm triển khai BT, tuy nhiên cách làm vẫn chưa thống nhất giữa các địa phương. Đặc biệt, việc huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước ngày càng khó khăn trong khi nhu cầu phát triển hạ tầng tăng mạnh, đòi hỏi phải tranh thủ tối đa nguồn vốn tư nhân - thông qua hình thức BT - để giảm áp lực cho đầu tư công.
Trong Tờ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu (sau đây gọi là dự thảo Luật) gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám, Chính phủ cho biết đã “đổi mới toàn diện” cách thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập trong thực hiện hợp đồng BT như: tổng mức đầu tư phải xác định chính xác, tránh nâng khống giá trị công trình; phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư phải xác định cụ thể, minh bạch ngay từ giai đoạn đầu lập dự án.
Mặc dù vậy, Ủy ban Kinh tế, trong báo cáo thẩm tra, cho rằng, chưa đủ cơ sở để luật hóa hợp đồng BT tại dự thảo Luật này. Theo Ủy ban Kinh tế, việc thí điểm triển khai hợp đồng BT tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Nghệ An có nhiều nội dung khác nhau, vẫn đang trong quá trình thực hiện, chưa được tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng, chưa đủ thời gian kiểm nghiệm trên thực tế. Ngoài ra, quy định về hợp đồng BT trong dự thảo Luật có sự khác biệt so với quy định tại Luật Thủ đô và các nghị quyết thí điểm hiện hành.
Một vấn đề lớn là dự thảo Luật vẫn chưa giải quyết triệt để các vấn đề nảy sinh sau khi tạm dừng triển khai hợp đồng BT thời gian qua. Cụ thể, hiệu quả của hợp đồng BT thanh toán bằng tiền vẫn chưa được làm rõ so với đầu tư công, bởi về bản chất, đây vẫn là hình thức vay vốn để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, quy định về hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất chưa làm sáng tỏ cách xử lý chênh lệch giữa giá trị công trình và giá trị đất dùng để thanh toán.
Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của quy định về hợp đồng BT, Ủy ban Kinh tế đề xuất giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết về cơ chế, trình tự, thủ tục của hợp đồng BT theo nguyên tắc: đổi mới toàn diện cách thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập, hạn chế trong việc thực hiện; đồng thời, phát huy lợi thế của loại hợp đồng này và không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Ngày mai, 30.10, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu sẽ được trình Quốc hội và các đại biểu sẽ thảo luận tại tổ về dự Luật này. Trong bối cảnh nhu cầu phát triển hạ tầng tăng cao và ngân sách nhà nước gặp nhiều hạn chế, mô hình hợp tác công - tư như BT vẫn là một lựa chọn hấp dẫn. Tuy nhiên, các quy định liên quan cần được hoàn thiện để bảo đảm minh bạch, tránh thất thoát và lãng phí, bởi lẽ những “lùm xùm” tại các dự án “đổi đất lấy hạ tầng” trong quá khứ vẫn còn là nỗi “ám ảnh”.
Quyết định có luật hóa hợp đồng BT hay không đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng của cơ quan lập pháp. Điều này không chỉ nhằm phát huy tối đa lợi ích của loại hợp đồng BT, mà còn để bảo vệ lợi ích chung và bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn lực công.