Đại biểu Nguyễn Như So đề xuất giao cho Chính phủ quy định nguyên tắc chung và trao quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định linh hoạt mức trích phù hợp, dựa trên tình hình sản xuất kinh doanh đặc thù của từng doanh nghiệp. Quyết định này cần dựa trên báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và được công khai minh bạch. Việc trao quyền này sẽ góp phần nâng cao tính tự chủ của doanh nghiệp nhà nước và tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động hơn trong việc hoạch định và thực hiện chiến lược phát triển của mình.
Tại Điều 18 về việc tập trung đầu tư vốn Nhà nước vào các lĩnh vực cốt lõi như cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng an ninh, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế…
Đại biểu cho rằng để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cần xem xét mở rộng phạm vi đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn như: Công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo và công nghệ sinh học. Việc đầu tư vào các ngành lĩnh vực này không chỉ giúp Việt Nam chuyển đổi số thành công, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng và hướng tới một tương lai phát triển bền vững. Đây cũng là con đường ngắn nhất giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành một quốc gia phát triển. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 52-NQ/TW về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
ĐBQH Nguyễn Như So đề nghị cần tạo vị thế pháp lý đầy đủ hơn cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn để cơ quan này thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đại biểu thực tế hiện nay, Mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chưa tập trung về 1 đầu mối, còn tản mát ở nhiều cơ quan, chức năng nhiệm vụ của một số đơn vị còn chồng chéo,… gây ra nhiều khó khăn trong việc quản lý, giám sát và đánh giá hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, gây lãng phí tài sản, thất thoát vốn, giảm sút hiệu quả đầu tư.
Đại biểu kiến nghị nghiên cứu sửa đổi Điều 40 dự thảo Luật theo hướng quy định Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hoặc xem xét khả năng thành lập đơn vị mới dựa trên sự kết hợp giữa Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước thuộc Chính phủ sẽ là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tập trung, thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu quả của cả nước.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất xem xét lại thời hạn gửi Báo cáo tình hình quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để đảm bảo khả thi và thống nhất với quy định pháp luật hiện hành. Tại khoản 1 Điều 58 Dự thảo Luật quy định: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước phải tổng hợp và lập Báo cáo tình hình quản lý và đầu tư vốn nhà nước, kèm theo báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán độc lập, gửi đến cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn trong vòng 90 ngày kể từ khi kết thúc năm tài chính”.
Đại biểu cho rằng quy định thời hạn 90 ngày nêu trên là quá ngắn và không phù hợp với thực tiễn hoạt động của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn lớn có nhiều công ty con. Điều này gây áp lực nặng nề lên doanh nghiệp, làm giảm chất lượng báo cáo và có thể dẫn đến sai sót trong quá trình tổng hợp, kiểm toán. Hơn nữa, quy định này còn mâu thuẫn với Luật doanh nghiệp, bởi điểm c khoản 1 Điều 109 Luật doanh nghiệp quy định thời hạn này là 150 ngày.
“Cần điều chỉnh thời hạn nộp báo cáo tình hình quản lý và đầu tư vốn nhà nước phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp là 150 ngày nhằm giảm thiểu gánh nặng cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng báo cáo và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát cũng như tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật”, ĐBQH Nguyễn Như So kiến nghị.