Doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước phải bảo đảm hiệu quả kinh doanh
Các ý kiến tại tổ 16 đều nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi luật, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành.
Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng: Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của doanh nghiệp quy định tại Điều 12 dự thảo luật còn chung chung... Theo đại biểu, trách nhiệm của doanh nghiệp trong sử dụng vốn nhà nước là phải bảo đảm đầu ra và hiệu quả kinh doanh. Bởi, vốn nhà nước đầu tư cho các doanh nghiệp rất lớn.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã kinh doanh thua lỗ, nếu không có sự ràng buộc về đầu ra thì sẽ rất khó có hiệu quả kinh tế cũng như mục tiêu lợi nhuận... Chỉ ra thực tế này, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong vấn đề sử dụng vốn, kinh doanh phải có lãi và tạo ra lợi nhuận.
Đồng tình với tình huống kinh doanh có thể xảy ra rủi ro, song đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu rõ: Có nguyên tắc loại trừ vấn đề rủi ro bất khả kháng, nhưng tựu chung lại doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm sử dụng vốn Nhà nước là tạo ra lợi nhuận.
Cho rằng hình thức đầu tư vốn nhà nước quy định trong dự thảo luật (Điều 21) chưa rõ, do đó cần bổ sung thêm khoản 4: Đầu tư vốn nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị.
Về hình thức đầu tư của doanh nghiệp (Điều 26), đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm vào “khoản 5: Đầu tư khác” vào dự thảo luật (nhằm tạo cho doanh nghiệp cơ hội đầu tư các lĩnh vực khác). Bởi, thực tế, các khoản đầu tư của doanh nghiệp rất đa dạng, nếu khoanh vùng như dự thảo quy định thì sẽ rất khó, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu Dương Ngọc Minh (Cà Mau), dự thảo Luật nên quy định nguyên tắc sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (Điều 33) cần phù hợp với Luật Cạnh tranh (Điều 24) để bảo đảm các doanh nghiệp hoạt động, cạnh tranh bình đẳng với nhau. Cùng với đó, cơ quan soạn thảo bổ sung cụm từ “pháp luật cạnh tranh” vào sau cụm từ “về pháp luật doanh nghiệp” (khoản 1 Điều 37) để đúng với tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3.6.2017 của Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, cần sửa khoản 1 Điều 37 thành: “Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư được thực hiện theo quy định về pháp luật doanh nghiệp, pháp luật cạnh tranh; bao gồm việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách giữa các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư hoặc giữa doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư với doanh nghiệp không có vốn nhà nước đầu tư".
Dẫn quy định khoản 5 Điều 43 dự thảo Luật: Không phải là vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố vợ, bố chồng, mẹ vợ, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, anh chồng, chị chồng, em chồng, anh vợ, chị vợ, em vợ của: người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc thành viên Hội đồng thành viên khác của doanh nghiệp; Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị khác của doanh nghiệp; Chủ tịch công ty; Tổng giám đốc, Giám đốc và Kế toán trưởng; Kiểm soát viên của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư.... đại biểu Dương Ngọc Minh đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trường hợp người sở hữu vốn của doanh nghiệp nhà nước ở hai công ty khác nhau nhưng cùng Tập đoàn... để tránh một số vấn đề “nhạy cảm” có thể xảy ra.
Đề nghị bổ sung nguyên tắc tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả sử dụng vốn
Đồng tình với các nguyên tắc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp quy định tại Điều 5 dự thảo Luật, song đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng cần bổ sung thêm nguyên tắc tính công khai, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả sử dụng vốn... Cụ thể, về quy định tại khoản 1: “Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các cam kết quốc tế và điều ước (Việt Nam là thành viên Điều ước quốc tế) để bảo đảm xuyên suốt trước sau như một, bảo đảm uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Đồng thời, đề nghị bổ sung cụm từ “lấy mục tiêu, nhiệm vụ và hiệu quả đầu tư vốn làm tiêu chí đánh giá chủ yếu” vào khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật và sửa thành: “Bảo đảm doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư hoạt động theo cơ chế thị trường và chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh; lấy mục tiêu, nhiệm vụ và hiệu quả đầu tư vốn làm tiêu chí đánh giá chủ yếu”.
Băn khoăn các quy định về hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp tại Điều 6 dự thảo Luật còn chung chung, đại biểu Nguyễn Tạo cũng đề nghị chi tiết hóa các hành vi vi phạm cụ thể vào Khoản 1 để làm rõ hơn về những trường hợp nào không đúng thẩm quyền.. .Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần bổ sung cụm từ “làm lãng phí, thất thoát tài sản” vào khoản 3 và viết lại thành: “Thực hiện không đúng quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn trong việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm lãng phí, thất thoát tài sản”.