Đồng tình cao với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, các đại biểu Tổ 17 tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Dự Luật sẽ góp phần thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp.
Khẳng định đây là dự án Luật rất quan trọng, thay thế thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; tuy nhiên, đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng: trong dự thảo chưa đề cập đến việc quản lý nguồn vốn đầu tư của nhà nước vào nhóm doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ dưới 50% cổ phần, hiện chiếm số lượng rất lớn hiện nay. Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các quy định về vấn đề này.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá lại một số ngành nghề để nhà nước bổ sung vào danh mục ưu tiên đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, làm mất cân đối trong việc quản lý nguồn tiền.
Nhất trí với dự thảo Luật, song ĐBQH Đôn Tuấn Phong (An Giang) cho rằng, theo quy định tại Điều 9 và Điều 10, có thể thấy một doanh nghiệp có vốn nhà nước phải chịu sự quản lý của rất nhiều cơ quan. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu một cách thấu đáo để có được một mô hình quản lý doanh nghiệp theo đúng nguyên tắc tạo điều kiện để các doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, chủ động trong quá trình hoạt động, đưa ra các quyết định sản xuất kinh doanh và chịu trách nhiệm về hiệu quả.
Đồng tình với đại biểu Đôn Tuấn Phong, ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 41 về "cho ý kiến để người đại diện chủ sở hữu vốn biểu quyết quyết định các chức danh của doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật này". Theo đại biểu, cần làm rõ nội hàm việc "cho ý kiến" có tính ràng buộc pháp lý hay không và việc "cho ý kiến" mang tính tham khảo hay bắt buộc?
Cũng theo đại biểu Bế Minh Đức, việc các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn mang vốn nhà nước đầu tư vào các công ty con, đầu tư ra nước ngoài... có thể làm thất thoát vốn của nhà nước tại doanh nghiệp.Do vậy, cần có quy định mang tính nguyên tắc, giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý đầu tư vốn nhà nước đối với các công ty thuộc doanh nghiệp nhà nước.
Về quy định, đánh giá xếp loại người đại diện chủ sở hữu vốn, kiểm soát viên cần căn cứ vào đánh giá, xếp loại doanh nghiệp hàng năm, ĐBQH Siu Hương (Gia Lai) đề nghị: sửa đổi khoản 3 Điều 57 về "Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn đánh giá và xếp loại người đại diện chủ sở hữu vốn, kiểm soát viên do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê trước ngày 31 tháng 7 hàng năm..."
Thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật và cho rằng, đây là cơ hội để tạo ra khung pháp lý thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp công nghệ số, phù hợp với định hướng phát triển của lĩnh vực này.
Trong bối cảnh công nghệ số đang trở thành xu thế mới và ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước như hiện nay, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ thay thế các nội dung về công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ công nghệ thông tin trong Luật Công nghệ thông tin và bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn phát triển.
ĐBQH Hoàng Hữu Chiến (An Giang) và một số đại biểu kiến nghị, cơ quan soạn thảo cần điều chỉnh lại Khoản 1, Điều 3 để đúng với mục đích giải thích từ ngữ. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung thêm các vấn đề về an ninh, an toàn; các chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất các sản phẩm công nghệ số mang thương hiệu của Việt Nam.