Phát biểu thảo luận tại hội trường, ĐBQH Chamaléa Thị Thủy khẳng định, quảng cáo là một trong những hoạt động có sự chuyển biến nhanh nhất, dễ nhận thấy nhất trong thời đại bùng nổ thông tin của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Công nghệ kỹ thuật số đã làm cho hoạt động quảng cáo trở nên dễ dàng hơn, thông tin quảng cáo đến người tiêu dùng nhanh hơn, nhiều hình thức phong phú, đa dạng hơn, làm thay đổi thói quen tiêu dùng, góp phần thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân khiến hoạt động quảng cáo trở nên khó quản lý hơn.
Vì vậy, việc xem xét, rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, lần sửa đổi này, theo đại biểu cần nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét các điều luật được sửa đổi, bổ sung đã đủ để giải quyết các bất cập, vấn đề phát sinh hiện nay hay chưa, hay cần nghiên cứu bổ sung?
Đặc biệt, đại biểu rất quan tâm đến công tác quản lý Nhà nước về quảng cáo. Thực tế cho thấy, thời gian qua cơ quan chức năng đã có các biện pháp xử lý, ngăn chặn các hành vi quảng cáo không đúng quy định. Nhưng so với yêu cầu thực tế vẫn chưa đáp ứng được. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này, đại biểu mong muốn các quy định được bổ sung phải bảo đảm tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
Đại biểu cũng phản ánh hiện nay, hoạt động quảng cáo hoặc những nội dung có “thông điệp quảng cáo” được đăng tải trên môi trường mạng theo dạng bài viết, video trên các trang cá nhân (Facebook, Zalo, TikTok, Instagram…) rất đa dạng. Có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng nhưng được lan truyền trên không gian mạng rộng rãi, công khai như các trào lưu “uống nước kiềm chữa bách bệnh”; “thải độc ruột, thải độc đại tràng bằng cà phê”, thần thánh hóa gạo lức, nước tương có thể chữa được bệnh ung thư, các bài thuốc, phương thuốc bí truyền, các thực phẩm giảm cân thần tốc, thực phẩm phòng ngừa đột quỵ, ung thư… Kèm theo trực tiếp, gián tiếp giới thiệu bán các sản phẩm và được rất nhiều người tin theo. Thậm chí, từ bỏ giai đoạn vàng điều trị bệnh để chạy theo các thông tin quảng cáo trên mạng, gây tổn hại rất lớn cho sức khoẻ cá nhân, ảnh hưởng gia đình và xã hội.
Vậy trách nhiệm chính trong việc quản lý nhà nước về các vấn đề như trên là thuộc cơ quan nào, rất cần xác định cho rõ. Đại biểu Chamaléa Thị Thủy nhận thấy dự thảo Luật cũng có sửa đổi, bổ sung “Điều 5. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo”. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để quy định thật phù hợp, khả thi, tránh đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, nên nghiên cứu quy định trình tự, thủ tục xác minh, xác định, kết luận các thông tin quảng cáo, các thông điệp mang tính quảng cáo và quy định mức độ xử lý vi phạm cho tương xứng, phù hợp.