Không cực đoan
- Tại Phiên họp thứ 23 của UBTVQH, đã có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến quy định tại Điều 59, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Chúng ta đã có Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Song không phải vụ án tham nhũng nào cũng do Trung ương chỉ đạo. Cho nên mới có câu chuyện trên nóng, dưới lạnh, vì chưa có thiết chế, điều kiện để nóng một cách đồng bộ. Vậy cơ quan nào chống tham nhũng? Trong quá trình kiện toàn hệ thống chính trị, tôi cho rằng, phải có cơ quan phòng chống tham nhũng. Nên chăng Ủy ban kiểm tra Trung ương sẽ hợp nhất với Thanh tra Chính phủ để có một cơ quan phòng, chống tham nhũng độc lập, đủ quyền lực, đủ khả năng vào đủ sức mạnh để xử lý tham nhũng cả về mặt Nhà nước và Đảng? Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Khóa XIII Lê Nam |
- Trước hết, cần khẳng định, nếu không kiểm soát tài sản, thì không thể chống tham nhũng được. Đây là vấn đề không chỉ đúc kết từ thực tiễn nước ta mà còn là câu chuyện có tính phổ biến trên thế giới. Hơn nữa, kê khai thu nhập, tài sản cán bộ, công chức ở nước ta đang được phản ánh một cách thiếu trung thực. Thậm chí, tình trạng này diễn ra một cách phổ biến và rất nghiêm trọng. Trước hết đó là lỗi của cán bộ, công chức. Nhưng nhìn nhận một cách khách quan, cũng có lỗi của luật pháp, lỗi của Nhà nước. Nhà nước ta chưa có cơ chế, thể chế điều hành để buộc cán bộ, công chức phải công khai, minh bạch.
- Ở nhiều nước trên thế giới, tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý có thể bị tịch thu. Tuy nhiên, ở nước ta, áp dụng giải pháp này được các Ủy viên UBTVQH đánh giá là chưa phù hợp với đặc điểm xã hội, thưa ông?
- Đúng vậy, ở nhiều nước trên thế giới, tài sản không minh bạch tức là có câu chuyện liên quan đến tham nhũng thì bị xử lý, tịch thu. Tuy nhiên, ở nước ta, tình hình rất trầm trọng và phức tạp. Sự thật là, dù tài sản của cán bộ, công chức chưa minh bạch nhưng không phải ai cũng tham nhũng. Vì nguồn hình thành thu nhập của cán bộ, công chức đến từ nhiều nguồn không chính thức, như tài sản do tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình, tài sản đến từ việc làm thêm để tăng thu nhập dưới nhiều hình thức… Vì vậy, nếu xử lý tài sản, thu nhập không kê khai trung thực, không giải trình một cách hợp lý theo cách cực đoan dễ đến hậu quả tiêu cực mà chúng ta không thể kiểm soát được.
Trước thực tế này, theo tôi, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) nên lựa chọn phương án không cực đoan nhưng cũng phải kiên quyết. Không cực đoan để không chỉ trừng phạt, đánh thuế, tịch thu mà cũng tạo điều kiện cho cán bộ, công chức được công khai, minh bạch thu nhập, tài sản.
- Theo ông, quy định của dự thảo Luật cần tạo điều kiện thế nào để cán bộ, công chức công khai, minh bạch tài sản, thu nhập?
- Cần có thời hạn để cán bộ, công chức kê khai tài sản, thu nhập của mình. Tài sản, thu nhập tăng thêm phải chịu mức thuế từ 45% - 50%. Bởi lẽ, không kê khai tài sản, thu nhập tức là trốn thuế, vi phạm quy định của pháp luật, chúng ta hoàn toàn có thể xử phạt hành chính. Thời hạn công khai, minh bạch tài sản, thu nhập có thể từ 6 tháng - 1 năm. Song song với đó, chúng ta cần tiến tới việc kiểm soát thu nhập, tài sản thông qua tài khoản ngân hàng, thông qua các hoạt động thanh toán, giao dịch qua ngân hàng, để cơ quan có thẩm quyền có thể quản lý tài sản của cán bộ, công chức. Dự kiến từ năm 2020 – 2021, việc kê khai, quản lý tài sản đã đi vào khuôn khổ, sau thời gian này, mọi tài sản bất minh đều bị tịch thu và bị truy tố. Giải pháp này vừa có bước đi, có sự mềm dẻo và có tính chiến đấu cao. Chúng ta cũng có thể ngăn chặn được tham nhũng.
Chấp nhận quá độ
- Có lo ngại, tài sản, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức khi được công khai, minh bạch sẽ tạo ra làn sóng dư luận quá khích, gây tác động xấu đến Nhà nước, chính quyền thưa ông?
- Ở phía cán bộ, công chức, công khai tài sản, thu nhập vừa bị đánh thuế, vừa mất mặt, mất uy tín… Nên có thể có câu chuyện đối phó, chống đối ngầm. Vì vậy, giải pháp mà tôi vừa nêu nhằm khơi gợi tính tự giác, lòng tự trọng của cán bộ, công chức. Nhiều cán bộ, công chức làm thêm, kinh doanh, nhưng tài sản, thu nhập không được kê khai nên họ cũng không nộp thuế bất động sản, thuế thu nhập cá nhân. Trốn thuế phải chịu đánh thuế. Chúng ta sòng phẳng với nhau.
Về phía dư luận, chúng ta không né tránh, thực trạng quan chức có biệt phủ, có nhà đứng tên cho vợ, cho con, người dân đều biết cả, sẽ còn nhức nhối hơn, nếu câu chuyện này vẫn ởtrong bóng tối. Dẫu sao, hậu quả này, Nhà nước có lỗi, sẽ sửa lỗi bằng cách tạo điều kiện cho cán bộ, công chức được công khai minh bạch. Nhà nước phải chấp nhận có bước quá độ, một hiện trạng có tính lịch sử.
- Cũng có ý kiến băn khoăn nếu xử lý không khéo câu chuyện tài sản, thu nhập tăng thêm kê khai không trung thực hoặc không giải trình được nguồn gốc hợp lý sẽ vi phạm nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền. Ông có nghĩ như vậy?
- Tôi cho rằng, cũng không nên băn khoăn câu chuyện suy đoán có tội hay suy đoán vô tội. Bởi lẽ chúng ta đã có thời hạn để công khai, minh bạch. Chứng minh tài sản, thu nhập đó là hợp lý, hợp pháp là trách nhiệm hành chính, trách nhiệm đạo đức của cán bộ, công chức trước Đảng và Nhà nước. Còn nếu tài sản, thu nhập tăng thêm đó liên quan đến các vụ án hình sự, tham nhũng thì khi đó trách nhiệm chứng minh tài sản, thu nhập do phạm tội mà có mới là của Nhà nước.
- Nếu giải pháp này được áp dụng chúng ta có thể kỳ vọng gì ở công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, thưa ông?
- Mục tiêu của tham nhũng là chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Nếu chiếm đoạt tài sản mà nhận thấy không thể cất giấu, ẩn giấu được tài sản thì lòng tham, động lực, quyết tâm chiếm đoạt tài sản cũng sẽ bị “chùn” đi. Tất nhiên đây chỉ là một trong nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng. Quan trọng nhất, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) phải hướng tới muốn tham nhũng cũng không thể tham nhũng được. Cơ chế không sơ hở, không thể để tình trạng sử dụng tài sản tham nhũng một cách bình thường, trắng trợn như hiện nay được. Không có nơi ẩn nấp, những người muốn tham nhũng sẽ phải tự điều chỉnh hành vi, thái độ của mình, từ không dám đến không muốn tham nhũng nữa. Nếu không quyết liệt như vậy, e rằng mọi chuyện “cũng rứa”.
- Xin cảm ơn ông!