Sự thận trọng cần thiết
- Phiên bản mới nhất của luật cho đặc khu đã thay đổi tên gọi trở thành dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Ông có quan điểm như thế nào khi một vài địa phương lại có luật điều chỉnh riêng?
Đúng là, nếu thực hiện theo phương án đầu tiên đưa ra, xây dựng luật điều chỉnh chung cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, sau ban hành nghị quyết riêng quyết định thành lập từng đơn vị, quy định chính sách ưu đãi, mô hình quản lý phù hợp cho từng nơi, thì sẽ thuận về nguyên tắc pháp lý. Nhưng các nhà đầu tư quy mô lớn, hay đến từ các quốc gia công nghệ nguồn chỉ yên tâm khi mô hình này có cơ sở pháp lý cao nhất, nên các cơ chế, chính sách riêng biệt cho ba địa phương được chọn để triển khai mô hình mới đều phải quy định ngay trong luật. Do đó, phiên bản mới nhất trình ra Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách vừa qua đã thay đổi tên thành dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, trong đó lồng ghép các nội dung quy định về chính sách đặc biệt riêng đối với từng đặc khu.
Việc giới hạn phạm vi điều chỉnh vào ba địa phương cụ thể là một sự thận trọng cần thiết khi xây dựng luật cho mô hình quản lý mới. Vì rằng, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt mới được đưa vào thử nghiệm tiến hành, nên sẽ đứng trước cả thành công và rủi ro. Do đó, không thể vội vàng xây dựng luật để áp dụng rộng rãi mô hình mới này, mà quá trình phát triển của mô hình tập đoàn nhà nước đã cho bài học kinh nghiệm quý báu về việc này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh phát biểu tại hội trường |
- Mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu đã được chốt theo phương án vẫn tổ chức HĐND và UBND, song có đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cách thức hoạt động. Ông đánh giá như thế nào về phương án này?
Điểm khó nhất của trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật này chính là xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương sao cho vừa phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương mới nhất, theo dự thảo Luật trình ra Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách vừa qua đã đáp ứng những yêu cầu khắt khe nêu trên. Tất nhiên, khi triển khai thực hiện phải chú ý bảo đảm HĐND hoạt động chất lượng, hiệu quả, thậm chí phải bảo đảm chất lượng ngay từ khâu lựa chọn người ứng cử đại biểu HĐND. Nhưng cũng không nên lo ngại điều này, vì trong quá trình triển khai Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử thời gian qua, đã xuất hiện nhiều mô hình HĐND hoạt động hiệu quả. Các HĐND này không chỉ thực hiện chức năng đại diện cho cử tri, mà còn kiểm soát tốt hoạt động của cơ quan hành chính cùng cấp.
- Nhưng kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, các đặc khu cần một bộ máy vận hành và quản lý gọn nhẹ, với phương thức hiện đại, minh bạch và linh hoạt, thưa ông?
- Bộ máy vận hành và quản lý gọn nhẹ không có nghĩa chỉ cần một thiết chế quyền lực, mà quan trọng là cơ chế vận hành bộ máy quản lý. Trên thế giới đều vận hành theo mô hình “ở đâu có quyền lực, ở đó sẽ có kiểm soát quyền lực”, quyền lực càng cao, thì càng phải kiểm soát chặt chẽ, để tránh lạm quyền, lộng quyền. Đây là nguyên tắc quản trị nhà nước cơ bản trên thế giới, nên không cớ gì chúng ta đi ra khỏi “đường ray” này. Mặt khác, mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được đưa ra sau khi tiếp thu ý kiến chuyên gia, ĐBQH trong nhiều hội thảo. Hãy áp dụng mô hình này cho đến khi lịch sử phát triển vượt qua, khi đó, mô hình HĐND đặc khu cũng sẽ trở thành kinh nghiệm quý báu để xây dựng một thiết chế kiểm soát quyền lực mới.
Cũng có thể thấy, câu chuyện có duy trì HĐND quận, huyện, phường đã được đưa ra bàn luận nhiều lần, trước khi xây dựng Hiến pháp năm 2013 cũng đã thử nghiệm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thử nghiệm này không mang lại kết quả như mong đợi, nên Hiến pháp năm 2013 vẫn giữ quy định mỗi cấp chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND. Tuy nhiên, do HĐND đặc khu được tổ chức trên cơ sở kế thừa bộ máy hiện hành, nên các cơ quan chức năng phải quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, để HĐND đặc khu sau khi được bầu sẽ kiểm soát quyền lực thực chất, hiệu quả. Không thể lặp lại hiện tượng HĐND gồm 50 - 60 đại biểu, mà đến khi một dự án có sai phạm lớn bị phanh phui ra, thì không đại biểu HĐND nào biết.
Xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh |
Nguồn: QNG |
Thời cơ không xuất hiện nhiều lần
- Dù đã có một phiên bản mới, tiếp tục được hoàn thiện hơn, song vừa qua vẫn có nhiều ý kiến khác nhau đối với một số nội dung của dự án Luật. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
- Mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chưa có tiền lệ ở nước ta, với nhiều quy định mang tính đột phá so với hệ thống luật pháp hiện hành, nên khó có thể tạo sự đồng thuận trong một sớm, một chiều. Nhưng thời cơ của một quốc gia không xuất hiện nhiều lần. Việt Nam đang có cơ hội đó, khi vận hội đất nước đang lên, ở trong thời kỳ dân số vàng, lao động dồi dào, có vị thế trong các tổ chức quốc tế, khu vực, được các nhà đầu tư quan tâm... Nếu cứ tiếp tục chần chừ, cơ hội đang xuất hiện sẽ bị bỏ qua, mà khi quay lại làm không kịp nữa. Chỉ cất bước lên đường mới tới đích được, nên như nhiều ĐBQH chia sẻ, thì dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc càng sớm được thông qua, cơ hội phát triển đột phá càng đến sớm hơn.
- Ông có lưu ý nào đối với quá trình triển khai, vận hành mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, hay còn gọi là đặc khu này?
- Theo dự thảo Luật mới nhất, các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ được áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư, kinh doanh, đất đai, ngân sách, lao động, tiền lương… Các cơ chế, chính sách này được đánh giá có mức cạnh tranh khá cao trong khu vực. Nhưng như đề nghị của các ĐBQH và chuyên gia, thì không nên suy nghĩ cho thuê đất rẻ hơn, thời gian lâu hơn là đã tạo ra ưu đãi vượt trội. Việc cần làm cho được là tạo ra những cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội có tính ổn định và căn bản. Ngoài ra, trên thực tế, tại các đặc khu kinh tế theo mô hình truyền thống, vốn chỉ mang lại ưu đãi thuế quan đơn giản ở các quốc gia đang phát triển, ngay cả khi có vị trí “đắc địa”, vẫn sẽ trở nên lỗi thời. Khả năng thành - bại của các đặc khu không còn phụ thuộc nhiều vào các chính sách ưu đãi đơn thuần, mà là mô hình thể chế và quản trị ưu việt của chúng.
- Xin cảm ơn ông!