Từ học thuyết Fukuda đến mối quan hệ tin cậy
Mối quan hệ ASEAN - Nhật Bản được xây dựng dựa trên sự tin tưởng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau trong suốt 5 thập kỷ qua. Sau khi thiết lập quan hệ đối tác vào năm 1973, mối quan hệ song phương ngày càng được củng cố sau khi Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda công bố học thuyết ngoại giao "từ trái tim đến trái tim" vào năm 1977, mong muốn tạo dựng tình bạn chân thành giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. Với sự dẫn dắt của Học thuyết Fukuda, mối quan hệ giữa hai bên đã chuyển từ sự thù địch trong thời kỳ hậu chiến thành mối quan hệ sâu sắc và có ý nghĩa ngày nay. Điều này đã giúp Nhật Bản củng cố sức mạnh mềm ở khu vực, biến Nhật Bản trở thành "đối tác đáng tin cậy nhất" của các nước Đông Nam Á, theo khảo sát ISEAS - Yusof Ishak năm 2024.
Vào năm 2023, ASEAN và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ đối tác. Sự kiện này là dịp nhìn lại những thành tựu của mối quan hệ “từ trái tim đến trái tim” trong quá khứ, đồng thời cũng là dịp để tìm kiếm khuôn khổ mới cho mối quan hệ ASEAN - Nhật Bản trong tương lai. Điều này đã phần nào được hình dung sau khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khởi động “Quan hệ đối tác cùng sáng tạo tương lai của thế hệ tiếp theo: Dự án WA 2.0” vào tháng 12 năm ngoái. Dự án sẽ được triển khai mạnh mẽ trong 10 năm tới với hai trụ cột là “Giao lưu trí thức và văn hóa hai chiều” và “Đối tác NIHONGO” (đối tác cho giáo viên và học sinh dạy tiếng Nhật tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông ở châu Á), được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho hơn 10 triệu người, đặc biệt là các nhà lãnh đạo thế hệ tiếp theo của Nhật Bản và ASEAN.
Đưa "một chiều" trở thành bình đẳng
Mặc dù mối quan hệ ASEAN - Nhật Bản luôn hướng đến sự phát triển và thịnh vượng chung cho cả hai bên, nhưng cho đến nay, mối quan hệ này dường như vẫn là "đường một chiều". Sự phổ biến của văn hóa, sự hiện diện và sức ảnh hưởng của Nhật Bản có thể được nhìn thấy ở khắp Đông Nam Á. Trong khi đó, sức mạnh mềm của ASEAN tại Nhật Bản hầu như không đáng kể, chủ yếu là những mảnh ghép nhỏ chẳng hạn như cà phê từ ASEAN hay sô cô la Philippines.
Quyền lực mềm của Nhật Bản ở Đông Nam Á được đặt nền móng và xây dựng từ một chiến lược dài hạn, được đầu tư bài bản và được thúc đẩy một cách liên tục. Kể từ những năm sau chiến tranh, Nhật Bản đã hợp tác với ASEAN thông qua viện trợ phát triển chính thức (ODA), đóng góp vào sự phát triển kinh tế của các thành viên ASEAN và tạo ra quan hệ đối tác “cho - nhận”.
Từ năm 2015 đến năm 2021, Nhật Bản trở thành nước cung cấp ODA lớn nhất Đông Nam Á với 31,4% ODA ròng đến từ quốc gia này. ODA đã trở thành một đặc điểm của quan hệ ASEAN - Nhật Bản và tạo nên sức hấp dẫn của Nhật Bản trong khu vực, được cảm nhận rõ ràng khi nhìn vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển kỹ thuật và các sáng kiến y tế toàn cầu.
Nhật Bản cũng là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ hai của ASEAN sau Hoa Kỳ vào năm 2023 và là đối tác thương mại lớn thứ tư của ASEAN sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu vào năm 2022.
Nhật Bản cũng thúc đẩy chiến lược “Cool Japan” (nước Nhật Bản thú vị) để quảng bá và thương mại hóa văn hóa Nhật Bản ở nước ngoài. Ví dụ, các trung tâm tiếng Nhật và nhà hàng rất phổ biến ở Đông Nam Á. Các nhân vật hư cấu của Nhật Bản như Hello Kitty và Pokemon rất được “hâm mộ”, và các cửa hàng thời trang như Uniqlo và Muji đã trở thành lựa chọn ưa thích của người dân khu vực. Cách tiếp cận đa diện và đầu tư dài hạn của Nhật Bản vào khu vực này đã củng cố và lan tỏa sức mạnh mềm của đất nước mặt trời mọc.
Vì thường là bên tiếp nhận, ASEAN có ít cơ hội để phát triển sức mạnh mềm của mình tại Nhật Bản. Ví dụ, Đông Nam Á nổi tiếng với nền văn hóa ẩm thực, với Thái Lan, Việt Nam và Indonesia luôn được đánh giá là những nền ẩm thực phong phú và độc đáo nhất thế giới. Tuy nhiên, công chúng Nhật Bản chưa thực sự biết đến điều đó, ngay cả ở những thành phố hội nhập nhất của Nhật Bản, mặc dù dân số di cư từ Đông Nam Á đến quốc gia này ngày càng tăng.
Thúc đẩy trao đổi hai chiều sẽ mang lại mối quan hệ đối tác bình đẳng hơn. Điều này cũng phản ánh bối cảnh mới, chẳng hạn như sự phát triển của ASEAN trong 5 thập kỷ qua và những thách thức chung mới nổi như vấn đề biến đổi khí hậu, già hóa dân số...
Để tạo được "đường hai chiều" thúc đẩy mối quan hệ đối tác bình đẳng hơn, các nước ASEAN cần theo đuổi cách tiếp cận có đi có lại, trước hết cần có một chiến lược bài bản hơn để củng cố sức mạnh mềm và ảnh hưởng của ASEAN tại Nhật Bản, chẳng hạn như thông qua phim ảnh, thời trang và ẩm thực. Ngoại giao ẩm thực sẽ hiệu quả trong quảng bá di sản của một quốc gia, thúc đẩy sự hiểu biết và trân trọng văn hóa của nhau.
Mối quan hệ thương mại cũng nên được cải thiện theo hướng thúc đẩy các doanh nghiệp ASEAN và các công ty khởi nghiệp thâm nhập nhiều hơn vào thị trường Nhật Bản. Trước đây, các công ty Nhật Bản đã đầu tư vào các doanh nghiệp ở Đông Nam Á hoặc tự phát triển tại khu vực này, nhưng ASEAN vẫn chưa làm được điều tương tự ở chiều ngược lại do còn vướng nhiều rào cản lớn khi gia nhập thị trường Nhật Bản, chẳng hạn như cơ cấu công nghiệp, ngôn ngữ, thủ tục hành chính và các yếu tố văn hóa.
Tuy nhiên, đã có nhiều thay đổi trong những năm gần đây, khi Nhật Bản ngày càng quan tâm tới các công ty khởi nghiệp, bao gồm cả các công ty khởi nghiệp nước ngoài tại Nhật Bản, họ hoàn toàn có thể hưởng lợi từ hệ sinh thái khởi nghiệp năng động của ASEAN. Nhật Bản có thể hỗ trợ các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á về công nghệ, để phục vụ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của mình, chẳng hạn như CarbonEthics của Indonesia.
Các nước ASEAN cần có chính sách để tăng cường thu hút sinh viên Nhật Bản bằng cách quảng bá nền giáo dục đại học chất lượng cao, vốn đã được công nhận trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đồng yên đang giảm giá nhanh chóng, thì việc chuyển hướng sang nền giáo dục của ASEAN với mức giá hợp lý hơn rất nhiều là một lựa chọn thay thế tuyệt vời cho giáo dục đại học ở Hoa Kỳ, Australia hoặc châu Âu. Tăng cường trao đổi sinh viên sẽ là một kênh quan trọng giúp xây dựng mối quan hệ giữa những công dân trẻ tuổi và khiến mối quan hệ ASEAN - Nhật Bản được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo.
Nhật Bản cũng có thể xem xét khả năng đánh giá lại chính sách nhập cư của mình theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân các nước Đông Nam Á đang sinh sống tại Nhật Bản. Chẳng hạn, bằng cách thúc đẩy chương trình sau đại học cho sinh viên nước ngoài tìm việc làm tại Nhật Bản hoặc nới lỏng điều kiện để lao động từ Đông Nam Á có thể trở thành thường trú. Cách tiếp cận này không giúp Nhật Bản giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, mà còn giúp người dân Đông Nam Á hội nhập nhiều hơn vào xã hội Nhật Bản.
Nhật Bản đã chứng minh mình là một trong những đối tác có giá trị nhất của ASEAN. Niềm tin đã được vun đắp trong quá khứ không phải tự nhiên có được mà cần nỗ lực và quyết tâm rất lớn của lãnh đạo cả hai bên. Để làm sâu sắc thêm niềm tin này, quan hệ ASEAN - Nhật Bản cần bảo đảm một quan hệ đối tác chân thành và bình đẳng hơn thông qua trao đổi hai chiều.