Nắm thông tin đa chiều, tạo đồng thuận
Theo Ban Dân tộc HĐND tỉnh Đắk Lắk, việc lựa chọn đúng nội dung giám sát, đúng thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng. Vì hoạt động giám sát của HĐND có nội dung rất rộng, đối tượng đa dạng; do đó, cần lựa chọn những vấn đề trọng tâm, được cử tri, đại biểu quan tâm, những nội dung còn nhiều bất cập; không nên chọn quá nhiều nội dung sẽ dẫn đến việc giám sát không sát, giải quyết vấn đề chung chung. Để chọn những nội dung giám sát phù hợp, cần quan tâm đến những đề xuất của Ủy ban MTTQ tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh và các thành viên của ban; mặt khác, xem xét qua các kiến nghị của cử tri, các ý kiến chất vấn của đại biểu tại các kỳ họp, tại các buổi tiếp công dân; những vấn đề mà dư luận quan tâm.
Hàng năm, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Đắk Lắk đã lựa chọn, thảo luận, quyết định nội dung giám sát, để tổ chức ít nhất mỗi năm 2 cuộc giám sát chuyên đề, đồng thời tổ chức thêm một số đợt khảo sát; nội dung các cuộc giám sát chủ yếu tập trung vào việc triển khai thực hiện trực tiếp đến thực hiện chính sách dân tộc, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và được lựa chọn theo từng nhóm vấn đề. Trên cơ sở nội dung, tình hình thực tiễn tham mưu và thành lập đoàn bảo đảm theo quy định nhưng gọn nhẹ, bảo đảm thực hiện được mục tiêu giám sát đề ra. Trường hợp cần thiết, mời chuyên gia tham gia đoàn giám sát hoặc tranh thủ ý kiến của những người có am hiểu sâu, rộng lĩnh vực giám sát để nâng cao chất lượng giám sát.
Chú trọng công tác phối hợp, nhất là trong xây dựng chương trình kế hoạch giám sát. Sự tham gia của Thường trực HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQVN tỉnh rất quan trọng nhằm nắm thông tin đa chiều hơn; đồng thời, tranh thủ ý kiến của các cơ quan, tạo được tiếng nói chung và sự đồng thuận đối với việc kiến nghị, đề xuất qua giám sát. Vì vậy, trong mỗi đợt giám sát, cần mời đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, Thường trực HĐND cấp huyện và đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại địa phương tham gia khi đoàn giám sát đến giám sát tại địa phương.
Làm rõ các vấn đề giữa đề cương, báo cáo và thực tế
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, cần thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch và đề cương giám sát, mẫu báo cáo cần chuẩn bị kỹ lưỡng và được gửi trước cho các đối tượng được giám sát; trước khi ban hành kế hoạch và đề cương giám sát, cần họp Đoàn để thống nhất thông qua kế hoạch và đề cương giám sát; đôn đốc các cơ quan, đơn vị được giám sát gửi báo cáo đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng. Trước khi tổ chức giám sát cần, họp Đoàn để triển khai kế hoạch giám sát và giao nhiệm cụ thể cho mỗi thành viên. Giám sát trực tiếp tại cơ sở trước, sau đó giám sát tại các cơ quan chuyên môn có liên quan; kết hợp nghe, đối chiếu nội dung báo cáo với kiểm tra hồ sơ, thực tế tại địa phương, cơ sở.
Quá trình giám sát cần đi sâu, tìm hiểu kỹ tình hình thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa phương; yêu cầu đối tượng giám sát cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết để từ đó có cơ sở rút ra những kết luận đúng và đề xuất kiến nghị hợp lý, tránh tình trạng giám sát chung chung mang tính hình thức; cần làm rõ những vấn đề chưa rõ ràng, chưa nêu đầy đủ theo yêu cầu của đoàn giám sát. Nhằm thu thập thông tin, làm rõ các vấn đề giữa đề cương, báo cáo và thực tế của cuộc giám sát; bên cạnh tổ chức các cuộc làm việc chính thức, cần tăng cường sử dụng nhiều công cụ khác nhau như: thảo luận nhóm, phỏng vấn, phát phiếu bảng hỏi, khảo sát thực tế … sẽ có được các thông tin đa dạng, nhiều chiều.
Việc theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện các kiến nghị, kết luận qua giám sát rất cần thiết. Sau giám sát, quan tâm đến chủ thể chịu sự giám sát khắc phục hạn chế, yếu kém, vi phạm sau khi được giám sát. Tăng cường theo dõi, đôn đốc việc khắc phục những hạn chế, tồn tại được kiến nghị qua giám sát. Tiếp tục tái giám sát đối với những nội dung chậm triển khai hoặc không thực hiện nghiêm túc. Đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, kéo dài thì đề xuất xem xét đưa ra chất vấn, giải trình tại kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh để làm rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan, để vấn đề được giải quyết thỏa đáng, tạo niềm tin của cử tri đối với cơ quan dân cử.