Nỗ lực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Qua giám sát cho thấy, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT đã được ngành giáo dục và đào tạo địa phương triển khai thực hiện khá tích cực. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo được triển khai kịp thời, bám sát thực tiễn để có hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện Chương trình ở các cấp học. Có sự vào cuộc của toàn xã hội nên tạo được sự đồng thuận trong thực hiện.
Về phía các trường THPT, đã chủ động chuẩn bị kỹ đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật, lựa chọn sách giáo khoa; chủ động hơn trong việc quản trị ở nhà trường, xây dựng kế hoạch giáo dục cũng như tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục. Các kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình. Công tác tuyển sinh, tổ chức tư vấn cho học sinh lựa chọn các môn học tự chọn được triển khai khá tích cực; việc xây dựng các tổ hợp môn lựa chọn, chuyên đề học tập cơ bản đáp ứng được nhu cầu của học sinh và phù hợp điều kiện của từng trường.
Việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá được triển khai đồng bộ, hiệu quả nên kích thích được hứng thú, thay đổi tư duy sáng tạo, học sinh chủ động chiếm lĩnh kiến thức, phát triển phẩm chất, năng lực và tích cực tham các hoạt động giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông mới phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đổi mới, có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện của địa phương. Nội dung kiến thức có tính ứng dụng thực tế nên học sinh hứng thú tiếp nhận kiến thức, phát huy được phẩm chất và năng lực của bản thân. Công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên nên cũng đã kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện.
Định hướng hợp lý cho đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất
Bên cạnh kết quả đạt được, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng chỉ rõ, việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như: cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện dạy và học vẫn còn hạn chế, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa; việc xây dựng các tổ hợp môn lựa chọn còn bất cập do còn thiếu giáo viên và phòng học; việc triển khai các hoạt động giáo dục bắt buộc (trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục địa phương…) còn lúng túng; tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở một số trường; thiếu hụt giáo viên dạy môn tích hợp, tổ hợp môn tự chọn...
Chia sẻ những khó khăn ngành giáo dục và đào tạo gặp phải trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Đoàn giám sát đề nghị, tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, bất cập, nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học. Trong đó, tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch điều tiết đội ngũ giáo viên tránh tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số trường, bố trí đủ giáo viên dạy các tổ hợp môn tự chọn; nghiên cứu quy chế bố trí giáo viên dạy liên trường, liên vùng đối với môn Mỹ thuật và Âm nhạc nhằm đáp ứng nhu cầu đăng ký học môn năng khiếu của học sinh; rà soát đội ngũ cán bộ quản lý để có kế hoạch luân chuyển, bổ nhiệm bảo đảm quy định; định hướng cho nhà trường mở rộng xây dựng tổ hợp môn tự chọn đa dạng hơn đáp ứng nhu cầu của học sinh…
Về cơ sở vật chất, cần rà soát, xây dựng kế hoạch đề xuất với HĐND, UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị cho các trường còn thiếu; có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong in ấn, xuất bản tài liệu giáo dục địa phương; xây dựng lộ trình, giải pháp đạt chỉ tiêu đề ra về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở bậc THPT. Đoàn giám sát cũng đề nghị, ngành giáo dục tập trung rà soát quy hoạch tổng thể các trường để có định hướng đầu tư xây dựng, sửa chữa hợp lý... bảo đảm các tiêu chí cơ sở vật chất theo quy định của Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26.5.2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo...