Quy định chưa sát thực tiễn
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, vấn đề nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND, phát huy hiệu quả thực chất hoạt động giám sát của HĐND là phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Hoạt động giám sát của HĐND các cấp được quy định cụ thể trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, là một bước tiến quan trọng nhằm pháp điển hóa hoạt động giám sát của HĐND các cấp, là cơ sở lý luận quan trọng định hướng cho hoạt động của HĐND các cấp được đúng hướng, khẳng định được vai trò, vị trí của cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Trong thời gian qua, hoạt động giám sát của HĐND các cấp ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, có sự đổi mới cả về tổ chức, nội dung và phương thức giám sát, nên đã đạt được kết quả đáng ghi nhận: Nhiều vấn đề bức xúc của cử tri được quan tâm giám sát, niềm tin của Nhân dân đối với HĐND được nâng lên, Nhân dân ngày càng gắn bó, quan tâm, theo dõi và tích cực tham gia vào các hoạt động giám sát của HĐND, làm cho vị thế của HĐND ngày càng được đề cao, góp phần quan trọng vào việc xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh và hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tế tổ chức bộ máy chính quyền địa phương được quy định ở các cấp có quy mô, điều kiện khác nhau. Đối với HĐND cấp tỉnh được tổ chức thành một cơ quan chuyên trách gồm: Lãnh đạo Thường trực HĐND (Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch), lãnh đạo các Ban (Pháp chế, Kinh tế - ngân sách, Văn hóa - Xã hội, ở miền núi có Ban Dân tộc, ở thành phố trực thuộc Trung ương có Ban Đô thị) hoạt động chuyên trách; có bộ máy Văn phòng tham mưu, giúp việc, với quy mô khoảng 30 công chức, người lao động, tương đương 1 sở cấp tỉnh.
Đối với HĐND cấp huyện gồm: Phó Chủ tịch HĐND, các Phó Trưởng Ban (Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Xã hội) hoạt động chuyên trách, Trưởng các Ban hoạt động kiêm nhiệm; có 1-2 chuyên viên Văn phòng HĐND và UBND được phân công tham mưu, giúp việc cho HĐND.
Đối với cấp xã có Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách, lãnh đạo các Ban, Bộ phận văn phòng phục vụ HĐND cấp xã hoạt động kiêm nhiệm.
Trong khi đó, về ngân sách được phân bổ giữa các cấp cho hoạt động của HĐND các cấp hiện chênh lệch từ 9-10 lần, cụ thể ngân sách cho hoạt động của HĐND cấp xã hằng năm được phân bổ từ 60-70 triệu đồng.
Với các điều kiện như vậy, mặc dù mức độ thực hiện yêu cầu nhiệm vụ là hoàn toàn khác nhau, do thẩm quyền, quy mô thực hiện nhiệm vụ khác nhau, nhưng tại các quy định về hoạt động giám sát trong luật lại quy định chung hoạt động giám sát của HĐND của cả 3 cấp, dẫn đến sự lúng túng, khó khăn trong thực hiện chức năng giám sát, nhất là giám sát chuyên đề ở cấp huyện và cấp xã.
Thực tế, việc thực hiện giám sát ở địa phương từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 ra đời, đối với HĐND tỉnh, việc thực hiện quy trình, quy định về cuộc giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND được tiến hành bảo đảm các quy định của Luật, do có đủ điều kiện về nhân lực, chuyên môn (có cơ quan tham mưu, giúp việc, có bộ máy chuyên trách), về cơ sở vật chất, phương tiện thực hiện hoạt động giám sát. Do đó, số lượng, chất lượng các cuộc giám sát chuyên đề được nâng lên rõ rệt. Hàng năm, HĐND tỉnh tổ chức từ 12-15 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó các lĩnh vực về quản lý Nhà nước được đề cập tương đối rộng về nội dung, địa bàn và hệ thống các cơ quan, tổ chức.
Đối với HĐND cấp huyện, việc thực hiện quy trình, quy định về giám sát chuyên đề cơ bản được bảo đảm, đa số HĐND cấp huyện đã tổ chức được cuộc giám sát của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND. Tuy nhiên, vẫn có những đơn vị cấp huyện chỉ tổ chức được giám sát của Thường trực, các Ban HĐND, do quy trình thực hiện cuộc giám sát của HĐND đòi hỏi được tiến hành từ khâu đề xuất, trình HĐND về nội dung giám sát tại kỳ họp giữa năm trước, trình HĐND quyết định thành lập Đoàn giám sát, xác định mục đích, yêu cầu, phạm vi, thời điểm giám sát tại kỳ họp cuối năm trước để tiến hành một cuộc giám sát của HĐND; có đơn vị cấp huyện thực hiện cuộc giám sát của HĐND nhưng chưa bảo đảm đúng quy trình quy định mà nhầm lẫn giữa giám sát của HĐND với Thường trực HĐND. Mặt khác, có đơn vị cấp huyện chưa tổ chức hoặc tổ chức cuộc giám sát của Ban còn hạn chế, do lực lượng mỏng, chuyên môn hạn chế và cơ sở vật chất bảo đảm rất hạn hẹp; đa số cấp huyện chỉ tổ chức được khoảng 5 cuộc giám sát của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND và chất lượng nhiều cuộc giám sát còn hạn chế.
Đối với HĐND cấp xã, việc thực hiện bảo đảm quy trình cuộc giám sát chuyên đề đối với từng chủ thể giám sát là rất hạn chế; có trên 90% cấp xã chỉ thực hiện được cuộc giám sát của Thường trực HĐND; việc tổ chức cuộc giám sát của các Ban là không khả thi do Trưởng, Phó các Ban HĐND cấp xã là cán bộ hoạt động kiêm nhiệm, chủ yếu là lãnh đạo Ủy ban MTTQ, các đoàn thể quần chúng kiêm nhiệm, một số nơi có cả lãnh đạo thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm. Do vậy, về nhân lực, thời gian, chuyên môn và điều kiện cơ sở vật chất không bảo đảm để tổ chức thực hiện. Việc thực hiện quy trình một cuộc giám sát của HĐND theo quy định là rất chuẩn mực, trong điều kiện chỉ có 1 cán bộ chuyên trách là Phó Chủ tịch HĐND cấp xã nên khó có điều kiện thực hiện được. Vì vậy, hầu hết là thực hiện quy trình giám sát của HĐND như với cuộc giám sát của Thường trực HĐND.
Cần phân định các cấp độ giám sát
Từ thực tiễn trên cho thấy, việc sửa đổi Luật Hoạt động Giám sát của Quốc hội và HĐND cần phân định các cấp độ giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND. Đồng thời, quy định cụ thể quy trình, thẩm quyền, phạm vi và chủ thể giám sát ở từng cấp tỉnh, huyện, xã để tạo sự thống nhất, là cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND các cấp.
Trước tiên, cần quy định cụ thể đối với giám sát chuyên đề của HĐND về: cơ cấu, thành phần Đoàn giám sát; nhiệm vụ, quyền hạn; trình tự xem xét, quyết định trong quá trình giám sát, kết thúc giám sát và trách nhiệm thực hiện Nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát đối với từng chủ thể giám sát ở từng cấp chính quyền cụ thể.
Thứ hai, chỉ quy định các chủ thể giám sát chuyên đề là HĐND, Thường trực, các Ban HĐND ở cấp tỉnh, cấp huyện.
Ba là, đối với cấp xã chỉ quy định chức năng giám sát chuyên đề đối với HĐND, Thường trực HĐND, không quy định các Ban của HĐND.
Thứ tư, cần quy định cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc hơn về trách nhiệm thực hiện kiến nghị sau giám sát của HĐND.
Năm là, cần quan tâm kiện toàn bộ máy cơ quan giúp việc của HĐND các cấp theo hướng mỗi Ban HĐND cấp tỉnh có 1 phòng chuyên môn tham mưu, giúp việc; mỗi Ban HĐND cấp huyện có 1 công chức chuyên môn tham mưu, giúp việc và HĐND cấp xã có 1 công chức văn phòng tham mưu, giúp việc chuyên trách.
Sáu là: tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn hoặc các buổi hội thảo nhằm nâng cao kỹ năng giám sát cho cán bộ HĐND các cấp, đặc biệt là cấp huyện và xã. Nội dung đào tạo cần tập trung vào kỹ năng lập kế hoạch giám sát, thu thập thông tin và phân tích dữ liệu. Xây dựng tài liệu hướng dẫn chi tiết: Cung cấp các tài liệu hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu về quy trình giám sát để hỗ trợ các cán bộ chưa có nhiều kinh nghiệm có thể tự tin trong quá trình thực hiện giám sát.
Bảy là: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám sát chuyên đề cho phép lưu trữ thông tin giám sát và chia sẻ kết quả một cách minh bạch, giúp HĐND các cấp có thể dễ dàng truy cập và quản lý các dữ liệu giám sát.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng, vai trò, vị trí của HĐND các cấp, cần có những quy định, cơ chế đồng bộ, hữu hiệu, từ đó thực hiện hiệu quả đường lối của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.