Chưa đáp ứng nhu cầu thực tế
Nhằm góp phần phấn đấu mỗi năm toàn tỉnh Gia Lai đưa từ 1.500 người lao động trở lên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chính quyền địa phương các cấp, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND các cấp phối hợp với cơ quan liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở đã triển khai lồng ghép các hoạt động tư vấn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho người lao động và thân nhân người lao động; tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, tuyên truyền viên cơ sở làm công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Các nội dung và định mức hỗ trợ người lao động tham gia khóa đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và các thủ tục đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định cụ thể, trên nhiều phương diện, bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng thụ hưởng.
Kết quả khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về “Việc hỗ trợ lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi” cho thấy: tỉnh Gia Lai có lực lượng lao động trẻ dồi dào, tăng hằng năm nhưng từ năm 2021 đến ngày 30.6.2024, trên địa bàn chỉ có 3.564 lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài, chiếm 0,37% lực lượng lao động 15 tuổi trở lên của tỉnh. Trong đó, chỉ có 1 lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, ngoại ngữ để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng trên địa bàn tỉnh.
Công tác rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài còn hạn chế, chưa được quan tâm. Hình thức hỗ trợ người lao động tham gia khóa đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và các thủ tục đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa phù hợp với thực tế.
Mở rộng đối tượng thụ hưởng
Qua khảo sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Gia Lai đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 2209/KH-UBND về truyền thông Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quan tâm nội dung “Hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đề nghị triển khai thực hiện kiến nghị của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về việc đề nghị rà soát, điều chỉnh, bổ sung nghề đào tạo tại Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh, trong đó chú trọng đến các ngành, nghề thị trường lao động nước ngoài có nhu cầu tuyển dụng. Cùng với đó, xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng nội dung “Hỗ trợ tham gia khóa đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và các thủ tục đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đối với người lao động là người dân tộc Kinh sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị thường xuyên trao đổi, phối hợp với doanh nghiệp để nắm bắt thông tin về thị trường tiếp nhận lao động, nhu cầu tuyển chọn lao động; các khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyển chọn lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền thông suốt từ tỉnh đến thôn, làng; đổi mới hình thức, tiếp cận có trọng tâm, trọng điểm với các đối tượng thụ hưởng về các nội dung hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ và chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giúp người lao động được thụ hưởng chính sách theo quy định. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm đào tạo đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, ngoại ngữ đáp ứng cho thị trường lao động ngoài nước, nhất là đối tượng lao động người DTTS, người lao động là người Kinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở vùng DTTS và miền núi.