Không ít trăn trở
Chính quyền cấp xã là cấp trực tiếp triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến từng người dân. Được tổ chức ở các đơn vị hành chính theo lãnh thổ tự nhiên, gắn kết chặt chẽ với dân cư ở cơ sở, HĐND xã là cầu nối với cử tri, nhân dân, là nơi nhân dân thực hiện quyền làm chủ và tự quản của mình.
Dẫu vậy, ở một số địa phương, địa bàn, HĐND, đại biểu HĐND cấp xã chưa phải "địa chỉ" cử tri tìm đến đầu tiên khi có vướng mắc. Có một thực tế không khỏi "chạnh lòng" là vẫn còn những suy nghĩ như một sự mặc định rằng hoạt động của cơ quan dân cử cấp xã còn hình thức, khiến vai trò, vị trí của cơ quan dân cử ở cơ sở "nhạt nhòa" chứ chưa nói đến các Ban chuyên môn...
Theo Ban HĐND cấp xã ở Quảng Ninh, việc còn thiếu hoặc đã có nhưng chưa rõ các quy định, hướng dẫn khiến tổ chức, hoạt động của Ban HĐND cấp xã càng thêm lúng túng. Đơn cử, Điều 33, Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới chỉ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND xã; Điều 109 cũng chỉ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban HĐND nói chung, chưa quy định rõ đối với Ban HĐND cấp xã. Ngoài ra, chưa có hướng dẫn cụ thể nào về hoạt động của các Ban HĐND cấp xã…
Nhìn vào khối lượng công việc của các Ban HĐND cấp xã, đối sánh với nguồn lực thực hiện cũng thấy còn đó không ít trăn trở. Bởi, thành viên các Ban HĐND cấp xã hiện đều hoạt động kiêm nhiệm, chủ yếu là Bí thư chi bộ, Trưởng các khu dân cư có độ tuổi cao, trình độ chuyên môn còn hạn chế, hoặc cán bộ công chức xã công tác ở các tổ chức đoàn thể nên việc bố trí thời gian dành cho hoạt động của Ban còn có mức độ...
Riêng về hoạt động giám sát, trên thực tế trực tiếp tổ chức giám sát của HĐND chủ yếu do các Ban HĐND tổ chức. Với địa vị pháp lý và các điều kiện cho hoạt động chưa được bảo đảm, rất khó để Ban của HĐND có thể thực hiện được đầy đủ các hoạt động giám sát của HĐND.
Bảo đảm các điều kiện hoạt động
“Vấn đề cần làm hiện nay là phải bảo đảm các điều kiện hoạt động cho HĐND cấp xã. Trong đó, trọng tâm là bảo đảm sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp của Đảng và cử cán bộ ưu tú đảm nhận các vị trí chủ chốt trong cơ quan dân cử ở cơ sở. Đồng thời, tăng thêm đại biểu chuyên trách; củng cố bộ máy giúp việc phù hợp với yêu cầu; thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho đại biểu HĐND xã và đáp ứng đủ kinh phí cho các hoạt động" - một thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chia sẻ sau chuyên đề giám sát về hoạt động của các Ban HĐND cấp xã trên địa bàn.
Ngay trong hoạt động giám sát, muốn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại để kiến nghị khắc phục, xử lý cho tốt hơn, hiệu quả hơn, đòi hỏi cơ quan thực hiện quyền giám sát phải có đầy đủ trình độ, năng lực. Ngoài nắm chắc các quy định của pháp luật còn phải am hiểu, tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật, công nghệ của lĩnh vực, hoạt động mình giám sát… Đây lại là vấn đề khó với các Ban HĐND cấp xã hiện nay. Bởi, một số thành viên Ban chưa dành nhiều thời gian thỏa đáng cho hoạt động của Ban theo nhiệm vụ được phân công. Một số thành viên Ban chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong hoạt động; còn tình trạng đại biểu ngại va chạm, né tránh, nể nang… Cùng với đó, các chế tài xử lý các cơ quan, đơn vị không thực hiện các kiến nghị sau giám sát, khảo sát hiện cũng chưa được quy định cụ thể, rõ ràng.
Quá trình giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chỉ rõ, khó khăn trong nâng cao chất lượng hoạt động của Ban HĐND cấp xã cũng xuất phát từ chính sự eo hẹp về cơ chế chính sách và nguồn lực. Các thành viên Ban làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, Ủy viên các Ban đều không có phụ cấp… Thực tế này đặt ra đòi hỏi, cần phải có chính sách chi trả phụ cấp cho Trưởng, Phó ban và Ủy viên các Ban HĐND cấp xã; bảo đảm vị trí chức danh có trình độ chuyên môn phù hợp, tăng thành viên chuyên trách của các Ban HĐND cấp xã. Bên cạnh đó, cần cụ thể về tư cách pháp nhân cho Ban HĐND cấp xã; có hướng dẫn về bố trí thành viên, cũng như bảo đảm tính pháp lý cho hoạt động của Ban HĐND cấp xã...
Thực tiễn trên cho thấy, hoàn thiện quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn HĐND cấp xã nói chung, trong đó có Ban HĐND cấp xã là yêu cầu tất yếu, điều kiện quan trọng cho thực thi quyền dân chủ đại diện ở cấp cơ sở. "Rõ hơn nữa về nhiệm vụ, quyền hạn và tăng cường hơn nữa điều kiện hoạt động cho các Ban của HĐND cấp xã" - làm được như vậy, vai trò cơ quan dân cử ở cơ sở sẽ tiếp tục được phát huy, cùng cả hệ thống chính trị và cử tri, nhân dân hoàn thành thắng lợi mọi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển; hướng đến mục tiêu xây dựng địa phương vững mạnh, đất nước hùng cường, vững vàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.