Khó khăn từ thiếu hụt nhân lực
Hội nghị đã nghe 15 ý kiến, kiến nghị thiết thực, xác đáng, nhằm đóng góp quan trọng cho công tác quản lý, bảo vệ rừng được tốt hơn, tập trung vào các nhóm vấn đề chủ yếu như: điều kiện làm việc của lực lượng bảo vệ rừng chưa được bảo đảm; chế độ lương, phụ cấp, đãi ngộ không tương xứng với vị trí việc làm; biên chế chưa đủ so với yêu cầu nhiệm vụ được giao; cơ chế, chính sách đối với công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều vướng mắc, bất cập; các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính đầu tư chưa kịp thời.
Theo đó, thu nhập thấp, áp lực và trách nhiệm lớn trong khi cơ chế chính sách chưa tương xứng so với đặc thù công việc dẫn đến không tuyển dụng đủ số biên chế công chức kiểm lâm theo yêu cầu. Việc thiếu hụt nhân lực khiến cho nhiệm vụ giữ rừng, bảo vệ rừng trở nên khó khăn. Tại các hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng, lực lượng chuyên môn đang phải làm việc gấp nhiều lần so với nhiệm vụ quy định.
Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh sớm tổ chức thi tuyển công chức để bù đắp số lượng công chức hiện còn thiếu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định lại định mức đối với biên chế kiểm lâm, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo đối tượng quản lý là diện tích rừng (700ha/viên chức đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và 1.000ha/công chức kiểm lâm) để đơn vị xác định nhu cầu đối với nhân lực làm công tác bảo vệ rừng và là cơ sở để địa phương tăng cường nhân lực cho các lực lượng bảo vệ rừng trong điều kiện hiện nay. Cùng với đó, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định hỗ trợ lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, phụ cấp, thâm niên, chế độ, ưu đãi giống như kiểm lâm để lực lượng bảo vệ rừng có thêm thu nhập, gắn bó hơn với rừng.
Có ý kiến đề nghị các cấp không thực hiện tinh giản biên chế đối với lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng ở các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để có lực lượng đủ mạnh tham gia tuần tra bảo vệ rừng, truy quét lâm tặc ngăn ngừa tình trạng xâm hại đến tài nguyên rừng.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương và đơn vị chủ rừng cũng đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh bổ sung biên chế đầy đủ cho các đơn vị nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, đề xuất Quốc hội sửa đổi chính sách tiền lương phù hợp với đặc thù của ngành, nghề để tạo động lực cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Trong đó, bổ sung các khoản phụ cấp, ưu đãi, chế độ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tương tự như lực lượng kiểm lâm do cùng công tác trong hoàn cảnh, điều kiện khó khăn tương tự như nhau; bổ sung nghề bảo vệ rừng vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Giảm tuổi nghỉ hưu đối với kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (55 tuổi đối với nữ, 57 tuổi đối với nam)...
Xây dựng cao nguyên xanh, bền vững
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổng hợp kịp thời các ý kiến, kiến nghị của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng báo cáo UBND tỉnh. Từ đó, UBND tỉnh phân loại kiến nghị thuộc thẩm quyền Trung ương báo cáo các cơ quan trung ương có liên quan để giải quyết. Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, UBND tỉnh tổng hợp, đề xuất ban hành cơ chế đặc thù nếu có.
“Cả hệ thống chính trị nâng cao trách nhiệm, quyết tâm chính trị để giữ diện tích rừng hiện có và tiếp tục trồng rừng, nâng cao độ che phủ và diện tích rừng trên địa bàn toàn tỉnh để xây dựng một cao nguyên xanh, bền vững, đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên” - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu đề xuất giải quyết các nhóm kiến nghị thuộc thẩm quyền: tuyển dụng đủ số biên chế đã được giao cho lực lượng kiểm lâm; việc tinh giản biên chế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Nội vụ xem xét, cân nhắc việc tinh giản biên chế theo kiến nghị của lực lượng bảo vệ rừng; nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh về chế độ và trang bị cơ sở vật chất cho lực lượng bảo vệ rừng để giải quyết bất cập trong các quy định hiện hành.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên cũng nhấn mạnh việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng đối với hộ gia đình và cộng đồng dân cư sống gần rừng; trồng dược liệu dưới tán rừng. Cùng với đó, tập trung phát triển du lịch, phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng, giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế xanh. Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu.