Dưới làn áo mỏng này có một trái tim
Bài 3:
Lời hiệu triệu từ trái tim
Trong vai trò người đại biểu dân cử, những phát biểu của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều rất khúc chiết với những tư tưởng mang tầm định hướng ngắn gọn, giản dị và sâu sắc, thể hiện chiều sâu trí tuệ và sự chân thành. Một trong những thông điệp rõ nét và xuyên suốt, đó là các đại biểu dân cử - trung tâm mọi hoạt động, đổi mới của cơ quan dân cử phải thực sự dốc lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, “Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc” như Bác Hồ đã dạy. Đó chính là LỜI HIỆU TRIỆU TỪ TRÁI TIM.
“Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”
Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử ĐBQH Khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, ngày 11.2.2011, đối với công tác chuẩn bị nhân sự ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử đã khẳng định đây là khâu trung tâm, mấu chốt nhất của cuộc bầu cử. Đồng thời cho rằng, không nên quá chú trọng vào cơ cấu mà quên mất tiêu chuẩn. Cơ cấu phải trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn cơ bản theo quy định, tránh tình trạng khó bố trí thì đưa sang làm đại biểu HĐND, ĐBQH.
Theo luật, ĐBQH và đại biểu HĐND có vai trò rất quan trọng. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia, giám sát toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước ở tầng cao; là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp. Nếu không có những đại biểu tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ thì chất lượng không bảo đảm. HĐND muốn giám sát được các quyết định của UBND thì đại biểu phải có phẩm chất, gương mẫu, có trí tuệ. Ra diễn đàn Quốc hội và HĐND, thuyết phục nhau đâu phải bằng chức vụ mà phải bằng lý lẽ, trí tuệ, kinh nghiệm. Những người đã từng kinh qua công tác nhiều nơi, có đủ độ tuổi nhất định, đủ kinh nghiệm, uy tín thì thường hoạt động tốt ở các cơ quan dân cử…
____________________________________
Chiều 31.10.2024, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIV (Lớp thứ ba); trong đó, 1 trong 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là cán bộ.
Về phẩm chất, yêu cầu đối với cán bộ trong giai đoạn cách mạng mới, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Một là, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của Nhân dân lên trên hết, trước hết.
Hai là, có bản lĩnh, quyết tâm cao, sẵn sàng dấn thân, hy sinh lợi ích cá nhân. Dám đi đầu, đổi mới, loại bỏ cái cũ, cái lạc hậu; khơi thông điểm nghẽn, giải quyết vướng mắc, ách tắc trong thực tiễn, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; giải quyết những vấn đề sai sót, tồn đọng kéo dài hoặc đột phá đối với những vấn đề mới chưa có quy định hoặc quy định chồng chéo, thiếu thống nhất, khó thực hiện.
Ba là, có năng lực cụ thể, tổ chức thực hiện, đưa chủ trương chiến lược của Đảng vào thực tiễn từng bộ, ban, ngành, địa phương (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng chiến lược, cải cách triệt để thủ tục hành chính…).
____________________________________
Trả lời phỏng vấn Truyền hình Quốc hội Việt Nam, ngày 23.5.2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh mong muốn tất cả các vị ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thực hiện đúng trách nhiệm cao cả của mình theo Hiến pháp và pháp luật quy định. Nhất là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp… phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đại biểu được dân tín nhiệm bầu ra hôm nay, thay mặt cho Nhân dân tham gia quản lý đất nước, quản lý xã hội; “Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc” như Bác Hồ đã dạy.
Sức mạnh của lòng dân
Trong công việc cũng như những lúc tâm tình cùng đồng chí, anh em, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Thái Bảo thường tâm đắc với lời nói của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhắc nhở anh em phải tuyệt đối tránh: “Chân mình còn lấm bê bê; mà cầm bó đuốc đi rê chân người”. Bởi lẽ, mình là người đại diện cho Nhân dân đi giám sát việc thực thi pháp luật; để thực hiện tốt quyền ấy, mỗi cá nhân nên tự sửa mình trước đã; phải phát huy tinh thần nêu gương, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nghiêm túc tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình. Có thể ví giám sát như “ngọn đèn pha”, như hoa tiêu dẫn đường; “đèn pha” phải đủ năng lượng, “gương” phải trong thì mới chiếu sáng rõ đường đi. Hoạt động giám sát của cơ quan dân cử cũng vậy, nếu người đi giám sát thiếu chuẩn mực đạo đức, thiếu “mực thước” thì cũng như ngọn đèn pha bị mờ, bị hỏng vậy.
____________________________________
Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV (ngày 21.10.2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh việc đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của Quốc hội, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH, coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội… Quốc hội và các vị ĐBQH cần thống nhất cao và gương mẫu đi đầu, đóng góp tích cực, quan trọng trong xây dựng thể chế phát triển đất nước với tinh thần đổi mới, cải cách, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kiến nghị của cử tri và chịu sự giám sát của cử tri. Luôn khắc cốt ghi tâm và thực hiện cho bằng được căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đối với ĐBQH: “phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, phải luôn luôn ghi nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng”.
____________________________________
Còn nhớ, nhiệm kỳ trước đây (2016 - 2021), khi một đơn vị HĐND cấp huyện xin ý kiến hiệp y nhân sự mới cho một chức danh HĐND; thời điểm đó các quy định về điều kiện bầu, bổ nhiệm chưa hoàn thiện như hiện nay; nhân sự này cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng chuyển công tác đến HĐND vì bị… kỷ luật ở vị trí khác. Không thống nhất là câu trả lời của Đảng đoàn HĐND tỉnh Đồng Nai, cho dù tập thể Đảng đoàn biết câu trả lời đó không được đón chờ; bởi đã là đại biểu dân cử phải có tài đức, lãnh đạo của HĐND càng phải là người tài đức hơn nữa.
Ví dụ điển hình trên cho thấy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ dân cử có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình chuyển hóa các giá trị của nền dân chủ vào đời sống, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chế độ chính trị. Để hoàn thành sứ mệnh của mình, những cán bộ của dân, nhất là người đứng đầu phải luôn sâu sát dân, gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe và giải quyết kịp thời, đúng luật những bức xúc, kiến nghị, khiếu nại tố cáo của dân. Đặc biệt, thực sự tâm huyết, bản lĩnh, tham gia vào đời sống chính trị ở cấp độ cao nhất về trách nhiệm và sự liêm chính, không đứng ngoài cuộc đấu tranh chống tha hóa quyền lực, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Quyền lực nào cũng từ sức mạnh của lòng dân. Bởi thế, đại biểu phải gắn chặt địa bàn, là người lắng nghe để vận hành dân chủ; thấu hiểu “hơi thở” cuộc sống và hội nhập lập pháp quốc gia; phải có góc nhìn toàn diện để xây dựng chính sách hoàn chỉnh, tạo sức sống cho đạo luật cùng những văn bản dưới luật. Một đại biểu, nếu chỉ có nhiệt tình, ý chí thôi không đủ mà phải có kiến thức và bản lĩnh. Dù đã hoạt động chuyên nghiệp thì vẫn phải nhớ sự chuyên tâm. Ở nghị trường, nếu tranh luận thì phải giúp cho tâm mình càng sáng; còn nếu phản biện vẫn phải giữ lòng trong - Phó Chủ tịch Hội văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai, nhà văn Hoàng Ngọc Điệp bày tỏ.
Phát huy quyền lực thực chất, đột phá vì lợi ích chung
Đau đáu với công tác chuẩn bị và bố trí nhân sự cho HĐND nhiệm kỳ tới, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận Trần Minh Lực nhấn mạnh: các cấp ủy Đảng cần quan tâm lựa chọn những đại biểu có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn có năng lực và điều kiện thực sự tham gia, trên cơ sở bảo đảm cơ cấu, thành phần đại biểu hợp lý. Phát huy hơn nữa cơ cấu kết hợp tái cử để không lãng phí năng lực thể chế, vì đại biểu HĐND tái cử tích luỹ được kiến thức và kỹ năng làm nền tảng quan trọng cho nhiệm kỳ tiếp theo, nhất là những đại biểu biết kết hợp thực tiễn với tư duy khoa học, từng có đề xuất sáng kiến lập pháp, kiểm chứng, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách. Đặc biệt, việc bố trí đại biểu chuyên trách của HĐND cần xem xét, lựa chọn người có trình độ chuyên môn phù hợp với lĩnh vực phụ trách, có khả năng phân tích, dự báo, am hiểu pháp luật tổng quát và tinh thông, chuyên sâu ngành, lĩnh vực phụ trách để thực hiện tốt vai trò đại diện cho Nhân dân.
Nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh Đoàn Đình Anh trăn trở: các cấp ủy Đảng phải lãnh đạo tốt công tác lựa chọn nhân sự để giới thiệu bầu làm đại biểu HĐND các cấp, không quá nặng vào cơ cấu và độ tuổi mà lựa chọn được đại biểu có năng lực, trình độ, kỹ năng, bản lĩnh và tâm huyết với hoạt động HĐND. Đặc biệt, quan tâm bố trí đủ số lượng, bảo đảm chất lượng đội ngũ chuyên trách. Có thể mở rộng độ tuổi, thành phần để mời các chuyên gia đầu ngành, công dân ưu tú, có tiếng nói và uy tín tại cộng đồng vào cơ quan dân cử, đại diện cho tiếng nói của cử tri và Nhân dân.
Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bảo Lộc, Lâm Đồng Nguyễn Vân Hậu nhắc đến câu chuyện thực tế ở địa phương có quan niệm cho rằng, công tác cán bộ là công tác của Đảng, đã có quy trình chặt chẽ rồi nên công tác quy hoạch, chuẩn bị cho các chức danh chuyên trách của HĐND không quan trọng. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Đảng ta có vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhưng Đảng hoạt động tuân thủ theo pháp luật với nền tảng tư tưởng và nguyên tắc mọi quyền lực đều do Nhân dân ủy thác, “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, Đảng không có lợi ích gì khác”. Đảng chọn lọc, giới thiệu những đảng viên ưu tú ứng cử vào các chức danh nhà nước, đó là việc bất cứ một đảng chính trị cầm quyền nào trên thế giới cũng đều làm như vậy. Nhưng nhân dân mới là người quyết định cuối cùng, đó là cơ chế để phát huy tốt hơn các hình thức dân chủ trực tiếp của Nhân dân theo tinh thần Nghị quyết TW6 (Khóa XIII) của Đảng đã đề ra.
Và để HĐND các cấp đủ mạnh, phát huy quyền lực thực chất hơn nữa, các địa phương phải dám đột phá vì lợi ích chung; chủ động nghiên cứu, đề xuất với cấp ủy ban hành chủ trương để thực hiện. Như ở Đồng Nai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành “Đề án Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Đồng Nai đến năm 2031” với hai nội dung đáng quan tâm. Đó là: “Cơ cấu, giới thiệu bầu cấp ủy viên cùng cấp đối với Trưởng các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện để nâng cao vị thế, vai trò của HĐND trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”. Và “Trước khi đánh giá công vụ, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức và cá nhân các sở ngành, UBND các huyện và thành phố trực thuộc UBND tỉnh, UBND tỉnh gửi lấy ý kiến Thường trực HĐND tỉnh. Đối với cấp huyện và cấp xã vận dụng tương tự như cấp tỉnh”.