Đó là nhấn mạnh của Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bắc Giang Vũ Quốc Hoàn khi chia sẻ tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang với Thường trực HĐND các huyện, thành phố lần thứ 7 về giám sát chuyên đề việc chấp hành pháp luật trong thực hiện dự án đầu tư công, cũng là trả lời băn khoăn, vướng mắc của các quận, huyện trên địa bàn.
Thu thập thông tin bằng bảng hỏi
Trong xác định thành phần Đoàn giám sát, yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm có cán bộ chuyên môn liên quan đến nội dung giám sát tham gia. Thực tế, thành phần Đoàn giám sát cấp huyện rất khó khăn (không có chuyên môn sâu, do đó lấy người cơ quan quản lý nhà nước, của văn phòng) dẫn đến kết quả không như mục tiêu đề ra. Giải pháp khắc phục là huy động từ cơ quan thanh tra huyện, Ủy ban kiểm tra, cán bộ có chuyên môn đã nghỉ hưu (Thành lập Tổ nghiên cứu).
Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bắc Giang Vũ Quốc Hoàn nhấn mạnh: Để nhận xét, đánh giá và đưa ra kết luận đúng và xác đáng, thông tin đầy đủ đa dạng, khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời có vai trò quan trọng. Thu thập thông tin từ: các báo cáo; hồ sơ tài liệu liên quan; từ sách báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, internet và các phương tiện thông tin đại chúng khác; các báo cáo kiểm toán, thanh tra, kiểm tra đối với nội dung giám sát; thu thập thông tin bằng bảng hỏi: dùng một hệ thống câu hỏi được chuẩn bị sẵn theo những nội dung xác định để yêu cầu đối tượng giám sát trả lời bằng văn bản; thảo luận các thành viên Đoàn giám sát là quá trình thu thập thông tin và các ý tưởng cho hoạt động giám sát.
Trước khi giám sát, cần nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đối chiếu việc chấp hành về trình tự thủ tục; các văn bản pháp lý của một dự án; tính chính xác, đầy đủ các văn bản pháp lý; sử dụng vốn đầu tư công có đúng mục đích, đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; thời gian thẩm định, phê duyệt hồ sơ có đúng quy định không… Như: không có văn bản giao đơn vị lập chủ trương đầu tư; không có báo cáo tiền khả thi hoặc báo cáo khả thi; chưa có dự toán, thiết kế được duyệt; chưa có quyết định chỉ định thầu hoặc quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu của cơ quan có thẩm quyền đã ký hợp đồng thi công hoặc tiến hành thi công; chưa có giấy phép đổ thải vật liệu thi công dự án theo qui định bảo vệ môi trường.
Xác định những vấn đề cốt lõi cần tập trung nghiên cứu
Giám sát việc chấp hành trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, cần quan tâm: tính chính xác thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện dự án đầu tư công. Chấp hành pháp luật trong quản lý đầu tư, xây dựng như quyết định đầu tư vượt khả năng nguồn vốn thuộc ngân sách địa phương; huy động và bố trí kế hoạch vốn đầu tư công chưa đúng quy định; điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tăng cao so với phê duyệt ban đầu làm phá vỡ kế hoạch vốn, không có khả năng cân đối nguồn vốn. Sử dụng vốn đầu tư công có đúng mục đích, có đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật không? Thời gian thẩm định, phê duyệt hồ sơ có đúng quy định không? (đây cũng là một lỗi thường gặp, gây khó khăn cho chủ đầu tư và doanh nghiệp)...
Giám sát việc chấp hành trong quá trình tổ chức thực hiện đầu tư công, cần quan tâm việc chấp hành về trình tự đầu tư công và hiện tượng chồng lấn quy hoạch hoặc chồng lấn dự án, những thiếu sót trong các khâu khảo sát, lập quy hoạch, lập dự án, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán. Chấp hành trong tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, lập hồ sơ mời; việc thẩm định xét duyệt hồ sơ thiết kế. Việc công khai thực hiện kế hoạch đấu thầu; thực hiện kế hoạch đấu thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có đúng về thời gian, hình thức lựa chọn các gói thầu?…
Để giám sát đầu tư công hiệu quả, Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bắc Giang Vũ Quốc Hoàn chia sẻ: Cần thu thập đầy đủ tài liệu và sử dụng kết hợp các phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp giữa các nội dung, con số trong các tài liệu với nhau, với kết quả kiểm toán, báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra tài chính, thuế của các cơ quan có thẩm quyền, xác định những vấn đề quan trọng, cốt lõi cần tập trung nghiên cứu.
Để phát hiện vấn đề, quá trình nghiên cứu tài liệu, cần luôn đặt ra các câu hỏi và đối chiếu giữa thực tế với báo cáo. Theo đó, các yếu tố, vấn đề đối tượng chịu sự giám sát chưa nêu hoặc không muốn nêu trong tài liệu, báo cáo, ví dụ như trong báo cáo lập chủ trương đầu tư, báo cáo thẩm định không nêu: sự phù hợp với quy hoạch, khả năng cân đối nguồn vốn; tiến độ giải ngân vốn... Liên hệ với thực tế với nội dung cần giám sát để thấy được sự phù hợp, khả thi hay mâu thuẫn giữa thực tế và tài liệu, báo cáo của đối tượng giám sát cung cấp (Công tác lập, thẩm định, phê duyệt Thiết kế bản vẽ thi công - dự toán xây dựng công trình còn tính toán sai khối lượng, áp dụng sai đơn giá, định mức làm tăng giá trị…) - Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bắc Giang Vũ Quốc Hoàn lưu ý.