Cùng với những kết quả tích cực trên, tại buổi làm việc mới đây với Ban Dân tộc tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện chương trình bố trí ổn định dân cư, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Tuyên Quang đề nghị tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ Đề án sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai đặc biệt khó khăn, di cư tự do rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh.
Kịp thời di chuyển các hộ ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm
Tại buổi làm việc, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Tuyên Quang đã thông báo tình hình, kết quả giám sát chuyên đề về kết quả thực hiện Chương trình bố trí ổn định dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, khu rừng đặc dụng từ năm 2016 đến tháng 6.2024 trên địa bàn tỉnh tại 11 xã, phường, 4 huyện, thành phố (Khâu Tinh, Đà Vị, Sơn Phú, Thanh Tương, huyện Na Hang; Tri Phú, Kim Bình, huyện Chiêm Hóa; Yên Lâm, Yên Phú, huyện Hàm Yên; Phúc Ninh, Tiến Bộ, huyện Yên Sơn; Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang); giám sát qua báo cáo của huyện Lâm Bình, Sơn Dương.
Qua giám sát cho thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 và bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), giai đoạn từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ thực hiện bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, khu rừng đặc dụng được 885 hộ. Trong đó, di dân theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21.11.2012 của Thủ tướng Chính phủ: 876 hộ (Tập trung 288 hộ, xen ghép 500 hộ, ổn định tại chỗ 88 hộ); di dân theo Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18.5.2022 của Thủ tướng Chính phủ: 9 hộ xen ghép.
Từ Chương trình bố trí sắp xếp ổn định dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm theo hình thức tập trung, xen ghép và ổn định tại chỗ là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước, tỉnh Tuyên Quang đã kịp thời di chuyển các hộ ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, giúp người dân ổn định đời sống cũng như sản xuất, các hộ di chuyển đến nơi ở mới đã xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống, các nhu cầu về sinh hoạt ăn, ở, đi lại, học tập, chăm sóc sức khỏe, văn hóa tại nơi ở mới đều được đáp ứng; việc hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các hộ cũng góp phần giúp các hộ giảm bớt khó khăn khi di chuyển đến nơi ở mới (đối với các hộ di chuyển xen ghép), khắc phục thiên tai, nâng cấp nhà cửa (đối với các hộ ổn định tại chỗ).
Cùng với đó, việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ di chuyển đến nơi ở mới thực hiện theo hình thức xen ghép trong địa bàn nội xã, nội thôn nên về cơ bản các hộ di chuyển không có sự xáo trộn về đời sống cũng như về điều kiện sản xuất. Qua đó, giúp ổn định dân cư từ các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, khu rừng phòng hộ, khu rừng đặc dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ Đề án sắp xếp ổn định dân cư
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức thực hiện cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế, vướng mắc như: một số địa phương còn lúng túng trong lập phương án, xác định nội dung hỗ trợ dẫn đến chậm giải ngân nguồn vốn được giao; việc bố trí quỹ đất sắp xếp dân cư phải phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, do không còn sẵn quỹ đất nên phải rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch; các hộ thuộc diện bố trí sắp xếp ổn định dân cư đa số là hộ thuộc vùng khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo; một số dự án di dân tập trung triển khai chậm và kéo dài.
Tại buổi giám sát, đại diện lãnh đạo và chuyên viên liên quan của Ban Dân tộc tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giải trình, làm rõ các nội dung Đoàn giám sát quan tâm. Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Hà Quang Giai ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Ban Dân tộc tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tham mưu triển khai thực hiện. Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ Đề án sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai đặc biệt khó khăn, di cư tự do rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.