"Điểm nghẽn" hạ tầng giao thông
Báo cáo tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tháng 10.2024 về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch cho thấy, với tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đặc sắc và hấp dẫn, tỉnh Cao Bằng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, chủ lực là Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng. Hiện thực hóa mục tiêu và khát vọng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Cao Bằng đặc biệt quan tâm, chú trọng phát triển ngành du lịch. Tuy nhiên, ngành du lịch tỉnh phát triển chưa bền vững, hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu và thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông đã và đang là "điểm nghẽn" lớn.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sầm Việt An cho biết: Cao Bằng không có đường thủy, đường sắt, sân bay và chưa có đường cao tốc, chỉ có duy nhất đường bộ được thiết kế với trọng tải và lưu lượng xe còn hạn chế. Vì vậy, khách du lịch khó tiếp cận các điểm đến, mất nhiều thời gian di chuyển ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư và thu hút khách du lịch. Cùng với đó, cơ chế chính sách của tỉnh chưa thực sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư chiến lược; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch thiếu chiến lược lâu dài và hiệu quả...
Theo Chủ tịch HĐND thành phố Cao Bằng Nguyễn Ngọc Hà: chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh còn thấp; nhân lực ở các khách sạn, nhà hàng và các cơ sở lưu trú vẫn đang trong tình trạng thiếu lao động lành nghề, phổ biến nhất là các cơ sở lưu trú, nhà hàng nhỏ, lao động không đúng chuyên ngành, phần đông là lao động phổ thông và qua truyền nghề, huấn luyện tại chỗ; trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là ngoại ngữ chuyên ngành rất yếu; kỹ năng thuyết trình, dẫn chương trình còn yếu; thiếu kỹ năng tổ chức sự kiện, nhất là kỹ năng hoạt náo viên...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Thạch cho biết: Cao Bằng chưa có quy hoạch tốt để phát huy thế mạnh, quảng bá và giới thiệu sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng vào lĩnh vực này; chưa tranh thủ được nguồn lực của Trung ương để đầu tư, phát triển hạ tầng, làm "đòn bẩy" phát triển du lịch.
Tạo sức bật cho ngành du lịch
Để du lịch tỉnh phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu lưu ý việc chú trọng đào tạo kỹ năng quản trị doanh nghiệp, ngoại ngữ, nghiệp vụ cho các cán bộ cơ sở, các doanh nghiệp và thái độ, kỹ năng của nhân viên ngành du lịch; tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng, nhất là tại các khu, điểm du lịch về văn hóa giao tiếp, ứng xử văn minh và ý thức gìn giữ môi trường, cảnh quan...
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nông Thanh Tùng đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương tổng hợp kiến nghị, đề xuất của các huyện, thành phố, tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 78/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành quy định về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025 để công tác triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về lĩnh vực du lịch đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, đơn vị liên quan mở rộng liên kết, nâng cao chất lượng tuyến du lịch; phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, các sản phẩm du lịch mới; chú trọng phát triển sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái; tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành trong quảng bá, xúc tiến du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, hướng dẫn viên. Các huyện, thành phố căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện bảo đảm phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; tăng cường tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người dân tiếp cận và phát triển du lịch cộng đồng; chú trọng công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn...
Đặc biệt, cần phát huy tốt vai trò danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng trong thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải phát triển dựa trên nền tảng bảo tồn và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, di sản địa phương; bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống, lịch sử, danh lam thắng cảnh để khai thác du lịch bền vững.