Câu chuyện của Huawei
Tháng 10.2021, tờ The Economist từng đưa ra lời khuyên trong bài báo của mình rằng, gã khổng lồ công nghệ Huawei nên giải thể để các kỹ sư tài năng của họ có thể rời đi và trở thành thế hệ doanh nhân công nghệ cao tiếp theo. Tại thời điểm đó, lời khuyên có vẻ hợp lý. Khi ấy, hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng viễn thông và điện thoại thông minh 5G của Huawei đang quay cuồng trước hàng loạt đòn giáng từ các cơ quan tư pháp và quản lý của Mỹ. Bị đóng cửa khỏi các thị trường phương Tây và đối mặt với sự hoài nghi từ người tiêu dùng nhiều nơi, triển vọng của Huawei có vẻ ảm đạm. Tương lai của công ty dường như không chắc chắn, và đối với các nhân viên, việc ở lại với con tàu tưởng chừng như đang chìm giống như bản án tử hình cho sự nghiệp của họ.
Tuy nhiên, chuyển nhanh đến năm 2024, Huawei đã có sự phục hồi đáng chú ý với nhiều đột phá quan trọng nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, vốn không thể tiếp cận được do các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu và các hạn chế khác. Vào tháng 9.2023, Huawei ra mắt điện thoại thông minh Mate 60, được trang bị chip Kiri 9000S, do Tập đoàn Quốc tế sản xuất chất bán dẫn (SMIC) của Trung Quốc sản xuất, cũng đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Đến tháng 1.2024, Huawei giới thiệu HarmonyOS NEXT, hệ điều hành điện thoại thông minh mới hoàn toàn độc lập với Android. Tháng 4, Huawei bắt đầu xây dựng một trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) mới để phát triển các công cụ sản xuất chip, với mục tiêu bắt kịp và vượt qua năng lực công nghệ gần như độc quyền của nhà sản xuất máy chip cao cấp ASML của Hà Lan.
Bất chấp những thành tựu này, tình hình tài chính của Huawei vẫn bị ảnh hưởng. Sau khi doanh thu đạt đỉnh 891 tỷ nhân dân tệ (123 tỷ USD) vào năm 2020, các lệnh trừng phạt đã khiến doanh thu sụt giảm xuống còn 636 tỷ nhân dân tệ (87,5 tỷ USD) vào năm sau, mà không có con đường rõ ràng nào để khôi phục doanh thu đã mất ở các thị trường phương Tây.
Vậy, tại sao Huawei tiếp tục đầu tư mạnh vào R&D trong bối cảnh biến động thương mại và triển vọng cạnh tranh dường như rất mong manh với các công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ, vốn có doanh thu và giá trị thị trường lớn gấp nhiều lần?
Câu trả lời không chỉ nằm ở sự nhạy bén về công nghệ và kinh doanh của Huawei, mà còn ở sự trung thành mà hãng nhận được từ người tiêu dùng Trung Quốc, cũng như sự giúp đỡ của Chính phủ. Năm ngoái, Huawei nhận được 30 tỷ USD hỗ trợ từ chính quyền, giúp giữ chân đội ngũ nhân tài, với số lượng nhân viên vượt 200.000 vào năm 2023, 55% trong số đó làm việc trong lĩnh vực R&D.
Điều quan trọng nhất là người tiêu dùng Trung Quốc vẫn không ngừng mua các sản phẩm mà Huawei tiếp tục sản xuất bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Đáng chú ý, Mate 60 đã bán chạy hơn iPhone của Apple, giúp doanh số bán điện thoại thông minh của Huawei tăng 37% trong khi doanh số của Apple giảm hai con số. Số lượng mua Mate Pro của người tiêu dùng Trung Quốc cũng tăng mạnh, mặc dù về mặt kỹ thuật Kirin 9000S bị coi là con chip kém hơn về mặt kỹ thuật so với các chip trước lệnh trừng phạt của Huawei được sản xuất ở nước ngoài và so với các chip tiên tiến nhất được sử dụng trong iPhone. Sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng này, được thúc đẩy bởi lòng yêu nước, đang giúp nhiều công ty Trung Quốc, không chỉ Huawei, vượt qua các thách thức thương mại và quy định ở nước ngoài.
Tác động ngành rộng hơn
Khi ngày càng nhiều sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, từ xe điện đến tấm pin mặt trời, phải đối mặt với thuế quan và hàng rào phi thuế quan ở thị trường Mỹ và châu Âu, các công ty này sẽ ngày càng dựa vào lòng trung thành của người tiêu dùng trong nước để duy trì hoạt động.
Cho đến nay, sự phụ thuộc đó đang được đền đáp trên một số lĩnh vực. Trong số 5 thương hiệu hàng đầu chiếm 81% thị trường điện thoại thông minh ở đất nước gấu trúc, Apple là thương hiệu duy nhất không phải của Trung Quốc. Mặc dù vậy, thị phần của Apple đã giảm từ 23% xuống 16% trong 2 năm qua. Trong khi đó, BYD trở thành thương hiệu ô tô phổ biến nhất ở Trung Quốc vào năm ngoái, với tỷ lệ tăng trưởng 43% so với cùng kỳ năm trước. Điều này hoàn toàn trái ngược với sự suy giảm hai con số của nhiều thương hiệu ô tô quốc tế.
Ngay cả trong ngành mỹ phẩm, các thương hiệu Trung Quốc lần đầu tiên chiếm được hơn một nửa thị trường vào năm 2023, tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm trước. Nếu các công ty nội địa có thể tiếp tục thu hút khách hàng trong nước khỏi các đối thủ nước ngoài trên thị trường rộng lớn của Trung Quốc, họ sẽ có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm tới.
Nói chung, nhãn hiệu “Made in China” đang tạo được tiếng vang sâu sắc hơn bao giờ hết đối với người tiêu dùng Trung Quốc, hỗ trợ các công ty địa phương trước những thách thức quốc tế. Xu hướng đó sẽ tiếp tục, có khả năng định hình lại thị trường toàn cầu và động lực của thương mại quốc tế.