Mục tiêu bao phủ vaccine
Biến thể Delta xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ và cho đến nay đã có mặt ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vaccine đạt hiệu quả cao với biến thể Delta, ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong ở những người đã tiêm chủng đầy đủ. Vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào vaccine phòng Covid-19 và xem đây là phương thuốc an toàn trong phòng chống dịch bệnh.
Anh là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm Covid-19 bình quân đầu người cao nhất thế giới, song số ca nhập viện và số ca tử vong do Covid-19 tại quốc gia này đang chỉ dao động khoảng 140 người/ngày, con số này đã thấp hơn nhiều so với các đợt dịch trước đó. Trong số các ca mắc biến thể Delta ở Anh, tỷ lệ nhập viện ở những người đã được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech thấp hơn 96% so với những người chưa tiêm chủng. Điều này có nghĩa là trong khi các biến thể tiếp tục xuất hiện, những loại vaccine hiện có, với các mũi tiêm nhắc lại đã cải tiến, có thể tiếp tục bảo vệ người tiêm chủng khỏi mắc bệnh nặng và tử vong trong vài năm tới. Theo Thủ tướng Boris Johnson, chiến dịch tiêm chủng đã giúp cho Anh trở thành một trong những quốc gia tự do nhất tại thời điểm dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, đồng thời có một nền kinh tế mở nhất châu Âu.
Đan Mạch - quốc gia đã dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế phòng dịch, đã đạt được mức độ bao phủ tiêm vaccine mũi 1 lên tới 86% công dân từ 12 tuổi trở lên và 95% dân số từ 50 tuổi trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ. Tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 mới mỗi tuần tại Đan Mạch tăng gấp 5 lần so với mức thấp nhất vào cuối tháng 6. Mặc dù số ca mắc bệnh vẫn ở mức cao, Đan Mạch chỉ ghi nhận hơn 10 ca tử vong do Covid-19 mỗi tuần, giảm so với hơn 200 ca tử vong mỗi tuần trong khoảng thời gian tồi tệ nhất của đại dịch hồi tháng 1. Trong một bản tin cập nhật tình hình Covid-19 vào tháng 8, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã tuyên bố vaccine là “siêu vũ khí đánh bại tất cả”.
Tình hình tiêm chủng ở Israel cũng cung cấp những dấu hiệu tích cực về một tương lai chung sống an toàn với Covid-19. Mở cửa kinh tế, nhưng số ca bệnh nặng ở Israel vẫn dưới ngưỡng 1.100 ca/ngày từng được ghi nhận vào thời kỳ đỉnh dịch hồi đầu năm nay. Trong làn sóng lây nhiễm mới nhất, số ca tử vong cũng ở mức thấp, dao động từ 20 - 30 ca/ngày, chưa bằng một nửa so với hồi tháng 1.2021. Điều này được cho là nhờ tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cao.
Singapore cũng là một trong những nước hướng tới mục tiêu chung sống với dịch bệnh sau khi phủ sóng vaccine. Tính đến đầu tháng 9, 80% dân số Singapore đã hoàn thành tiêm chủng 2 mũi vaccine Covid-19 và khoảng 83% đã được tiêm ít nhất 1 mũi.
Để có thể đạt được kết quả trên, Singapore đã điều chỉnh cách tiếp cận sao cho phù hợp tình hình thực tế từng giai đoạn, trong đó thay đổi đáng kể nhất là công nhận vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt nhưng chưa thuộc chương trình tiêm chủng quốc gia của nước này như AstraZeneca hoặc Johnson & Johnson. Trước đó, công dân trên đảo quốc sư tử chỉ được công nhận là tiêm phòng đầy đủ sau khi tiêm 2 mũi vaccine của Pfizer hoặc Moderna.
Thay đổi cách tiếp cận trong điều trị
Với hiệu quả đáng kể từ vaccine, trong đó giúp làm giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng và tỷ lệ tử vong, các quốc gia cũng dần điều chỉnh chiến lược điều trị, từ chỗ điều trị dàn trải cho tất cả các ca bệnh chuyển sang phân loại dựa trên mức độ, chẳng hạn như phân loại bệnh nhân mắc bệnh nặng và cần được chăm sóc đặc biệt, giống như cách theo dõi bệnh cúm; còn những người mắc Covid-19 thông thường sẽ được phép tự cách ly và điều trị tại nhà, để giảm tải cho hệ thống y tế.
Trong trường hợp xóa cách ly và điều trị tại bệnh viện, những ca bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng cần nâng cao ý thức tự cách ly tại nhà để không lây lan cho người khác. Cùng với đó, chính quyền cũng cần có sự quan tâm thích đáng trong việc cung cấp thuốc điều trị, và có biện pháp để theo dõi kết quả điều trị của những đối tượng này.
Mở cửa từng bước bằng giấy thông hành y tế và hộ chiếu vaccine
Cùng với tiến trình phủ sóng vaccine, việc áp dụng hộ chiếu vaccine hay giấy thông hành y tế sẽ là biện pháp quan trọng để từng bước xóa bỏ giãn cách và các biện pháp phong tỏa để đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Từ 15.10, Italy sẽ là nước đầu tiên trong EU áp dụng rộng rãi thẻ xanh (một loại giấy thông hành y tế). Theo đó, người làm việc trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp tư nhân đều phải có thẻ xanh mới có thể đi làm. Thẻ xanh này là chứng nhận đã tiêm vaccine ít nhất 1 mũi hoặc đã khỏi bệnh hoặc có xét nghiệm âm tính. Ai không có thẻ xanh mà vẫn đi làm sẽ bị phạt từ 40 - 1.000 euro.
Thực ra trong thời gian qua đã có sự vận dụng thẻ xanh ở mức độ khác nhau trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở Italy. Ví dụ, từ tháng 5, nước này đã áp dụng nghĩa vụ phải tiêm chủng cho người làm việc trong ngành y tế. Ai chưa tiêm sẽ phải chuyển sang làm việc khác không tiếp xúc với bệnh nhân hoặc tạm dừng làm việc không lương do không bố trí được việc làm thích hợp.
Từ đầu tháng 8, thẻ xanh cũng được sử dụng để vào bảo tàng, cơ sở thẩm mỹ, nhà hàng và từ đầu tháng 9 để đi tàu hỏa, tàu thủy, xe khách đường dài. Bắt đầu từ năm học mới, để đưa học sinh trở lại trường học, Italy cũng áp dụng thẻ xanh cho đội ngũ giáo viên, nhân viên phục vụ và học sinh, sinh viên.
Cũng là một kiểu thẻ xanh nhưng ở nước Đức được gọi là quy tắc 3G, là viết tắt của 3 chữ Geimpfte (người đã tiêm chủng), Genesene (người đã khỏi bệnh) và negativ Getestete (người đã xét nghiệm có kết quả âm tính).
Theo quyết định của Chính phủ Liên bang sau khi thống nhất với các bang, từ ngày 23.8 áp dụng trên toàn nước Đức quy tắc 3G cho tiếp cận bệnh viện, nhà dưỡng lão, thẩm mỹ viện, cơ sở hỗ trợ người tàn tật, hiệu cắt tóc, khách sạn, nhà hàng và các cuộc tụ tập đông người như hội họp, thể thao trong nhà như bể bơi, phòng tập gym... Căn cứ vào quy tắc 3G, từng bang tự quyết định mức độ cụ thể của các biện pháp phòng chống dịch.
Việc áp dụng thẻ xanh như ở Italy hay hộ chiếu vaccine ở nhiều nước khác là một cách để từng bước kích hoạt trở lại các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó đặc biệt hữu hiệu là dịch vụ và du lịch. Với những chứng nhận này, cửa hàng, quán ăn, các trung tâm mua sắm đã có thể mở cửa trở lại phục vụ những đối tượng "an toàn"; du lịch cũng có thể hoạt động trở lại.