Xác định mục tiêu chính sách qua "lăng kính" giới tính
Đáp ứng giới trong Kế hoạch Phục hồi kinh tế hậu đại dịch của Hawaii
- Kêu gọi sử dụng dữ liệu phân loại trên cơ sở giới tính, chủng tộc, dân tộc, tính đồng nhất, vùng miền, dữ liệu xã hội liên quan đến các trường hợp mắc Covid-19 và tác động kinh tế của đại dịch đến từng nhóm đối tượng trên.
- Khuyến nghị không áp đặt các biện pháp thắt lưng buộc bụng vì sẽ ảnh hưởng đầu tiên đến phụ nữ; thay vào đó, kêu gọi chính quyền tăng ngân sách thông qua chương trình cho vay của Cục Dự trữ.
- Chuyển đổi ngành trọng điểm từ du lịch (lĩnh vực chủ yếu sử dụng lao động nữ với mức lương thấp và hiện khá bấp bênh trong đại dịch) sang lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng bền vững.
- Thúc đẩy đầu tư vào các cơ sở hạ tầng xã hội như giáo dục và chăm sóc trẻ em…
- Thúc đẩy tính độc lập tài chính của phụ nữ bằng cách tăng lương tối thiểu, cải thiện chính sách nghỉ việc có lương và cơ cấu lại hệ thống thuế luỹ thoái.
- Đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới trước mắt và trong quá trình phục hồi lâu dài.
Để có thể xác định được mục tiêu chính sách về giới, cơ quan hoạch định chính sách cần đánh giá vấn đề giải quyết thông qua “lăng kính" giới tính. Quá trình này đòi hỏi cơ quan hoạch định chính sách đặt ra những câu hỏi phù hợp và thu thập các dữ liệu định lượng và định tính cần thiết để xác định các lĩnh vực cần được chú ý ở cấp quốc gia và địa phương.
Về dữ liệu định lượng, chẳng hạn tỷ lệ thất nghiệp trong từng lĩnh vực được phân loại theo giới tính? Phụ nữ hay nam giới là đối tượng chịu trách nhiệm chăm sóc con cái khi trường học đóng cửa? Tỷ lệ bạo lực gia đình gia tăng như thế nào trong thời gian giãn cách xã hội và đóng cửa nền kinh tế? Nam và nữ có quyền tiếp cận tài chính bình đẳng hay không? Tỷ lệ nữ giới (so với nam giới) đã hoàn thành giáo dục tiểu học, trung học và đại học?
Ví dụ, nếu không tính đến yếu tố giới, các gói khôi phục việc làm có thể vô tình làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới. Dữ liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Vương quốc Anh về tỷ lệ thất nghiệp tính đến tháng 12.2020 cho thấy có 74.000 người thất nghiệp trong lĩnh vực xây dựng từ tháng 8 - 10. Nhưng khi được nhìn qua "lăng kính" giới tính thì số lao động là nam giới thất nghiệp chiếm tới 86% (64.000 người) trong khi nữ giới chỉ 14% (10.000 người). Nếu dựa trên dữ liệu này, các gói hỗ trợ việc làm trong lĩnh vực xây dựng sẽ phải tập trung hơn cho nam giới so với nữ giới.
Để quá trình này hiệu quả, GRB còn cần phân tích các dữ liệu định tính, trên cơ sở sự tham gia của nhiều đối tượng: Những công dân bình thường - những người cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách và ngân sách do Chính phủ thiết kế; các tổ chức xã hội dân sự; các nhà nghiên cứu; các nhóm cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ… Họ là những đối tượng mà chính phủ có thể thu thập thông tin, dữ liệu để từ đó có được cái nhìn tổng thể hơn về một vấn đề.
Chẳng hạn khi thiết kế các chính sách về chăm sóc trẻ em, dữ liệu định lượng có thể giúp đưa ra con số chi tiêu ngân sách dựa trên số người bị ảnh hưởng bởi các thay đổi chính sách và số lượng nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ được cấp phép. Tuy nhiên, các dữ liệu định lượng này không cho chúng ta biết: Nhóm đối tượng trong gia đình chịu trách nhiệm chăm sóc trẻ; cách làm việc của cha mẹ trong giai đoạn đóng cửa kinh tế; các mạng lưới hỗ trợ gia đình...
Việc kết hợp dữ liệu định lượng với các khía cạnh định tính trong quá trình hoạch định chính sách sẽ giúp bảo đảm các chính sách được thiết kế luôn tính đến đối tượng chịu tác động để từ đó đạt được kết quả mong muốn. Việc thu thập dữ liệu định tính cũng giúp đưa các cộng đồng bị thiệt thòi vào quá trình chính sách để bảo đảm các nhu cầu của họ được xem xét.
Thiết kế dự toán ngân sách trên cơ sở các mục tiêu về giới
Bất chấp những áp lực phải nhanh chóng có các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch, quá trình triển khai ngân sách đáp ứng về giới vẫn không thể bỏ những bước cơ bản sau đây:
Đánh giá tác động bình đẳng (EIA)
EIA là quá trình được thiết kế để bảo đảm rằng một chính sách, dự án hoặc kế hoạch ngân sách không phân biệt đối xử đối với bất kỳ đối tượng nào được bảo vệ. Chẳng hạn, Đạo luật Bình đẳng năm 2010 của Vương quốc Anh xác định 9 phạm vi đối tượng được bảo vệ: Giới tính, tôn giáo - tín ngưỡng, người khuyết tật, xu hướng tính dục, người chuyển giới, tuổi tác, hôn nhân hoặc quan hệ dân sự, mang thai và thai sản. Đánh giá này nên xây dựng dựa trên dữ liệu được thu thập ở giai đoạn 1 để cung cấp thông tin cho các cuộc thảo luận về chính sách và ngân sách được đề xuất nhằm bảo đảm chúng sẽ đáp ứng các mục tiêu đã định. Trong một số trường hợp, việc đánh giá tác động là một yêu cầu pháp lý và phải được tiến hành bất chấp áp lực về thời gian đặt ra do nhu cầu phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Giám sát của cơ quan lập pháp
Sau khi chính sách hoặc dự toán ngân sách đã được thiết kế, chúng cần được Nghị viện và các ủy ban liên quan xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm rằng đạt được các kết quả dự kiến. Fiji đã đưa bước này trở thành yêu cầu của sự giám sát lập pháp và đưa ra hướng dẫn về cách thực hiện tốt.
Vận dụng các phương pháp lập dự toán ngân sách
Một số phương pháp lập tự toán ngân sách được đánh giá là phù hợp đối với GRB, chẳng hạn, phương pháp lập ngân sách dựa trên kết quả hoạt động (Performance-based budgeting - PBB). Đây là mô hình soạn lập dự toán dựa vào cơ sở tiếp cận những thông tin về kết quả hoạt động để phân bổ và đánh giá sử dụng nguồn lực tài chính nhằm đạt được những mục tiêu chiến lược phát triển của Chính phủ nói chung và đơn vị nói riêng. Cách tiếp cận này cho phép chúng ta trả lời câu hỏi liệu bình đẳng giới có được cải thiện nhờ ngân sách này không? ngay cả khi GRB không được thực hiện trước đại dịch.
Lập ngân sách từ con số không (tiếng Anh: Zero-Based Budgeting, viết tắt: ZBB) là một phương pháp lập ngân sách trong đó tất cả các chi phí phải được chứng minh khi bắt đầu mỗi một giai đoạn) cũng có thể hiệu quả vì nó được sử dụng để thực hiện thay đổi căn bản - do đó, nó có thể được sử dụng cho các gói khôi phục Covid-19 ngay cả khi GRB không được triển khai trước đại dịch.
Ngoài ra, ngân sách trung hạn cũng có thể thực tế hơn ngân sách ngắn hạn để đạt được các mục tiêu liên quan đến giảm bất bình đẳng.
Đánh giá và kiểm toán để bảo đảm đạt mục tiêu
Đánh giá và kiểm toán là khâu quan trọng của bất kỳ chu trình ngân sách nào để xác định xem liệu các mục tiêu dự kiến có đạt được hay không. Nguyên tắc 3E thường được sử dụng để đánh giá các chu trình chính sách nói chung, bao gồm: Economy (tính kinh tế), Efficiency (tính khả thi) và Effectiveness (tính hiệu quả). Nhưng riêng đối với các chính sách đáp ứng về giới nói riêng, còn có một chữ E thứ tư là Equity (tính công bằng). Quá trình đánh giá và kiểm toán phải trả lời được các câu hỏi: Các nguồn lực có được phân bổ một cách hợp lý và công bằng hay không? Các chính sách đã có tác động gì đến khoảng cách bình đẳng giới vốn được xác định ở giai đoạn mục tiêu? Đánh giá tác động bình đẳng ban đầu có chính xác hay không?
Hội đồng châu Âu khuyến nghị, các chuyên gia tài chính nên lập một báo cáo về những đối tượng được thụ hưởng ngân sách, sự thay đổi đối với họ trước và sau khi thụ hưởng chính sách về giới.