Dự luật Thị trường kỹ thuật số được coi là chính sách kỹ thuật số chặt chẽ nhất kể từ khi khối liên minh lá cờ xanh đưa ra các quy tắc cứng rắn bậc nhất thế giới để bảo vệ dữ liệu trực tuyến của người dân EU, vốn có hiệu lực vào năm 2018. Dự luật mới nhằm ngăn chặn các nền tảng công nghệ lớn nhất sử dụng các dịch vụ liên kết và các nguồn lực đáng kể của họ để thu hút người dùng và loại bỏ các đối thủ mới nổi, đồng thời tạo chỗ cho những người mới tham gia, cũng như thúc đẩy cạnh tranh nhiều hơn.
Nói cách khác, theo các quan chức EU, các quy tắc mới mang tính bước ngoặt nhằm ngăn chặn hành vi lạm dụng chống cạnh tranh của các nền tảng công nghệ lớn nhất thế giới, và thiết lập tiêu chuẩn giúp cân bằng sân chơi trên các thị trường kỹ thuật số toàn cầu.
Hãng tin Reuters cho biết, dự luật đặt ra các quy tắc cho những công ty kiểm soát dữ liệu người dùng và quyền truy cập các nền tảng phổ biến, như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, hệ điều hành, dịch vụ quảng cáo trực tuyến, điện toán đám mây, dịch vụ chia sẻ video, trình duyệt web và trợ lý ảo. Theo dự luật, các công ty công nghệ lớn sẽ phải điều chỉnh dịch vụ nhắn tin để chúng có thể tương tác với các dịch vụ hoặc ứng dụng khác, đồng thời cung cấp cho người dùng doanh nghiệp quyền truy cập dữ liệu của mình. Người dùng doanh nghiệp có thể quảng cáo các sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh trên một nền tảng, đồng thời đạt thỏa thuận với khách hàng bên ngoài nền tảng đó.
Điều đó có nghĩa là các công ty như Google sẽ không còn có thể thu thập dữ liệu từ các dịch vụ khác nhau để cung cấp quảng cáo được nhắm mục tiêu mà không có sự đồng ý của người dùng và Apple có thể phải cho phép các lựa chọn thay thế cho App Store của mình trên iPhone và iPad. Những quy định mới sẽ được áp dụng đối với công ty có giá trị vốn hóa thị trường 75 tỷ euro (khoảng 82,5 tỷ USD), doanh thu hằng năm 7,5 tỷ euro và ít nhất 45 triệu người dùng mỗi tháng. Công ty vi phạm sẽ đối mặt khoản phạt lên tới 10% doanh thu toàn cầu mỗi năm và 20% nếu tái phạm, nghĩa là số tiền phạt có thể lên tới hàng chục tỷ USD. Chưa kể trong trường hợp có những vi phạm nghiêm trọng, lặp lại nhiều lần và đe dọa sự an toàn của công dân EU, họ cũng có thể bị cấm hoạt động tại khối này.
Dự luật Thị trường kỹ thuật số là một trong hai biện pháp cứng rắn có một không hai của các cơ quan quản lý châu Âu. Trong tháng 4 này, EU dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận về dự luật buộc các công ty truyền thông xã hội như Meta, chủ sở hữu của Facebook và Instagram, phải kiểm soát nền tảng của mình mạnh mẽ hơn.
Với những hành động trên, châu Âu đang củng cố vai trò lãnh đạo của mình với tư cách là cơ quan quản lý quyết đoán nhất đối với các công ty công nghệ như Apple, Google, Amazon, Meta, Microsoft và các nền tảng nhỏ hơn, thậm chí có thể bao gồm cả nền tảng đặt chỗ ở Booking.com của Hà Lan hay ông lớn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba… Các tiêu chuẩn châu Âu thường được áp dụng trên toàn thế giới, và việc xây dựng những luật mới nhất này càng nâng cao giám sát chặt hơn các công ty công nghệ lớn, giống như với các ngành chăm sóc sức khỏe, giao thông vận tải và ngân hàng.
Theo ông Thierry Breton, một trong những quan chức kỹ thuật số hàng đầu của Ủy ban châu Âu, EU muốn tạo ra khuôn khổ mới trong việc quản lý các công ty công nghệ lớn và trở thành tài liệu tham khảo cho các nước khác trên thế giới. Giới quan sát cũng nhận định, các quy tắc mới của châu Âu có thể được xem như là “bản xem trước” về những gì sẽ xảy ra ở những nơi khác trên toàn cầu. Thực tế, Luật về quyền riêng tư trực tuyến của EU, hay còn gọi là Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR), hạn chế việc thu thập và chia sẻ dữ liệu cá nhân trực tuyến, đã trở thành hình mẫu ở nhiều quốc gia, từ Nhật Bản đến Brazil.
Được biết, dự luật Thị trường kỹ thuật số được đàm phán trong khoảng 16 tháng, lần đầu tiên được Ủy ban châu Âu đưa ra vào năm 2020 để điều chỉnh “các thị trường có tính cạnh tranh và công bằng” trong lĩnh vực kỹ thuật số. Thỏa thuận đạt được hôm 24.3 sẽ tạo tiền đề cho cuộc bỏ phiếu cuối cùng trong Nghị viện châu Âu và giữa các đại diện từ 27 quốc gia trong liên minh. Dự kiến, nó sẽ được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1.1.2023.