Đan Mạch: Dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế
Tiến trình mở cửa trở lại nền kinh tế để chuẩn bị cho việc chung sống với dịch bệnh ở các nước có độ bao phủ vaccine cao cũng không hoàn toàn giống nhau. Chẳng hạn Đan Mạch là quốc gia khá táo bạo khi quyết định dỡ bỏ hoàn toàn mọi biện pháp phong tỏa bắt đầu từ 10.9.
Tuy nhiên, quy định đeo khẩu trang vẫn còn mang tính bắt buộc tại các sân bay và người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang khi đến trung tâm xét nghiệm hoặc bệnh viện. Giãn cách xã hội vẫn được khuyến nghị và những hạn chế nghiêm ngặt khi nhập cảnh vẫn được áp dụng đối với những người không phải là công dân Đan Mạch tại các khu vực biên giới.
Singapore: Điều chỉnh linh hoạt theo thực tế
Singapore đã lên lộ trình hướng tới sống chung với Covid-19, gồm 4 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn chuyển tiếp A, giai đoạn chuyển tiếp B, và chung sống hoàn toàn. Giai đoạn chuẩn bị của Singapore được bắt đầu từ ngày 10.8 và ban đầu dự kiến kéo dài đến đầu tháng 9. Trong giai đoạn này, các hạn chế đi lại sẽ được nới lỏng, bao gồm cả việc tiếp tục cho phép nhập cảnh đối với người lao động và những người phụ thuộc tiêm đủ 2 mũi vaccine. Singapore cũng thay đổi quy trình chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn này, bao gồm cả việc tiếp nhận nhiều bệnh nhân Covid-19 vào các cơ sở chăm sóc cộng đồng.
Giai đoạn chuyển tiếp A dự kiến bắt đầu vào tháng 9 - thời điểm khoảng 80% dân số Singapore dự kiến được tiêm chủng đầy đủ. Khi đó, Singapore sẽ mở cửa kinh tế nhiều hơn, cho phép tăng quy mô các sự kiện và nới lỏng kiểm soát biên giới. Nhưng đến đầu tháng 9, khi số ca nhiễm tăng, giai đoạn chuyển tiếp A đã không diễn ra. Ngày 3.9, đồng Chủ tịch nhóm chuyên trách liên bộ chống Covid-19 Lawrence Wong thông báo các biện pháp hạn chế hiện tại chưa được nới lỏng trong khi nhà chức trách theo dõi tình hình dịch bệnh. Singapore cùng ngày ghi nhận 216 ca lây nhiễm cộng đồng, trong bối cảnh một số ổ dịch mới xuất hiện.
"Chúng tôi không có ý định thực hiện bất kỳ động thái mở cửa nào vào lúc này, bởi có một khoảng trễ giữa thời điểm bắt đầu lây nhiễm đến khi bệnh trở nên nghiêm trọng. Chúng tôi muốn dành một chút thời gian để theo dõi tình hình", ông Wong nói.
Vài ngày sau đó, Bộ trưởng Y tế Singapore kêu gọi người dân hạn chế tụ tập đông người và cấm giao tiếp xã hội tại nơi làm việc. Chủ tịch Wong cùng ngày lưu ý nhà chức trách sẽ không loại trừ khả năng áp đặt trở lại tình trạng cảnh giác cao độ hoặc phong tỏa nếu số ca Covid-19 chuyển nặng cần chăm sóc đặc biệt và thở oxy tăng mạnh. "Như tôi nói tuần trước, đây là những biện pháp cuối cùng và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để không phải dùng đến chúng, nhưng chúng ta không nên loại bỏ chúng hoàn toàn", ông nhấn mạnh.
Anh: Luôn có “Kế hoạch B”
Từ ngày 19.7, Anh bước sang giai đoạn cuối cùng trong quá trình nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid-19, loại bỏ gần như tất cả các hạn chế trong tiếp xúc xã hội. Nước này không đặt ra hạn chế nào về số người tham gia trong các buổi gặp mặt hay sự kiện. Câu lạc bộ đêm mở cửa trở lại và khẩu trang chỉ được khuyên dùng ở một số địa điểm, không bắt buộc.
Dù vậy, Thủ tướng Boris Johnson vẫn lưu ý tiến trình này phải được thực hiện một cách thận trọng, đồng thời cảnh báo đại dịch chưa kết thúc và đất nước luôn phải sẵn sàng cho “Kế hoạch B”. Một trong những công cụ trong Kế hoạch B là hộ chiếu vaccine sẽ được yêu cầu xuất trình để có thể vào các câu lạc bộ đêm, các địa điểm trong nhà với sức chứa hơn 500 người, các địa điểm ngoài trời với hơn 4.000 người và bất kỳ địa điểm nào có hơn 10.000 người tham dự. Ngoài ra, đeo khẩu trang sẽ trở thành yêu cầu pháp lý trong một số tình huống nhất định, cũng như yêu cầu những người có thể làm việc tại nhà làm như vậy trong một khoảng thời gian giới hạn.
Malaysia: Kế hoạch Phục hồi quốc gia 4 giai đoạn
Trong nỗ lực đưa đất nước chung sống với Covid-19, Malaysia đã đề ra Kế hoạch Phục hồi quốc gia gồm 4 giai đoạn, dựa trên 3 yếu tố chính là số ca nhiễm, số ca trong khu chăm sóc đặc biệt và tỷ lệ tiêm chủng.
Giai đoạn 1: Áp dụng giới hạn di chuyển toàn bộ trong thời điểm đại dịch diễn biến phức tạp khiến hệ thống y tế rơi vào tình trạng áp lực cao.
Giai đoạn 2: Hoạt động kinh tế từng bước mở cửa và 80% người lao động đi làm. Tuy nhiên, chỉ một số lĩnh vực hoạt động trở lại dựa trên quyết định của Chính phủ.
Giai đoạn 3: Mọi hoạt động kinh tế được phục hồi, trừ những lĩnh vực nguy cơ lây nhiễm và tập trung đông người.
Giai đoạn 4: Chính phủ sẽ cân nhắc mở cửa mọi hoạt động thường ngày, cho phép nhiều hoạt động xã hội hơn và khôi phục đi lại, du lịch nội địa.
Trong cuộc họp hôm 8.9, chính phủ Malaysia quyết định 3 vùng trọng điểm là Selangor, Putrajaya và Kuala Lumpur bước vào giai đoạn 2 từ ngày 10.9. Theo đó, hoạt động đi lại giữa 3 bang được phép khôi phục, thực khách được phép dùng bữa tại nhà hàng, du lịch khôi phục tại mỗi bang nhưng những hoạt động này chỉ dành cho người tiêm đầy đủ vaccine. Malaysia hiện chỉ còn 2 bang Johor và Kedah ở giai đoạn 1.
Chung sống với Covid-19 là một tương lai mà ở đó các nước sẽ phải học cách kiểm soát các ổ dịch song song mục tiêu giảm thiểu cản trở hoạt động kinh tế. Để đi theo cách tiếp cận này, cần phải phối hợp các giải pháp về vaccine, tăng cường hệ thống y tế, linh hoạt các biện pháp ứng phó dịch tễ tùy theo mức độ lây lan, chính quyền bảo đảm thông tin đầy đủ và mỗi công dân tự đề cao trách nhiệm cá nhân.
Thay đổi này là bước chuyển hướng đến để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay bởi Covid-19 có thể không phải là cuộc khủng hoảng cuối cùng và việc học cách thay đổi sẽ giúp thế giới thích ứng tốt hơn với những thách thức tiếp theo.