Ấn Độ là một trong những thị trường phát triển nhất về lĩnh vực thương mại điện tử trong những năm vừa qua. Doanh thu từ lĩnh vực này chứng kiến tốc độ tăng trưởng hàng năm là 51%, cao nhất thế giới. Sự tăng trưởng đó được kích hoạt bởi sự gia tăng cơ sở thuê bao điện thoại di động và khả năng thâm nhập của internet trên khắp đất nước. Số lượng người dùng internet ở Ấn Độ tăng từ 445,96 triệu người năm 2017 lên 665,31 triệu người vào năm 2019 và dự kiến sẽ tăng lên 829 triệu người vào năm 2021.
Sự gia tăng truy cập internet đã mang lại tăng trưởng tương ứng về số lượng các công ty khởi nghiệp dựa trên internet và nhiều gã khổng lồ internet đa quốc gia toàn cầu hiện đang tham gia và phát triển kinh doanh tại thị trường Ấn Độ. Nền kinh tế kỹ thuật số mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và thị trường, giúp tăng lựa chọn, giá thấp hơn, tính đối xứng thông tin và đổi mới nhanh chóng, nhưng một số chuyên gia cũng cảnh báo đây là điều không tưởng của cạnh tranh hoàn hảo. Ngay cả việc mang lại nhiều lợi ích, nền kinh tế kỹ thuật số đang làm phát sinh khả năng xảy ra các hành vi phản cạnh tranh và lạm dụng mới, do bản chất phức tạp của công nghệ cơ bản có liên quan, có thể không chỉ khó hiểu mà thậm chí còn không phù hợp với khuôn khổ luật cạnh tranh truyền thống.
Nhiều năm qua, Ấn Độ đã có phiên bản luật cạnh tranh của riêng mình, được ban hành thông qua một đạo luật được gọi là Luật Thực hành thương mại hạn chế và độc quyền 1969 (Luật MRTP). Văn bản pháp lý này dựa trên các nguyên tắc của nền kinh tế “chỉ huy và kiểm soát”, được thiết kế để đặt ra một cơ chế quản lý trong nước không cho phép tập trung quyền lực kinh tế vào một số ít gây phương hại đến lợi ích công cộng và do đó nghiêm cấm bất kỳ chế độ độc quyền nào cũng như các hoạt động thương mại hạn chế. Tuy nhiên, luật này dần tỏ ra không còn hiệu quả dù được sửa đổi nhiều lần. Sau khi tự do hóa kinh tế năm 1991, Ấn Độ nhận thấy phải bắt buộc phải xây dựng một chế độ pháp luật cạnh tranh đáp ứng tốt hơn với thực tế kinh tế quốc gia và phù hợp với thông lệ quốc tế. Do đó, vào năm 2002, Quốc hội Ấn Độ đã thông qua một luật cạnh tranh mang tính toàn diện - Luật Cạnh tranh 2002 để điều chỉnh các hoạt động kinh doanh trong nước nhằm ngăn chặn các hành vi có ảnh hưởng bất lợi đáng kể đến cạnh tranh ở Ấn Độ. Luật Cạnh tranh này chủ yếu tìm cách điều chỉnh ba loại hành vi: thỏa thuận chống cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh và các mối kết hợp (tức là sáp nhập, mua lại và hợp nhất). Luật sau đó được sửa đổi vào năm 2007, nhưng chỉ chính thức có hiệu lực vào năm 2009 khi Chính phủ Ấn Độ thông báo các điều khoản liên quan đến các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và lạm dụng vị trí thống lĩnh của Luật Cạnh tranh. Và phải mất thêm ba năm nữa để các điều khoản về kiểm soát sáp nhập của Luật Cạnh tranh mới có hiệu lực vào tháng 6.2011.
Luật Cạnh tranh Ấn Độ đã tạo ra một cơ quan thực thi mới, Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ (CCI), hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc thực thi và quản lý Luật Cạnh tranh. CCI bao gồm một chủ tịch, không ít hơn 2 và không nhiều hơn 6 thành viên khác do Chính phủ chỉ định. CCI có thể tự mình bắt đầu một cuộc điều tra liên quan đến thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh trên cơ sở thông tin hoặc kiến thức thuộc sở hữu của mình, hoặc khi nhận được thông tin hoặc khi nhận được tài liệu tham khảo từ chính phủ hoặc một cơ quan có thẩm quyền theo luật định. Bất kỳ người nào, người tiêu dùng hoặc hiệp hội của họ đều có thể gửi khiếu nại / thông tin liên quan đến các thỏa thuận chống cạnh tranh và lạm dụng vị trí thống lĩnh. Đối với các hình thức kết hợp, CCI có thể tự mình bắt đầu điều tra hoặc trên cơ sở thông báo của các công ty đề xuất tham gia sự kết hợp. CCI và cơ quan điều tra của nó, Văn phòng Tổng giám đốc (DG), được giao quyền điều tra sâu rộng về các hành vi chống cạnh tranh, bao gồm quyền triệu tập và buộc sự có mặt của bất kỳ cá nhân nào, kiểm tra họ khi tuyên thệ, nhận bằng chứng về bản tuyên thệ và các điều khoản tương tự khác. Nếu CCI cho rằng có trường hợp sơ bộ, CCI sẽ chỉ đạo DG điều tra vấn đề và báo cáo các phát hiện của mình. DG cũng được trao quyền để thực hiện “các cuộc đột kích” cho mục đích điều tra. CCI có thể dựa vào các khuyến nghị do DG đưa ra trong báo cáo của mình và sau khi cho các bên liên quan có cơ hội được lắng nghe, thông qua các lệnh đó nếu thấy phù hợp, bao gồm lệnh ngừng hoạt động và bãi bỏ cũng như áp dụng các hình phạt. Theo Luật Cạnh tranh Ấn Độ, có điều khoản kháng cáo lên Tòa án Phúc thẩm cạnh tranh (COMPAT) đối với một số lệnh nhất định của CCI. Kháng cáo khác từ quyết định của COMPAT có thể được đưa ra trước Tòa án Tối cao của nước này.