Lao động phi chính thức chịu nhiều thiệt thòi
Theo ấn phẩm mới xuất bản vào tháng 7.2021 về các chính sách “thân thiện với gia đình” cho người lao động khu vực phi chính thức do Tổ chức Globalizing and Organizing (WIEGO), Quỹ trẻ em Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức lao động thế giới (ILO) thực hiện, việc các lao động ở khu vực phi chính thức không được tiếp cận với nhiều hoặc tất cả các khía cạnh của hệ thống bảo trợ xã hội cũng như các quy định lao động đã dẫn đến mất mát nghiêm trọng thu nhập, tăng nguy cơ mất an ninh lương thực và nạn đói, đồng thời làm trầm trọng hơn tính dễ bị tổn thương trước những cú sốc trong tương lai. Điều này bao gồm việc thiếu khả năng tiếp cận với bảo hiểm y tế toàn dân, trợ cấp trẻ em, nghỉ ốm và nghỉ chăm sóc con nhỏ có trả lương, chế độ thai sản và nghỉ dưỡng thai, trợ cấp thất nghiệp, lương hưu, trợ cấp tiền mặt khác, cũng như rộng hơn là các cơ chế bảo trợ xã hội và điều tiết lao động. Tuy nhiên, các chính sách thân thiện với gia đình và bảo trợ xã hội là quyền cơ bản đối với tất cả người lao động, con cái và gia đình của họ, bất kể tình trạng việc làm, vị trí địa lý, giới tính, chủng tộc, dân tộc, khuyết tật, tuổi tác hoặc bất kỳ đặc điểm nào khác.
Thực tế, những người hoạt động trong khu vực kinh tế phi chính thức đang phải đối mặt với tỷ lệ nghèo và đói cao hơn trong các hộ gia đình của họ do giảm trong thu nhập. Mất việc làm do suy thoái kinh tế dẫn đến thu nhập lao động toàn cầu giảm mạnh kể từ năm 2019. Ước tính có thêm 108 triệu người lao động hiện đang ở mức cực kỳ hoặc nghèo vừa phải - sống với mức dưới 3,25 USD mỗi ngày. Tác động nghèo đói là nghiêm trọng nhất ở các nước thu nhập thấp và phụ nữ, với 42% phụ nữ trong khu vực kinh tế phi chính thức làm việc trong các lĩnh vực được xác định là “rủi ro cao” so với 32% nam giới làm việc phi chính thức. Ví dụ, ILO ước tính rằng, 72% lao động giúp việc gia đình đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng trên khắp thế giới, 76% trong số họ làm việc phi chính thức. Người lao động nhập cư có nhiều khả năng bị loại khỏi bất kỳ biện pháp cứu trợ khẩn cấp nào và thiếu bảo trợ xã hội.
Hành động của các nước
Ở Brazil, bắt đầu từ tháng 4.2020, Chính phủ đã giới thiệu Auxilio Emegencial (AE), một khoản trợ cấp tiền mặt khẩn cấp cho những người không làm công ăn lương chính thức nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp xã hội. Điều này bao gồm người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức và người lao động tự do. Những người hưởng lợi đã được xác định thông qua cơ quan đăng ký xã hội quốc gia. Nước này cũng thiết lập một nền tảng trực tuyến để đăng ký những người đủ điều kiện, nhưng không được liệt kê trên cơ quan đăng ký xã hội.
AE đã được thực hiện trong 5 tháng với mức 600 BRL (106 USD) và thêm 4 tháng với mức 300 BRL (53 USD) cho tối đa 2 người lớn đủ điều kiện ở mỗi gia đình. Chương trình vươn tới được hơn 68 triệu người và được cho là đã ngăn chặn sự gia tăng mạnh mẽ hơn về bất bình đẳng và nghèo đói vào năm 2020. Mặc dù chương trình kết thúc vào tháng 12. 2020, nhưng sau đó Chính phủ tiếp tục thực hiện một vòng mới vào tháng 4.2021, kéo dài 4 tháng.
Tại Thái Lan, khi các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus được áp dụng khi bắt đầu đại dịch Covid-19 vào năm 2020, Chính phủ đã khởi xướng kế hoạch chuyển tiền mặt mới, cung cấp 5.000 baht Thái (160 USD) mỗi tháng cho người lao động phi chính thức từ tháng 4 đến tháng 6. Hơn 28 triệu người đã nộp đơn xin chuyển tiền. Số lượng người nộp đơn cao hơn nhiều so với dự kiến, buộc Chính phủ phải điều chỉnh lại mục tiêu ban đầu từ 3 triệu lên 16 triệu lao động phi chính thức - chiếm 45% lực lượng lao động. Một biểu mẫu trực tuyến được tạo để người lao động phi chính thức đăng ký và được liên kết với các cơ sở dữ liệu khác của Chính phủ để xác minh thông tin được cung cấp.
Tổng cộng, Chính phủ đã chi 1,4% GDP cho chương trình chuyển tiền mặt. Mặc dù nhiều lao động phi chính thức được hưởng lợi từ biện pháp này, nhưng lao động phi chính thức nhập cư đã bị loại trừ và thời gian tài trợ ngắn có thể hạn chế tác động của nó đối với việc bảo vệ các hộ gia đình của người lao động phi chính thức khỏi nghèo đói.
Ngoài các biện pháp chuyển tiền khẩn cấp, phụ nữ và nam giới trong khu vực kinh tế phi chính thức ở Thái Lan đang kêu gọi các kế hoạch phục hồi kinh tế bao gồm hỗ trợ kinh doanh, tiếp cận thị trường và các chiến lược thị trường lao động tích cực nhắm mục tiêu cụ thể đến lĩnh vực việc làm của họ để họ có thể lấy lại thu nhập hoặc tìm cơ hội việc làm mới.
Ở Ghana, việc mất thu nhập của những người lao động phi chính thức là một rào cản quan trọng khiến các gia đình không có đủ khả năng mua bảo hiểm chăm sóc sức khỏe. Ở Ghana, phụ nữ lao động phi chính thức cho biết, họ không thể trả phí bảo hiểm y tế quốc gia hàng năm, vì vậy họ và con cái của mình không được bảo hiểm. Tuy nhiên, những người tham gia Chương trình Trao quyền cho sinh kế chống lại đói nghèo của Ghana (LEAP) do Bộ về Giới, Trẻ em và Bảo trợ xã hội phối hợp với Cơ quan Bảo hiểm y tế quốc gia thực hiện, đã bắt đầu “ra quân” rộng rãi trên toàn quốc để đăng ký tất cả những người thụ hưởng LEAP trong Chương trình Bảo hiểm y tế quốc gia (NHIS). Đây là ví dụ cho thấy mối liên kết chặt chẽ giữa các chương trình có thể mở rộng và loại bỏ những rào cản đối với các dịch vụ thiết yếu. Theo nhiều nhà phân tích, các quỹ quốc gia và toàn cầu nên hướng tới việc tăng cường hệ thống bao phủ y tế công cộng để bảo đảm sự tiếp cận công bằng cho tất cả mọi người.