Khoảng cách giới và bất bình đẳng trước Covid-19
GRB là gì?
Lập ngân sách đáp ứng theo giới là một quá trình nhằm đưa các vấn đề quan tâm của nam giới và phụ nữ thành một phần không thể thiếu trong việc triển khai, giám sát, và đánh giá chiến lược, chính sách, chương trình, dự án trong tất cả các lĩnh vực, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… và ở tất cả các cấp độ trung ương và địa phương. Mục tiêu là bảo đảm rằng phụ nữ và nam giới đều được hưởng sự bình đẳng. Hiểu một cách đơn giản hơn, ngân sách đáp ứng theo giới là việc phân bổ nguồn lực để đáp ứng khả năng, nhu cầu, bù đắp những thiệt thòi, hạn chế của phụ nữ và nam giới; trẻ em gái và trẻ em trai (theo định nghĩa của UNWomen 2016).
Kể từ trước đại dịch, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động đã tăng đều đặn, trong đó phụ nữ ở Việt Nam và Trung Quốc chiếm 50% tổng lực lượng lao động. Mặc dù vậy, chỉ có 20% đại diện hội đồng quản trị ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) là phụ nữ. Con số này thấp là do các chuẩn mực xã hội phổ biến mong muốn phụ nữ làm việc trong khu vực phi chính thức và các lĩnh vực liên quan đến dịch vụ, vốn thường là những công việc và vai trò được trả lương thấp.
Một trong những chìa khóa để thu hẹp khoảng cách giới là đạt được sự dịch chuyển xã hội và tiềm năng thu nhập cao hơn thông qua việc cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục cho trẻ em gái. Tuy nhiên, những cơ hội này thường được trao cho nam hơn là nữ giới. Kết quả là, đầu tư cho thế hệ tương lai sẽ giảm đáng kể trong trường hợp suy thoái kinh tế dài hạn.
Hơn nữa, phụ nữ thường đảm nhận vai trò nuôi dưỡng và chăm sóc gia đình. Những bà mẹ duy trì sự nghiệp chuyên nghiệp cũng thường phải chịu gánh nặng kép trong việc chăm sóc con cái. Do đó, một số người sử dụng lao động do dự trong việc giao thêm trách nhiệm cho phụ nữ.
Những thách thức trên chỉ minh họa một số yếu tố góp phần giải thích tại sao chênh lệch lương giữa hai giới vẫn tồn tại. Một nghiên cứu năm 2018 của Korn Ferry Global Gender Pay cho thấy, trung bình thu nhập của phụ nữ thấp hơn nam giới 15%.
Covid-19 nới rộng khoảng cách giới
Đại dịch Covid-19 khiến phụ nữ bị gạt ra khỏi nền kinh tế được trả lương với tốc độ nhanh hơn nam giới - một phần vì họ phải gánh vác nhiều trách nhiệm chăm sóc không được trả lương và vì họ làm việc trong các lĩnh vực dễ bị gián đoạn hơn.
Khi thế giới áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa nền kinh tế để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, các lĩnh vực như: bán lẻ, khách sạn và du lịch là một số ngành đầu tiên bị gián đoạn. Điều này khiến phụ nữ rơi vào tình thế dễ bị tổn thương vì những lĩnh vực này có tỷ lệ nhân viên nữ cao và theo truyền thống là dựa vào tương tác trực tiếp. 40% tổng số phụ nữ có việc làm (trong khoảng 510 triệu phụ nữ trên toàn cầu) trong các lĩnh vực sẽ gặp khó khăn hơn so với 36,6% nam giới. Do đó, phụ nữ dễ dàng bị mất nguồn thu nhập.
Trong khi đó, phụ nữ thường khó tìm được việc mới hơn sau thời gian phải nghỉ việc. Thống kê của EIGE cho thấy 1/10 phụ nữ ở Liên minh châu Âu (EU) làm việc bán thời gian hoặc không làm việc vì trách nhiệm gia đình, so với 1/100 đàn ông.
Phụ nữ cũng ít có cơ hội được làm việc trong các khu vực phi chính thức, nơi họ dựa vào tiền lương để đáp ứng nhu cầu hàng ngày. Họ thường không được luật việc làm bảo vệ và không được nghỉ những ngày ốm đau hoặc nghỉ phép. Người sử dụng lao động cũng có thể chấm dứt công việc của họ bất cứ lúc nào mà không cần nguyên nhân hoặc không phải trả tiền thôi việc. Lĩnh vực sản xuất hàng may mặc cung cấp nhiều việc làm phi chính thức nhất cho phụ nữ ở Campuchia. Nhưng khi Covid-19 tàn phá chuỗi cung ứng, nhu cầu về quần áo toàn cầu đã giảm tới 50%. Điều này dẫn đến việc sa thải hàng loạt làm tổn hại đến nguồn thu nhập của những phụ nữ này.
Báo cáo mới công bố gần đây của UNWomen cho thấy đại dịch sẽ đẩy 96 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2021, trong đó 47 triệu người là phụ nữ và trẻ em gái. Điều này sẽ nâng tổng số phụ nữ và trẻ em gái sống ở mức dưới 1,90 USD lên 435 triệu. Sự gia tăng nghèo đói do đại dịch gây ra cũng sẽ làm gia tăng khoảng cách nghèo đói theo giới, có nghĩa là nhiều phụ nữ sẽ bị đẩy vào cảnh nghèo hơn nam giới. Điều này lại đặc biệt xảy ra ở những phụ nữ từ 25 đến 34 tuổi, độ tuổi sung mãn đỉnh cao của năng suất lao động sản xuất và lập gia đình của họ.
Việc đóng cửa trường học liên tục là một gánh nặng lớn khác đối với các bà mẹ đang đi làm, những người phải tiếp tục làm việc tại nhà khi việc học từ xa trở thành tiêu chuẩn. Họ vẫn phải dạy kèm con cái của họ trong khi tiếp tục phải hoàn thành công việc của mình. Ngay cả trước Covid-19, phụ nữ đã dành trung bình 4,1 giờ mỗi ngày để thực hiện công việc không được trả lương, trong khi nam giới dành 1,7 giờ - điều đó có nghĩa là phụ nữ đã làm công việc chăm sóc không được trả lương nhiều hơn nam giới gấp ba lần.
Đại dịch cũng dẫn đến sự gia tăng bạo lực gia đình. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã báo cáo về số lượng báo cáo của cảnh sát liên quan đến bạo lực gia đình cao hơn, cũng như gia tăng các cuộc gọi đến các tổ chức vận động giới trong thời gian giãn cách xã hội.
Tại sao phải có GRB trong các gói phục hồi kinh tế?
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, các nền kinh tế hoạt động tốt hơn nếu tình trạng bất bình đẳng giới được hạn chế. Ví dụ, theo Báo cáo của D’Andrea Tyson năm 2019, nếu nam và nữ đều tham gia một cách bình đẳng vào thị trường lao động, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng thêm 8,7%; nền kinh tế Pháp sẽ tăng thêm 17% và nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng thêm 14%.
Việc kết hợp ngân sách đáp ứng giới (GRB) vào các gói phục hồi kinh tế có thể giúp xác định các tác động theo giới của đại dịch để từ đó, các chính phủ có thể giảm thiểu hoặc khắc phục tác động bằng các chính sách và ngân sách có mục tiêu.
Phụ nữ đang chiếm phần lớn ở tuyến đầu chống dịch, nhưng chưa được đại diện một cách tương xứng ở những vị trí liên quan đến các chính sách phục hồi hậu đại dịch. Khi Covid-19 đang khiến nữ giới có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, xây dựng một tương lai bình đẳng mang tính bền vững trở thành trách nhiệm toàn cầu.