Đạo luật Covid-19 (Các biện pháp tạm thời) 2020
Đạo luật này đã được thông qua theo quy trình khẩn cấp do Tổng thống ký, trong đó cho phép 3 lần đọc của dự luật được thực hiện trong một buổi họp Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Bộ trưởng Bộ Pháp luật K. Shanmugam nhấn mạnh, dự luật trên là nỗ lực của toàn Chính phủ với sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan. Ông cho biết: “Đạo luật đã được tập hợp lại rất nhanh, chỉ trong một vài ngày, khi chúng tôi nhận thấy tình hình đang ngày càng xấu đi”.
Cụ thể, đạo luật chấp nhận đại dịch Covid-19 là “tình huống bất khả kháng”, từ đó, có biện pháp ngăn các khách sạn hoặc công ty cung cấp dịch vụ ăn uống “tịch thu” tiền đặt cọc tổ chức đám cưới hoặc hội nghị kinh doanh bị hoãn do virus Corona.
Bên cạnh đó, luật cũng ngăn chủ nhà chấm dứt hợp đồng thuê thương mại nếu người thuê không thanh toán được tiền thuê nhà vì tác động của dịch Covid-19, chẳng hạn như một nhà hàng gặp khó khăn vì virus bùng phát. Mặc dù tiền thuê sẽ tiếp tục tích luỹ và phải trả, nhưng chúng sẽ đáo hạn chỉ 6 tháng sau.
Bằng cách này, Luật cung cấp dòng tiền tạm thời để cứu trợ cho cả doanh nghiệp lẫn cá nhân, những người có thể phải bồi thường thiệt hại hoặc gặp rủi ro mất tiền cọc do không đáp ứng được các nghĩa vụ hợp đồng. Giải thích sự cần thiết của dự luật, Bộ Pháp luật cho biết, đại dịch Covid-19 cùng với những biện pháp y tế cộng đồng do các Chính phủ trên thế giới áp đặt đã gây ra “tác động kinh tế và xã hội chưa từng thấy và không lường trước được, dẫn đến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như thiếu hụt nhân lực”. Vì vậy, “trong nhiều trường hợp, điều này đã làm suy yếu khả năng của cá nhân và doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ hợp đồng” và “sẽ là không công bằng khi buộc họ phải chịu trách nhiệm quá nặng cho việc bất khả kháng như vậy”.
Đạo luật áp dụng đối với những nghĩa vụ hợp đồng được thực hiện trong và sau ngày 1.2.2020, khoảng thời gian được xác định là lúc đại dịch Covid-19 bắt đầu có tác động đáng kể tới Singapore. Văn bản trên bao trùm tất cả các hợp đồng có hiệu lực hoặc được gia hạn trong và trước ngày 24.3.2020, ngày mà lực lượng đặc nhiệm đa bộ được thành lập để đối phó với dịch bệnh công bố các biện pháp nghiêm ngặt hơn để giảm thiểu sự lây lan, như đóng cửa các địa điểm giải trí, trì hoãn hoặc hủy bỏ tất cả sự kiện và cuộc tụ họp đông người.
Đạo luật trên không miễn trừ hoặc loại bỏ nghĩa vụ hợp đồng của các bên, nhưng đình chỉ chúng trong 6 tháng kể từ khi đạo luật chính thức có hiệu lực vào này 20.4.2020. Chẳng hạn, một khách sạn không thể lấy đặt cọc tiệc đám cưới nếu nó bị hoãn vì Covid-19, và phải trả lại khoản tiền này. Tuy nhiên, quy định trên sẽ không được áp dụng nếu cặp vợ chồng sắp cưới hủy sự kiện hoặc chuyển khách sạn.
Bên cạnh đó, những công ty xây dựng không thể hoàn thành hợp đồng cũng không phải chịu trách nhiệm nếu như việc đó là do đại dịch gây ra.
Trong khoảng thời gian thực hiện các biện pháp "giảm đau kinh tế" - có thể kéo dài khoảng 1 năm kể từ khi đạo luật có hiệu lực - các doanh nghiệp vẫn phải cố gắng hoàn thành các hợp đồng ban đầu.
Một trong những phần quan trọng được đạo luật này bảo vệ là hoạt động thuê các bất động sản thương mại, ví dụ nhà máy đi thuê đất. Khi người thuê không thể trả tiền thuê vì lượng khách hàng giảm và doanh thu giảm, họ có thể nộp đơn xin tham gia chương trình "giảm đau" và được các chuyên viên đánh giá bổ nhiệm bởi Bộ Pháp luật Singapore xem xét.
Nếu đơn đã được chấp thuận, chủ đất sẽ vi phạm pháp luật nếu như chấm dứt hợp đồng cho thuê. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được bảo vệ nếu như vỡ nợ trên những khoản vay được đảm bảo bằng một số tài sản cụ thể như nhà máy, máy móc hoặc các tài sản cố định phục vụ mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn được thực hiện một số quyền khác trên hợp đồng như thu phí và lãi trên khoản vay trả chậm.
Bộ Pháp luật cho biết Singapore cũng tuyển dụng khoảng 100 thẩm định viên để giải quyết tranh chấp phát sinh từ việc áp dụng các biện pháp theo luật. Một thẩm định viên, có thể là kế toán viên hay luật sư, sẽ quyết định việc không thể thực hiện nghĩa vụ hợp đồng có phải do Covid-19 hay không, và có quyền đưa ra biện pháp giải cứu “công bằng và hợp lý theo hoàn cảnh”. Kết luận của thẩm định viên sẽ là quyết định cuối cùng và không thể kháng cáo.
Bộ trưởng Bộ Pháp luật được phép gia hạn thời gian giải cứu theo quy định tới sáu tháng nữa, nhưng luật sẽ hết hiệu lực sau một năm.
Đạo luật sửa đổi năm 2021
Vào ngày 19.4.2021, Đạo luật Covid-19 sửa đổi của Singapore đã chính thức có hiệu lực, kéo dài thời gian hỗ trợ việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng theo đạo luật năm 2020 thêm 1 năm và mở rộng áp dụng đối với lĩnh vực môi trường xây dựng. Những bổ sung này được đưa ra trong bối cảnh các công ty trong lĩnh vực môi trường xây dựng tiếp tục phải đối mặt với áp lực do tình hình Covid-19 gây ra.
Cụ thể, thời gian cứu trợ cho các hợp đồng xây dựng hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ được gia hạn thêm 6 tháng đến ngày 30.9.2021. Điều này cho phép các công ty xây dựng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có thời gian tìm kiếm các biện pháp giảm nhẹ thiệt hại từ pháp luật.
Thời gian hỗ trợ cho các thỏa thuận mua bán cũng được kéo dài thêm 3 tháng, đến ngày 30.6.2021, nhằm hỗ trợ những người mua bất động sản vì mục đích để ở, thương mại hoặc công nghiệp có thêm thời gian thanh toán.
Luật sửa đổi cũng yêu cầu các bên cùng chia sẻ chi phí về thiệt hại do Covid-19 gây ra; thời gian hỗ trợ chia sẻ chi phí được gia hạn thêm 6 tháng, tính đến ngày 30.9.2021. Các nhà thầu phải chịu thêm chi phí do sự chậm trễ mà Covid-19 gây ra sẽ được hưởng lợi từ việc gia hạn này.
Đạo luật sửa đổi cũng đưa ra quy định về việc gia hạn ngày giao quyền sở hữu được quy định trong các thỏa thuận đủ điều kiện cho việc mua bán nhà ở, tài sản thương mại hoặc công nghiệp. Các chủ đầu tư cần cứu trợ trong khoảng thời gian hơn 122 ngày có thể nộp đơn yêu cầu giám định viên xác định thời gian trì hoãn xây dựng do Covid-19 gây ra. Trong trường hợp chủ đầu tư đã gia hạn ngày giao quyền sở hữu, người mua có thể yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả một số khoản chi phí phát sinh do sự chậm trễ trong việc giao căn hộ.