Những con số đáng suy ngẫm
Theo theworldcounts.com, con người đang vứt đi 2 tỷ tấn rác thải sinh hoạt mỗi năm trên toàn cầu, tương đương với hơn 60 tấn rác mỗi giây. Cứ mỗi 2 giờ, số lượng rác thải ra đủ để lấp kín con tàu container lớn nhất thế giới. Mỗi ngày có 12 con tàu như vậy và số lượng đó lên tới 4.570 mỗi năm.
Khi dân số thế giới ngày càng đông, lượng rác thải càng chất cao như núi. Ước tính đến năm 2050, nếu thế giới không hành động sớm, nó sẽ tăng 70%, đạt 3,4 tỷ tấn mỗi năm, nghĩa là lượng rác thải phát sinh sẽ thực sự vượt hơn gấp đôi tốc độ tăng dân số. Hầu hết rác thải sinh hoạt được đưa đến các bãi chôn lấp hoặc bị đốt. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, trong số 6,3 tỷ tấn rác thải nhựa được thải ra trên toàn thế giới, chỉ có khoảng 9% được tái chế, 12% được xử lý bằng phương pháp thiêu đốt, và có tới 79% nằm lại tại các bãi rác hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Chất thải bị đốt chính là nguồn dioxin lớn nhất thế giới trong khi đây là một trong những hóa chất độc hại nhất mà khoa học từng biết.
Thực tế, việc phát sinh và đốt rác thải cũng là một phần nguyên nhân của tình trạng nóng lên toàn cầu, chiếm tương đương 1,6 tỷ tấn CO2 vào năm 2016, tức khoảng 5% lượng khí thải toàn cầu. Đến năm 2050, con số này sẽ tăng hơn 60% trừ khi các hành động quyết liệt được thực hiện.
Nỗ lực toàn cầu
Chính vì chất thải không tự biến mất, nên các quốc gia trên thế giới cần phải tìm ra nhiều biện pháp và chính sách mới nhằm giải quyết tình hình. Là nước có dân số đông thứ nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ rất đau đầu với vấn đề xử lý rác thải. Tháng 4.2016, Bộ Môi trường Ấn Độ đã nâng tầm chiến dịch “Swachh Bharat” (hay còn gọi là Sứ mệnh dọn dẹp Ấn Độ) vốn được Thủ tướng Narendra Modi phát động trước đó 2 năm, phác thảo việc mở rộng gấp ba lần chương trình quản lý chất thải rắn của đất nước, đồng thời đánh dấu lần đầu tiên hệ thống quản lý chất thải của đất nước được thay đổi sau 16 năm. Việc mở rộng này hình sự hóa việc đốt chất thải lộ thiên, cấm đổ chất thải trên các sườn núi hoặc đồi, và xem xét sâu hơn việc quản lý các bãi rác.
Trong khi đó, với một động thái chưa từng có tiền lệ, Pháp đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm rác thải thực phẩm trong siêu thị và bắt buộc các nhà bán lẻ lớn quyên góp thực phẩm thừa. Luật này, được thông qua vào tháng 2.2016, đánh dấu văn bản pháp lý đầu tiên điều chỉnh vấn đề này trong nỗ lực toàn cầu nhằm giảm lãng phí thực phẩm. Các quốc gia khác như Đan Mạch, Đức, Anh và Mỹ đang tham gia cuộc đua tương tự khi thực hiện nhiều chiến lược ngăn chặn lãng phí thực phẩm và dạy người tiêu dùng có ý thức về môi trường khi xử lý rác thải. Bằng cách điều chỉnh nhận thức về thức ăn thừa, những thay đổi sẽ được thực hiện để giúp những người thiếu lương thực, đồng thời góp phần tạo ra ít khí thải carbon hơn từ chất thải hữu cơ.
Ngoài ra, nhận thấy những tác động tiêu cực đến môi trường do chất thải rắn gây ra, Phần Lan đã sớm ban hành các đạo luật về quản lý chất thải, với nhiều quy định chặt chẽ. Năm 1978, Luật Quản lý chất thải đầu tiên của nước này đã được ban hành, bao gồm các quy định chung về cách thức quản lý, thực thi pháp luật, vấn đề tài chính và trách nhiệm của địa phương. Mục tiêu nhằm thúc đẩy sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phòng ngừa tác hại do việc phát sinh chất thải gây ra đối với môi trường và sức khỏe con người. Từ năm 1987, Phần Lan đã tăng cường các giải pháp thu hồi chất thải công nghiệp, chủ yếu là các loại chất thải như gỗ, vỏ cây, chất thải thực phẩm, bao bì và bùn thải. Đến năm 1993, luật trên được sửa đổi, trong đó đề cập đến các khái niệm về giảm thiểu, ngăn chặn chất thải, cũng như hệ thống phân cấp quản lý chất thải (gồm 5 cấp: phòng ngừa; tái sử dụng; tái chế; phục hồi và xử lý). Ngoài ra, luật cũng đưa ra các công cụ kinh tế để việc thực thi quy định pháp luật đạt hiệu quả. Chưa hết, đến năm 2011, Phần Lan tiếp tục sửa đổi Luật Quản lý chất thải và nó có hiệu lực vào tháng 5.2012. Trong đó, đưa ra các quy định cụ thể đối với các loại chất thải như chất thải rắn đô thị, công nghiệp, xây dựng, lốp, thủy tinh, kim loại, vật liệu nguy hiểm, chất thải điện tử, chất thải động vật, vô cơ, hữu cơ… Mỗi loại chất thải đều có quy trình thu gom đồng bộ, chuyên nghiệp theo giá trị riêng của từng loại chất thải. Điều này cho phép tái chế chất thải dễ dàng và giúp thu hồi năng lượng từ chất thải như sản xuất khí sinh học, hoặc đốt rác phát điện, qua đó nâng cao hiệu quả xử lý chất thải, giảm khí thải nhà kính.
Vấn đề rác thải y tế cũng được nhiều quốc gia quan tâm. Ở Mỹ, Quốc hội thông qua đạo luật theo dõi loại rác thải này vào năm 1988, trong đó yêu cầu Cục Bảo vệ môi trường triển khai chương trình theo dõi trong hai năm. Sau đó, các bang và cơ quan chính quyền liên bang chịu trách nhiệm quy định và hướng dẫn quản lý rác thải y tế. Hầu hết 50 bang đã ban hành quy định riêng của mình về vấn đề này. Nhìn sang châu Âu, Anh đã xây dựng khung chính sách bao gồm Luật Bảo vệ môi trường năm 1990 và quy định quản lý chất thải nguy hiểm năm 2005. Tại Đức, quản lý chất thải nói chung được thực hiện theo Luật Quản lý chất thải; vận chuyển chất thải nguy hiểm phải theo Quy định về hàng hóa nguy hiểm; thiêu đốt chất thải phải tuân thủ Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí… Còn tại châu Á, quy định đầu tiên về quản lý chất thải lây nhiễm ở Nhật Bản được ban hành năm 1992, bổ sung vào Luật Tiêu hủy chất thải có từ năm 1970. Ở Hàn Quốc, Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý chất thải năm 1999 để kiểm soát tốt hơn chất thải rắn y tế từ nơi phát sinh tới nơi tiêu hủy cuối cùng.
Trong bối cảnh toàn thế giới phải đối mặt với khủng hoảng rác thải nhựa, ngày 21.10 vừa qua, Bộ Bảo vệ Môi trường Israel (MoEP) tuyên bố, nước này sẽ thực hiện phí đặt cọc theo một dự luật mới đối với các chai nước giải khát lớn hơn 1,5 lít bất chấp áp lực từ ngành đồ uống và siêu thị. Bản chất của dự luật đặt cọc này, sẽ sớm được trình Quốc hội thông qua, là những người sản xuất ra các sản phẩm, chẳng hạn như chai lọ cuối cùng trở thành rác, phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ vòng đời của sản phẩm. Thực tế, hệ thống luật tương tự đã được áp dụng đối với lốp xe đã qua sử dụng, bao bì sản phẩm, sản phẩm điện, thiết bị điện tử và pin. Các nhà lập pháp Israel cho rằng, đây là bước đi đúng đắn “đôi bên cùng có lợi cho môi trường, xã hội và nền kinh tế”. Theo dữ liệu của MoEP, khoảng 60% các sản phẩm nhựa được xả rác trong các không gian công cộng của Israel, và gần 1/3 trong số đó là các loại chai nước giải khát.